Kinh tế
Giá dịch vụ "nóng" cùng pháo hoa
Những ngày này, du khách và các công ty du lịch quan tâm các hoạt động “ăn theo” Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017). Trong đó, dịch vụ lưu trú, tour được xem là nhộn nhịp và được chú ý nhiều nhất.
Thương hiệu pháo hoa quốc tế Đà Nẵng ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng. Ảnh tư liệu |
“Nóng” thông tin về tour pháo hoa
Ngay từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các đơn vị lữ hành đã chào bán các gói sản phẩm liên quan đến pháo hoa và nhận được sự quan tâm của du khách. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho biết, năm nay, DIFF 2017 diễn ra trong suốt 2 tháng nên du khách có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, do đêm khai mạc diễn ra cùng đợt với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên từ đầu tháng 4 đến nay, rất đông khách gọi điện hỏi thông tin về các tour xem pháo hoa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, DIFF chủ yếu thu hút sự quan tâm của khách nội địa. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) phân tích: “Những năm trước, việc trình diễn pháo hoa tập trung trong 2 đêm nên du khách phải đến vào dịp này nếu muốn xem pháo hoa. Còn năm nay, DIFF được làm mới, khách có nhiều lựa chọn, không mua dịch vụ dịp này thì sẽ đi dịp sau. Do đó, lượng khách sẽ không tăng đột biến như những mùa pháo hoa trước. Hiện tại, đa số khách hỏi về các dịch vụ của hai đêm khai mạc và bế mạc DIFF. Mặt khác, do xu hướng hiện nay khách tự đi, tự tìm kiếm, đặt các dịch vụ hoặc đặt dịch vụ từng phần nên thông thường đến sát ngày diễn ra lễ hội, các dịch vụ mới thực sự nhộn nhịp”.
Một trong những dịch vụ năm nay được quan tâm nhiều nhất là phòng khách sạn. Ở phân khúc 4-5 sao, phần đông nguồn khách ổn định nên không có tác động nhiều trong dịp này, nhưng khối từ 1-3 sao hiện có nhiều loại giá khác nhau. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết, phòng khách sạn năm nay vẫn có tình trạng sốt “ảo” vì chủ một số khách sạn cho rằng, như những năm trước, khách đến đông trong dịp pháo hoa và khách muốn đặt phòng thì phải đặt từ 2-3 đêm. “Mọi năm có tình trạng một số công ty du lịch gom phòng, giữ phòng để bán cho khách, nhưng năm nay các khách sạn tự giữ phòng và bán trực tiếp cho khách”, đại diện đơn vị lữ hành này lý giải.
Vị trí đắc địa được chào bán giá cao
Tính đến tháng 4 này, Đà Nẵng có gần 600 khách sạn với 22.478 phòng phục vụ DIFF 2017. Theo đại diện các khách sạn, do DIFF 2017 kéo dài và các ngày trình diễn pháo hoa rải rác từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6 nên không xảy ra tình trạng “căng” phòng.
Thông tin từ Phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch cho biết, đêm thi đầu tiên trùng với đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, hơn nữa đúng vào cuối tuần nên nhu cầu của khách chủ yếu tập trung trong dịp này, công suất buồng, phòng thời điểm này của các khách sạn khoảng 65% toàn khối, dao động từ 50-100% tùy hạng sao. Giá phòng khách sạn của khối 1-3 sao dịp này đều tăng trong khoảng 30-50% so với mức giá bình thường. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, giá phòng khách sạn dịp này (đêm khai mạc) đều tăng cao, đặc biệt những khách sạn ven sông Hàn, khách sạn gần biển, những vị trí đắc địa có thể xem pháo hoa.
Thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, một số khách sạn 2-3 sao vẫn còn phòng. Tuy nhiên, giá phòng được đẩy lên cao gấp nhiều lần so với bình thường. Cụ thể, chúng tôi liên hệ với khách sạn V. (3 sao) trên đường Trần Hưng Đạo, nhân viên kinh doanh của khách sạn giới thiệu: “Khách sạn V. hiện chưa có kế hoạch bán vé xem pháo hoa cho khách trên sân thượng nên khi đặt phòng tại đây khách có thể lên sân thượng để xem pháo hoa mà không cần có mặt tại khán đài. Giá một đêm lưu trú có xem pháo hoa được chào bán mức 3,5 triệu đồng/đêm/phòng đôi, nếu thêm người thì phụ thu 300.000 đồng. Giá phòng các đêm sau pháo hoa trở lại mức 650.000 - 800.000 đồng/phòng/đêm”.
Tương tự, các khách sạn 2-3 sao ở khu vực gần biển giá dao động từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/đêm/phòng 2 người (tăng gấp đôi so với giá ngày thường 500.000 - 600.000 đồng). Đa phần các khách sạn đều bán trọn gói từ 2-3 đêm. Nhân viên kinh doanh khách sạn M. trên đường Dương Đình Nghệ cho biết, cũng có nhiều khách hỏi đặt phòng 1 đêm có pháo hoa nhưng đêm khai mạc DIFF trùng với kỳ nghỉ lễ 30-4 nên khách sạn bán trọn gói 3 đêm, hoặc ít nhất 2 đêm chứ không bán lẻ.
Cần kiểm soát tốt giá dịch vụ
Giám đốc một đơn vị lữ hành quốc tế phàn nàn: “Ngày thường giá phòng khách sạn 3 sao dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/phòng/đêm, hiện tại tăng lên 1,4 - 1,5 triệu đồng/đêm, khiến doanh nghiệp gặp khó. Cả năm hợp tác, đưa khách đến cho khách sạn không kể mùa thấp điểm, cao điểm; đến dịp DIFF, khi cần đặt phòng cho khách lại không đặt được. Không riêng dịch vụ lưu trú mà cả dịch vụ vận chuyển cũng tăng giá, khó đặt, khiến các đơn vị lữ hành khó xoay xở, không thể tăng giá tour của khách để bù lại chi phí”. Do đó, vị giám đốc này mong những người làm dịch vụ nên nhìn vào thực tế lượng khách đến Đà Nẵng, dù lễ hội kéo dài cũng đừng nhân cơ hội này tăng giá.
Thông thường, vào các dịp lễ, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả dịch vụ nhằm hạn chế tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách những mùa cao điểm. Mới đây, quận Sơn Trà cũng tổ chức các buổi tuyên truyền cho các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống tại địa phương quán triệt quy định về cam kết giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; thông báo, nhắc nhở việc kê khai và thực hiện niêm yết giá tại quầy lễ tân khách sạn…
Theo đại diện Sở Du lịch, năm nay, UBND thành phố không ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, thay vào đó là kế hoạch kiểm tra liên ngành về giá dịch vụ nhân dịp DIFF. Do đó, nhằm tránh trường hợp vi phạm không kê khai giá, không bán đúng giá niêm yết, UBND các quận và Sở Du lịch đã có hướng dẫn các khách sạn thực hiện việc đăng ký, niêm yết giá trong trường hợp khách sạn có sự thay đổi về giá trong thời gian diễn ra DIFF.
Đại diện Sở Công thương thành phố cho hay, mới đây, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch kiểm tra kiểm soát giá các dịch vụ trong thời gian diễn ra DIFF. Theo đó, sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra từ ngày 20-4 đến 24-6. Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể từng cơ sở, tăng cường quản lý Nhà nước về giá các loại dịch vụ lưu trú du lịch, vận tải hành khách bằng taxi, xe buýt, phương tiện thủy nội địa, dịch vụ ăn uống, trông giữ xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai giá, niêm yết giá đối với các dịch vụ lưu trú du lịch, vận tải, ăn uống, trông giữ xe...; kịp thời ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm trong lĩnh vực quản lý về giá, chất lượng sản phẩm dịch vụ; đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến nghị khách hàng không sử dụng sản phẩm dịch vụ chất lượng kém.
Bài và ảnh: CAO MINH