Buông lỏng quản lý vận chuyển gia súc

.

UBND thành phố đã ban hành quyết định về vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng tình trạng chở “heo trần” trên phố vẫn diễn ra, trong khi việc xử lý vi phạm bị bỏ ngỏ.

“Heo trần” vẫn vô tư qua mặt cơ quan chức năng về các chợ trên địa bàn thành phố.
“Heo trần” vẫn vô tư qua mặt cơ quan chức năng về các chợ trên địa bàn thành phố.

Chở “heo trần” về phố

Sáng sớm, trên đường phố Đà Nẵng, không khó bắt gặp hình ảnh người vận chuyển gia súc từ lò mổ lớn nhất thành phố - Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn (quận Liên Chiểu) vắt heo ngang xe máy chở về các chợ.

Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng chở “heo trần”, “heo quét đất” vẫn tái diễn, đặc biệt là ở các chợ nhỏ. Chúng tôi có mặt tại chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) lúc 5 giờ sáng, vừa đến cổng chợ thấy một người thồ heo hét ầm ĩ: “Tránh đường, tránh đường!”. Trên xe anh này, ước chừng 6-7 con heo vừa mổ còn bê bết máu nằm vắt vẻo cả yên trước, yên sau. Vì thồ quá nặng nên cổ xe máy hầu như không thể bẻ trái, bẻ phải. Người này cứ thế đi đến đâu thì hét ầm ĩ đến đó. Tới bàn thịt của bạn hàng, anh vứt “oạch, oạch” những con heo nặng gần cả tạ xuống tấm ni-lông được trải sẵn…

Chị Thu Hương (tổ 82, phường An Hải Đông) lắc đầu nói: “Ở chợ An Hải Đông có một vài người thồ “heo trần” như vậy. Xe nào cũng có sọt nhưng sọt đựng không hết, phải để heo tràn cả phía trước, phía sau, thậm chí quét đất. Chưa nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm mà ngay cả an toàn giao thông cũng không thể bảo đảm. Xe chở quá tải trọng, không có chỗ ngồi và chỗ để chân, những người này chỉ rà chân làm phanh nên rất nguy hiểm”.

Tình trạng nói trên cũng diễn ra ở chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Bà Nguyễn Thị Miên (trú đường Phan Tứ) bộc bạch: “Sáng nào tôi cũng đi tập thể dục rồi ghé chợ nên thấy người ta vẫn dùng xe máy chở thịt heo đến chợ mà không che đậy gì cả. Có xe vừa chở 4-5 con heo đã chia mảnh, vừa chở một phụ nữ ngồi sau trên đống thịt heo lót một lớp nilon…”.

Tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) cũng có tình trạng tương tự. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không gói ghém thịt cho bảo đảm vệ sinh, một người đàn ông làm nghề xe thồ tỏ ra khó chịu: “Tôi chở thuê một chuyến được vài chục ngàn đồng thì lấy đâu mà thùng với tủ. Nghe nói trước đây, mấy hộ buôn bán, vận chuyển đăng ký được thành phố hỗ trợ thùng chở heo, nhưng số ni ít lắm. Tự bỏ tiền làm thùng thì mấy ai chịu…”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 9-4-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng ghi rõ: Từ ngày 1-1-2014, tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Trong đó, mọi phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật phải thực hiện bằng xe chuyên dụng, nếu vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ, sản phẩm phải được đựng trong thùng chứa.

Để thực hiện Quyết định số 15, Chi cục Thú y và Thanh tra các sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Chi cục Quản lý thị trường phải vào cuộc nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ giết mổ, chủ phương tiện vận chuyển thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật giết mổ trên địa bàn thành phố. Những ngày đầu triển khai Quyết định số 15, đoàn kiểm tra liên ngành ra quân thường xuyên nên hạn chế được tình trạng “heo trần” diễu phố.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để quản lý tình trạng vận chuyển heo ra khỏi lò mổ theo đúng quy định, Chi cục Thú y phải “đứng mũi chịu sào” bằng cách cắt cử lực lượng chốt tại các lò mổ. Những phương tiện vận chuyển thịt heo phải có thùng chứa. Nếu không có thùng chứa và không được che chắn kỹ thì không cho ra khỏi lò. Mỗi ngày, từ Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn, hàng trăm phương tiện đưa sản phẩm đi khắp các chợ, lực lượng quản lý thị trường không thể đi theo từng xe để xử phạt nên chỉ có thể kiểm tra, xử phạt từ gốc.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố bày tỏ: “Chúng tôi cũng nghe người dân phản ánh về tình trạng chở heo giết mổ mất vệ sinh, Chi cục kiểm tra ban đêm và đã xử lý một số trường hợp. Trong lò mổ, họ thực hiện nghiêm túc, bỏ heo vào thùng nhằm qua mắt bảo vệ, nhưng khi ra đường thì người vận chuyển sang xe khác để quay lại chở chuyến khác. Về trách nhiệm, Chi cục Thú y hướng dẫn điều kiện về thú y, bảo đảm hoạt động giết mổ trong lò mổ tập trung; còn quản lý về mặt Nhà nước theo Quyết định số 15 trong phần tổ chức thực hiện thì Sở Công thương phải chịu trách nhiệm chính về khâu xử lý vận chuyển, kinh doanh sản phẩm”.

Được biết, khi triển khai Quyết định số 15, UBND thành phố đã giao các sở, ngành liên quan thành lập đội liên ngành xử lý vi phạm; đồng thời lập kinh phí hỗ trợ hơn 60 trường hợp vận chuyển gia súc bằng xe máy và 2 hộ bằng ô-tô. Đến nay, xuất hiện thêm số hộ vận chuyển tự phát nhỏ lẻ do không có điều kiện mua sắm thùng chứa như quy định. Sau một thời gian dài ra quân rầm rộ, việc xử lý vi phạm theo Quyết định số 15 bị bỏ ngỏ bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan, trong khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không thể để người dân đứng trước nguy cơ tiêu dùng thực phẩm bẩn.

Bài và ảnh: D.ANH - A.TRANG

;
.
.
.
.
.