Kinh tế

Tìm giải pháp giảm ô nhiễm biển

07:53, 21/04/2017 (GMT+7)

Tình trạng nước thải tràn ra biển Đà Nẵng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến du lịch biển. Nguyên nhân chính là hạ tầng xuống cấp, cùng với quá nhiều nhà hàng, khách sạn xả thải ra hệ thống cống dẫn đến sốc tải so với thiết kế. Vì vậy, cần tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Thời gian qua, nước thải tràn từ các cống xả chảy ra biển gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NGỌC PHÚ
Thời gian qua, nước thải tràn từ các cống xả chảy ra biển gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hệ thống thoát nước xuống cấp

Trước thực trạng nước thải từ các cửa xả tràn ra biển bốc mùi hôi, gây ô nhiễm trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tìm hiểu nguyên nhân.

Theo đó, nguyên nhân chính được xác định do hệ thống thoát nước hiện nay của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước chung nên nước thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh được thải vào hệ thống với một lượng đáng kể chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ.

Các chất gây ô nhiễm thường giữ lại trong hệ thống thoát nước với thời gian tương đối dài trước khi được chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung thông qua hệ thống các cơ cấu tách dòng (CSO). Các CSO tập trung lượng lớn nước thải kèm theo quá trình xáo trộn mạnh tại các vị trí này dẫn đến hiện tượng mùi hôi thường xuyên phát sinh ở các cửa xả.

Đối với khu vực Vịnh Đà Nẵng, vấn đề lớn là hiện tượng nước thải tràn qua cửa xả Lê Độ và tình trạng hư hỏng của tuyến ống tự chảy GIS HDPE D800. Theo Sở TN&MT, cửa xả Lê Độ (lưu vực sông Phú Lộc) là nơi về phía cuối hạ lưu của tuyến thoát nước từ đầu đường Lê Độ ra đường Nguyễn Tất Thành.

Đây là tuyến cống cấp 1 nhằm thoát nước từ hồ Công viên 29-3 ra biển tránh gây ngập úng cho khu vực trong mùa mưa. Để giảm thiểu tình trạng nước thải xả thẳng ra môi trường, thành phố cho cải tạo một đoạn cuối tuyến thành trạm bơm để thu gom nước thải.

Tuy nhiên, trạm bơm Lê Độ đặt trong lòng tuyến cống hộp và quá gần biển nên thường xuyên bị cát biển bồi lấp, không thể vận hành hiệu quả. Còn tuyến ống GIS HDPE D800 có vai trò đặc biệt quan trọng, thu gom nước thải cuối tuyến, đảm nhiệm chuyển tải nước thải về trạm xử lý, nhưng tuyến ống này đang xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng ở nhiều vị trí, khiến nước ngầm xâm nhập, tắc nghẽn dòng chảy, dẫn đến nước thải chảy tràn ra biển tại các cửa xả. Sở TN&MT đã ghi nhận 4 điểm có chiều sâu lún từ 0,4 - 1m.

Ngoài ra, một số khu vực hiện chưa có hệ thống thu gom nước thải, nhất là đoạn từ đường Trần Đình Tri đến Xuân Thiều (Vịnh Đà Nẵng - lưu vực sông Phú Lộc). Tại những khu vực này, nước thải phát sinh theo các hệ thống cống hiện trạng đổ ra biển, gây ảnh hưởng môi trường.

Đối với khu vực ven biển phía đông (khu vực biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nước thải chảy tràn ra biển tại các cửa xả cạnh khu vực bãi tắm du lịch. Theo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, nguyên nhân chính do hệ thống máy bơm của 5 trạm bơm (SPS1, SPS2, SPS3, SPS4, SPS34) đã vận hành được gần 10 năm trong điều kiện bất lợi (nước biển, nước thải) nên bị xuống cấp, hiệu suất bơm giảm, tình trạng hư hỏng thường xuyên xuất hiện làm gián đoạn công tác thu gom nước thải.

Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng nhanh chóng của khu vực ven biển phía đông dẫn đến lượng nước thải phát sinh tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong mùa du lịch, lễ hội. Theo thiết kế tại mỗi trạm bơm, các máy bơm sẽ luân phiên hoạt động và luôn có một máy bơm dự phòng.

Nhưng do lưu lượng nước thải phát sinh quá lớn, toàn bộ các máy bơm hiện phải hoạt động 24/24 giờ vẫn không bảo đảm thu gom hết nước thải. Việc phải vận hành liên tục mà không có thiết bị dự phòng dễ dẫn đến sự cố và gây tràn nước thải ra biển tại các cửa xả...

Thời gian qua, những lúc mưa lớn, nước thải tràn qua cửa xả chảy thẳng ra biển gây ô nhiễm.
Thời gian qua, những lúc mưa lớn, nước thải tràn qua cửa xả chảy thẳng ra biển gây ô nhiễm.

Giải pháp cấp bách và lâu dài

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan tại các cửa xả, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch, lễ hội và Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, công ty đã và đang triển khai một số biện pháp kỹ thuật như:

lắp đặt đập tạm bằng cát phía ngoài các cửa xả thường xuyên bị tràn nước thải để phân lưu lượng vượt quá công suất thu gom của trạm bơm được chứa tạm trong cống chảy tràn ra biển. Tăng cường nạo vét mương thu, cửa thu và các tuyến cống thuộc lưu vực thu gom đổ về các cửa xả chính, gần khu vực du lịch để bảo đảm các tuyến cống này tương đối sạch sẽ, giảm thiểu việc nước mưa cuốn trôi bùn rác chảy ra biển gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng khả năng chứa nước thải trong cống để hạn chế nước thải chảy tràn ra biển.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý mùi hôi phát sinh tại các cửa xả bằng vôi, xút hoặc các phế phẩm sinh học để hạn chế ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Tăng cường giám sát và sẵn sàng các biện pháp để ứng phó với sự cố tràn nước thải tại các cửa xả. Bố trí thiết bị đào, san gạt tại các cửa xả để cải tạo cảnh quan sau các trận mưa lớn, không để xuất hiện các rãnh, hố sâu gây mất mỹ quan bãi biển.

Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp quản lý nêu trên, Sở TN&MT cũng đề xuất thành phố xem xét cho phép, bố trí kinh phí để Công ty Thoát nước và xử lý nước thải mua sắm một số máy bơm mới để thay thế, dự phòng cho các máy bơm cũ đã xuống cấp.

Sau khi được thay thế các máy bơm, hiệu suất thu gom nước thải của các trạm sẽ được tăng lên, qua đó hạn chế nước thải tràn ra biển tại các cửa xả. Đối với các khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống mới để thu gom nước thải không để chảy trực tiếp ra môi trường…

Về giải pháp lâu dài, theo Sở TN&MT, hiện nay dự án cải thiện môi trường nước đã đưa ra giải pháp xây dựng các tuyến ống thu gom nước thải kích thước lớn đối với cả tuyến thu gom đường Nguyễn Tất Thành và các tuyến thu gom ven biển phía đông (khu vực biển Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn).

Vì vậy, theo Sở TN&MT, thành phố cần xem xét và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án và thi công xây dựng các tuyến ống thu gom mới nhằm tăng cường thu gom nước thải không để chảy tràn ra môi trường.

Ngoài ra, thành phố cũng cần xem xét giao Sở Xây dựng hoặc Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương nghiên cứu đề xuất các thiết kế mới hoặc nghiên cứu nhập nhiều cửa xả về một cửa xả tại khu vực không ảnh hưởng du lịch để cải thiện cảnh quan và giảm thiểu ảnh hưởng của mùi hôi tại các cửa xả ven biển.

“Với các giải pháp kỹ thuật thu gom nêu trên, trong tương lai, nước thải có thể được thu gom gần như triệt để vào mùa khô hoặc khi có các cơn mưa mùa hè. Từ đó, môi trường ven biển có thể không bị ô nhiễm và mất mỹ quan do tác động của nước thải”, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.