Sáng 9-4, báo cáo với Đoàn kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị hiện đầu tư xây dựng và quản lý 5 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài 539km. Với vai trò doanh nghiệp, VEC là đầu mối huy động được nguồn vốn hơn 125.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD); trong đó có gần 50% vốn vay và 4.400 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, 3 tuyến cao tốc đưa vào khai thác phát huy hiệu quả tích cực, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, giảm ách tắc, tai nạn giao thông… Mục tiêu đến năm 2020, VEC đầu tư được 1.000km và sau năm 2030 là 2.000km đường cao tốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) chỉ đạo tại buổi kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tại công trường dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Mai Tuấn Anh cho biết, tiến độ triển khai dự án đạt hơn 71%, cơ bản hoàn thiện phần nền đường, hầm, cầu cống trên tuyến và vào giai đoạn thảm bê-tông nhựa đại trà. Tháng 6-2017 tới, đoạn tuyến JICA cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật. Toàn dự án cơ bản thông xe vào cuối năm 2017. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, mô hình hoạt động VEC - chủ đầu tư dự án - có những điều chỉnh phù hợp để tranh thủ thu hút nguồn lực đầu tư giao thông, nguồn vốn ưu đãi… Công tác kiểm soát tiến độ, chất lượng đang được tập trung triển khai, xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh. Mới đây, VEC mời đoàn chuyên gia khảo sát, đánh giá, Bộ GTVT tổ chức hội nghị chuyên đề về hiện tượng lớp móng đá cấp phối gia cố xi-măng. VEC chỉ đạo các đơn vị rà soát các khâu thi công, kiểm soát chặt chẽ quy trình, quản lý chất lượng với từng hạng mục…
Biểu dương nỗ lực triển khai dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu công trình chủ động các giải pháp công nghệ để khi đưa vào khai thác mang tính đồng bộ, hiệu quả; đồng thời cho biết, sắp tới Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội họp bàn tập trung nguồn lực đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước trong 70.000 tỷ đồng (bố trí công trình trọng điểm), cần thu hút nguồn lực đầu tư qua các hình thức PPP. Việc đầu tư cần tập trung nguồn lực, có phân kỳ, phân đoạn cụ thể, như ưu tiên các đoạn tuyến phía Bắc, Nam trước, và nối tuyến ở miền Trung.
THÀNH LÂN