Là địa phương được chọn thí điểm triển khai công tác chống thất thu thuế, Đà Nẵng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế một số giải pháp mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác chống thất thu như: lắp đặt máy tính tiền có kết nối giữa các cơ sở kinh doanh lớn, nhà hàng, khách sạn với các cơ quan thuế; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng lắp đặt các máy thanh toán bằng thẻ nhằm hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công tiếp nhận phản ánh về bán hàng không xuất hóa đơn… Tuy nhiên, đến nay, các giải pháp trên đều gặp vướng mắc, chưa thể triển khai hoặc dừng thực hiện.
Giải pháp phối hợp giữa cơ quan thuế với Tổng đài 1022 thuộc Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng trong tiếp nhận phản ánh về việc bán hàng không xuất hóa đơn đã phát huy hiệu quả, nhưng sau một năm triển khai thì dừng lại. |
Vướng cơ chế
Từ cuối năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng chủ trương triển khai giải pháp lắp máy tính tiền có kết nối giữa các cơ sở kinh doanh lớn với cơ quan thuế (chủ yếu trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn), dự kiến cuối tháng 2-2017 sẽ triển khai. Còn nhớ, đề xuất này trở thành luồng gió mới, nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng của nhiều ban, ngành, cũng như cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, giải pháp này hiện vẫn giẫm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, đây là giải pháp được nhiều nước tiên tiến trên thế giới thực hiện, nếu chúng ta làm được sẽ hạn chế người kinh doanh trốn thuế qua việc bán hàng không xuất hóa đơn, kê khai doanh thu giảm so với thực tế. Tuy nhiên, do vướng cơ chế nên dù lãnh đạo thành phố tích cực ủng hộ nhưng vẫn chưa triển khai được.
Bên cạnh giải pháp lắp máy tính tiền có kết nối giữa đơn vị kinh doanh với cơ quan thuế, từ năm 2014, Sở Tài chính Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cùng nghiên cứu, triển khai đề án “Phát triển hệ thống thanh toán qua POS tại các trung tâm mua sắm, du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” nhằm tạo thói quen cho người tiêu dùng trong việc thanh toán bằng thẻ thay vì tiền mặt, nhất là với một thành phố có hoạt động thương mại và du lịch phát triển mạnh như Đà Nẵng. Nhưng đề án này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Một trong những giải pháp chống thất thu nữa được Cục Thuế Đà Nẵng triển khai mạnh trong năm 2016, đó là phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (tổng đài 1022) tiếp nhận phản ánh của người dân về việc bán hàng không xuất hóa đơn qua đường dây nóng của Tổng đài 1022.
Giải pháp này thực sự mang lại hiệu quả với việc tổng đài tiếp nhận hơn 100 trường hợp người dân, du khách phản ánh các vấn đề liên quan đến mua bán hàng không xuất hóa đơn. Đơn cử, đầu tháng 4 vừa qua, một khách du lịch phản ánh qua đường dây nóng Tổng đài 1022 về nhà hàng H.B (quận Sơn Trà) thoái thác việc xuất hóa đơn 3 triệu đồng với lý do chủ nhà hàng vắng mặt và hẹn vài ngày sau đến lấy. Sau khi nhận phản ánh từ du khách, đơn vị chuyển cho cơ quan thuế giải quyết và ngay trong tối hôm đó, du khách đã được chủ nhà hàng xuất hóa đơn theo yêu cầu.
Bà Hoàng Ngọc Lan, Trưởng phòng Tiếp nhận và giải đáp thông tin - Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng cho biết: “Qua một năm triển khai, công tác phối hợp này đã phát huy tác dụng trong việc bảo đảm quyền lợi cho người mua hàng.
Ngay sau khi nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân và du khách, chúng tôi chuyển ngay nội dung cho Cục Thuế thành phố để chỉ đạo các Chi cục Thuế quận, huyện trực tiếp giải quyết, bất kể thời gian nào trong ngày; qua đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của người mua hàng mà còn góp phần tuyên truyền người dân chủ động mua hàng lấy hóa đơn, người bán hàng phải xuất hóa đơn.
Từ đường dây nóng, cơ quan thuế cũng nắm bắt các vụ việc vi phạm cụ thể để xử lý kịp thời. Sự vào cuộc tích cực của người dân cũng như cơ quan thuế đã góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của thành phố Đà Nẵng. Nhiều du khách sau khi được cơ quan thuế giải quyết phản ánh đã gửi thư điện tử cảm ơn và ủng hộ cách làm của ngành thuế Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Trường Quốc Vương, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, qua một năm triển khai mạnh, đến năm 2017, hợp đồng giữa Cục Thuế với Trung tâm Thông tin dịch vụ công trong tiếp nhận các phản ánh về việc bán hàng không xuất hóa đơn đã tạm dừng. Hiện nay, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng vẫn tiếp tục tiếp nhận các phản ánh của người dân, du khách liên quan đến hóa đơn nhưng số lượng ít hơn so với năm 2016.
Hỗ trợ người nộp thuế
Trong khi các giải pháp mới đang gặp khó khăn khi triển khai thực hiện, theo các cơ quan thuế, vẫn phải triển khai mạnh các giải pháp truyền thống như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quan sát, ấn định thuế bằng biện pháp thủ công.
Đặc biệt, để công tác chống thất thu đạt hiệu quả, các ngành, nhất là ngành thuế, hải quan không chỉ triển khai hiệu quả khai thác nguồn thu, chống thất thu mà song hành với đó phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc giải quyết nhanh gọn hồ sơ thủ tục, tránh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ thuế.
Đồng thời, đẩy mạnh việc hoàn thuế, giúp các đơn vị kinh doanh có số vốn xoay vòng nhằm tái tạo hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định và mở rộng sản xuất, tạo doanh thu và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Năm 2016, toàn ngành thuế đã giải quyết 3.557 hồ sơ hoàn thuế với số tiền 1.165,9 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thuế giá trị gia tăng 413 hồ sơ với số tiền 1.098 tỷ đồng, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp 2.712 hồ sơ với số tiền 37,38 tỷ đồng, hoàn thuế phí khác 432 hồ sơ với 29,5 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó cùng cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền Trung cho rằng, những quy định về thuế của nước ta còn nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho người kinh doanh lách thuế, trốn thuế cũng như sinh ra tình trạng nhũng nhiễu trong một bộ phận nhỏ cán bộ thuế.
Phân tích kỹ hơn, ông Ngọc cho rằng, chính sách hoàn thuế mặc dù góp phần đem lại cho doanh nghiệp nguồn tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, kinh doanh nhưng cũng có không ít bất cập như dễ gây ra tình trạng “đi đêm” giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp.
Mỗi năm có hàng ngàn hồ sơ xin hoàn thuế của doanh nghiệp, trong khi ngành thuế không đủ lực lượng để giải quyết tất cả hồ sơ. Với hoạt động kinh doanh buôn bán lẻ, việc trốn thuế, lách thuế càng nhiều, vì thói quen người dân mua hàng không lấy hóa đơn, người kinh doanh cố tình không xuất hóa đơn.
Để công tác chống thất thu hiệu quả, theo ông Ngọc, chính quyền các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc, áp dụng các giải pháp sử dụng máy móc tân tiến nhằm công khai, minh bạch doanh thu và số thuế phải nộp. Đồng thời, đẩy mạnh việc miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp nhằm giúp họ có nguồn vốn để xoay vòng, tạo doanh thu và đóng góp lại cho ngân sách Nhà nước.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA