Kinh tế
Cần làm mới chợ nông thôn
Bộ mặt chợ nông thôn mới đang từng bước góp phần làm “thay da đổi thịt” các xã ở huyện Hòa Vang. Tuy vậy, cùng với việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, cần khai thác hiệu quả công năng sử dụng để tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và nhân dân.
Mua bán ở chợ nông thôn dần sôi động hơn trước. |
Theo UBND huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn huyện có hơn 20 chợ các loại hoạt động khá ổn định, trong đó có hai chợ loại 2 là chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) và chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước) quy mô hơn cả. Hầu hết các chợ trước đây được hình thành nơi trục đường có mật độ xe qua lại nhiều như chợ Mới Ba Xã cũ (trên quốc lộ 1A), chợ tự phát Hòa Khương (trên quốc lộ 14B), chợ Hòa Tiến, chợ Hòa Sơn.
Nhờ đầu tư bài bản bằng kinh phí của Nhà nước và nhân dân, chợ Mới Ba Xã (mới) nay được dời vào khu tái định cư đã giải quyết tình trạng mất an ninh trên tuyến quốc lộ 1A. Chợ đi vào hoạt động đầu năm 2017 trên tổng diện tích hơn 11.000m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, trong đó 50% do tiểu thương đóng góp. Qua ghi nhận của chúng tôi, bước đầu dù chỉ hoạt động chủ yếu vào buổi chiều nhưng chợ thu hút hàng trăm tiểu thương và người dân mua bán. Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết: “Việc xây dựng và đưa vào hoạt động chợ Mới Ba Xã có ý nghĩa quan trọng, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho việc buôn bán của người dân, vừa là bước tiến để xã Hòa Phước đáp ứng tiêu chí chợ nông thôn mới, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển thương mại, dịch vụ của địa phương”.
Hiện nay, người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 14B đoạn phía trước UBND xã Hòa Khương không còn gặp cảnh chợ tự phát. Chính quyền xã cho biết, nhiều năm trước, người dân được khuyến khích vào họp chợ phía trong đường nhưng vì vị trí không thuận lợi, đường nhỏ nên hộ kinh doanh không chịu vào. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, xã đã nhiều lần họp dân để vận động, đồng thời bố trí các lô, quầy hợp lý nhằm bảo đảm khoản đóng góp xã hội hóa xây chợ phát huy hiệu quả. Cùng với đó, chợ Túy Loan vốn suốt thời gian dài không khai thác được tầng 2 bởi thói quen của người nông thôn và nhu cầu cũng chưa cao. Thế nhưng, theo Ban quản lý các chợ huyện, thời điểm này, có hơn 80% số hộ kinh doanh mặt bằng tại tầng 2. Số tiểu thương đang kinh doanh lên tới vài trăm hộ. Bốn mặt tiền chợ đông đúc tiểu thương các ngành hàng cố định và hàng rong. Khu phố chợ cũng sầm uất hẳn...
Nhiều chợ nông thôn mới đã phát huy hiệu quả hoạt động. Trong ảnh: Chợ mới Ba Xã dù chỉ họp vào buổi chiều nhưng hoạt động mua bán khá sôi động. Ảnh: XUÂN DUYÊN |
Tuy vậy, bên cạnh các chợ đang hoạt động khá sôi động, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, một vài chợ ở Hòa Vang hiện vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đơn cử như chợ Hòa Châu (Khu B, Nam cầu Cẩm Lệ) được đầu tư gần 6,2 tỷ đồng, 50% từ vốn ngân sách thành phố và 50% do huyện huy động các hộ tiểu thương kinh doanh. Chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6-2014 nhưng số hộ kinh doanh đến nay còn rất ít so với tính toán ban đầu. Nguyên nhân do khu vực dân cư lân cận chợ thưa thớt, hoạt động kinh doanh ế ẩm, trong khi tiểu thương than rằng khoản đóng góp cao. Tuy được xây dựng khá bài bản nhưng chợ xây xong vẫn để trống nhiều lô, quầy.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết: “Trước khi triển khai chủ trương xã hội hóa đầu tư chợ, chúng tôi đã mời bà con họp, thông báo và công khai các phương án, mức đóng góp của từng người. Dĩ nhiên tiểu thương thống nhất với chủ trương thì mới làm để tạo sự đồng thuận, ủng hộ chứ không áp đặt. Do hiện tại nhu cầu mua bán ở đây chưa cao nên chợ còn vắng”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu giao thương ngày càng cao của người dân, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, huyện Hòa Vang có kế hoạch chỉ đạo các xã rà soát lại các chợ cũ đã bắt đầu xuống cấp để tiếp tục đầu tư, nâng cấp. Trong năm 2017, chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) được đẩy nhanh tiến độ thi công với vốn đầu tư 25 tỷ đồng sẽ đưa vào sử dụng và bố trí cho 300 hộ kinh doanh. Ngoài ra, chợ Túy Loan cũng đang hoàn tất hồ sơ thẩm định nhằm đạt mục tiêu chợ văn minh thương mại và an toàn thực phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện.
Nhìn nhận về vai trò của chợ nông thôn mới, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đánh giá: “Nhiều công trình chợ đi vào hoạt động tạo điều kiện cho bà con nhân dân mua sắm thuận lợi. Các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương có dịp được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, UBND huyện cũng lưu ý các xã cần chủ động kết nối với tiểu thương để đa dạng các mặt hàng và kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Huyện cũng đã chỉ đạo chính quyền các xã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân, đồng thời quyết liệt chấn chỉnh hoạt động ở các chợ và cần tính đến việc quy hoạch bài bản với mô hình quản lý chợ chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH