Khách sạn "hút" nước sạch?

.

Bất động sản du lịch tăng trưởng nóng và lượng khách du lịch tăng cao ở khu vực ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, kéo theo nhu cầu sử dụng nước tăng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong tuần đầu tháng 6-2017 ở khu vực này gây khó khăn trong sinh hoạt cho hàng ngàn hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu nhận định khách sạn “hút” nguồn nước sạch, làm gia tăng tình trạng thiếu nước ở khu dân cư thì mới đúng một nửa sự thật.

Tình trạng khách sạn hạn chế sử dụng nguồn nước cấp làm thất thu ngân sách về phí bảo vệ môi trường đang diễn ra tràn lan.
Tình trạng khách sạn hạn chế sử dụng nguồn nước cấp làm thất thu ngân sách về phí bảo vệ môi trường đang diễn ra tràn lan.

Khách sạn cao cấp dùng 4m3 nước/tháng

Một gia đình viên chức 4 nhân khẩu ở quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hằng tháng gia đình anh sử dụng trung bình từ 25-30m3 nước sinh hoạt. Tại hóa đơn thanh toán kỳ tháng 5-2017, gia đình anh đã sử dụng 30m3 nước với giá trị thanh toán 156.000 đồng; trong đó, thực hiện nghĩa vụ phí bảo vệ môi trường với giá trị 17.782 đồng về dịch vụ xử lý thoát nước.

Cách gia đình anh 2 tuyến phố ở khu dân cư là khách sạn Blue Ocean (hiện đổi tên mới là khách sạn Hoàng Quân) tại địa chỉ 51 Hoàng Kế Viêm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), có quy mô 32 phòng cùng dịch vụ bar ở khu vực tiền sảnh. Qua quan sát, khách sạn Hoàng Quân luôn nườm nượp khách lưu trú. Tìm hiểu về tình hình sử dụng nước của khách sạn Hoàng Quân bằng cách tiếp cận quan sát mắt thường ở chỉ số sử dụng nước thì hầu như đồng hồ nước không hoạt động. Khi tìm hiểu qua tiếp cận hồ sơ quản lý khách hàng từ Xí nghiệp Cấp nước Ngũ Hành Sơn - Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thì được biết, kỳ sử dụng nước tháng 4 vừa qua, khách sạn Hoàng Quân sử dụng 4m3/nước/tháng; trong tháng 5 cũng sử dụng 4m3 nước.

Ở quận Ngũ Hành Sơn, việc sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh đối với nhiều cơ sở khách sạn ở mức tiêu thụ thấp hơn nhu cầu sử dụng đối với hộ gia đình. Công ty CP Hòn Ngọc Châu Á đăng ký dịch vụ sử dụng nước vào mục đích kinh doanh khách sạn nhưng kỳ sử dụng nước tháng 4-2017 chỉ sử dụng 34m3 nước, tháng 5 sử dụng 36m3 nước.

Tháng 5-2017, Công ty TNHH Kiến trúc và Xây dựng A-Z (số 2 Phan Thúc Quyện, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ sử dụng 2m3 nước; khách sạn Linh Spost (số 12 An Thượng 4, quận Sơn Trà) sử dụng 6-7m3 nước; khách sạn của Công ty TNHH dịch vụ và Du lịch Hoài Nga (lô 13B4.4 Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ sử dụng 32m3 nước.

Hàng loạt khách sạn ven đường Hồ Xuân Hương vốn sầm uất và nhộn nhịp hoạt động du lịch nhưng mức sử dụng nước cho sinh hoạt và kinh doanh trong tháng 5-2017 chỉ tương đương… hộ gia đình. Chẳng hạn, khách sạn Sun (lô số 1) sử dụng 8m3 nước; khách sạn Hương Thủy (lô 44) 8m3 nước; khách sạn Mai Bảo (kiệt 14 Hồ Xuân Hương) 10m3 nước. Tình hình sử dụng nước cũng rất lạ lùng khi khách sạn Gold Coast (số 25 Hồ Xuân Hương) sử dụng 61m3 nước ở tháng 4 nhưng qua tháng 5-2017 không sử dụng m3 nước nào (!?).

Khách sạn Blue Ocean (Hoàng Quân) tại số 51 Hoàng Kế Viêm (quận Ngũ Hành Sơn) có quy mô 32 buồng phòng nhưng chỉ sử dụng 4m3 nước/tháng từ nguồn nước cấp thành phố.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khách sạn Blue Ocean (Hoàng Quân) tại số 51 Hoàng Kế Viêm (quận Ngũ Hành Sơn) có quy mô 32 buồng phòng nhưng chỉ sử dụng 4m3 nước/tháng từ nguồn nước cấp thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nhiều khách sạn nhỏ không sử dụng nước sạch

Trong khi đó, tiếp cận hoạt động ghi thu dịch vụ sử dụng nước đối với nhóm khách sạn tại địa bàn quận Sơn Trà khiến tôi ngỡ ngàng. Khách sạn Mường Thanh Grand ở đường Ngô Quyền vào thời điểm tháng 6-2016 sử dụng 6.153m3 nước thì cùng thời điểm năm 2017 chỉ sử dụng 4.081m3 nước, giảm 2.072m3.

Hàng loạt khách sạn quy mô 3 sao như khách sạn Ocean Haven giảm sử dụng nước với 865m3; khách sạn Hadana Boutique giảm 662m3 nước; khách sạn Dana Sea giảm 354m3 nước; khách sạn Trường Sơn Tùng (Beautiful Beach)  giảm 206m3 nước; khách sạn White House giảm 177m3 nước.

Xí nghiệp Cấp nước Sơn Trà (Dawaco) cho biết, địa bàn quận Sơn Trà hiện có 181 khách sạn đăng ký hợp đồng cấp nước nhưng có thực trạng sử dụng nước năm sau ít hơn năm trước liên tục diễn ra. Cụ thể, tại kỳ ghi thu nước tháng 6-2017, có 90/181 khách hàng giảm nhu cầu sử dụng nước với số lượng tiêu thụ nước giảm 4.186m3 so với cùng kỳ sử dụng nước thời điểm tháng 6-2016.

Ở địa bàn quận Sơn Trà, việc khách sạn ít sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và kinh doanh cũng diễn ra nhưng phổ biến ở phân khúc khách sạn quy mô cấp cơ sở lưu trú hạng 1 sao. Theo đó, việc sử dụng nước từ hệ thống cấp nước của thành phố ở nhiều khách sạn có mức tiêu thụ bằng 0 và thấp hơn một đơn vị định mức cấp nước sạch/nhân khẩu. Trong tháng 6-2017, khách sạn Cầu Rồng sử dụng 1m3 nước, khách sạn Thu Hương 2m3, khách sạn Hoàng Lan 5m3, khách sạn Thành Long 6m3, khách sạn Trường Hà 2m3, khách sạn Hải Anh 15m3, khách sạn Newsky 30m3

Ngược với việc các khách sạn ở quận Sơn Trà giảm sử dụng nước trong sinh hoạt và kinh doanh, nhu cầu sử dụng nước ở nhóm khách hàng hộ gia đình tăng mạnh. Trong tháng 5-2017, nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt tại quận Sơn Trà tăng 50.000m3 so với cùng kỳ năm 2016.

Ghi nhận tại hoạt động điều độ cấp nước tại Dawaco, mỗi ngày trong tháng 6-2017, lượng nước cấp về quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn qua tuyến ống qua cầu Trần Thị Lý và cầu Tiên Sơn đạt trên 50.000m3/ngày. Đây là nhu cầu thực và tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt của người dân đã và đang diễn ra. Ngoài nhu cầu sử dụng nước tăng cao và các giải pháp kỹ thuật (mạng truyền dẫn, điều độ…), việc các hộ dân đặt máy bơm cưỡng bức trực tiếp từ mạng lưới cấp nước làm mạng cấp nước áp lực cấp nước đã yếu lại càng yếu thêm.

Một nguồn tin đã kiểm chứng cho biết, suốt nhiều năm qua trên địa bàn thành phố, hàng loạt khách sạn quy mô lớn đã không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng nguồn nước cấp của thành phố vào mục đích sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Một số ít khách sạn 5 sao sử dụng trung bình từ 15.000 - 17.000m3 nhưng hàng loạt khách sạn 5 sao khác chỉ ở mức 2.000m3 mỗi tháng (!?).

Vậy các khách sạn sử dụng nước từ đâu? Trước đây, Báo Đà Nẵng từng có loạt bài phanh phui tình trạng sử dụng nước ngầm tại các khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Điều này dẫn đến thất thu ngân sách thành phố qua phí bảo vệ môi trường; đồng thời mất kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nước uống. Vì vậy, việc dư luận cho rằng các cơ sở dịch vụ lưu trú thời gian qua trữ nước, gây thiếu nước sinh hoạt là thiếu cơ sở.  

Điều tra của TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.