ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế

.

Việc phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) lành mạnh theo cơ chế thị trường là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Đây là quan điểm mới nhằm tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa rõ hơn nhận thức, tư duy nhất quán và liên tục phát triển của Đảng đối với phát triển KTTN.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết đề cập những điểm mới như: quan điểm về vị trí, vai trò của KTTN; quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển KTTN; mục tiêu tổng quát; mục tiêu cụ thể; những nhiệm vụ và giải pháp lớn...

Nghị quyết xác định: Phát triển KTTN là một phương sách quan trọng để huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực phát triển và giải phóng sức sản xuất; đồng thời cũng xác định “Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Theo đó, định hướng phát triển KTTN cụ thể, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới. Đó là, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững; xóa bỏ rào cản, định kiến, phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, chống mọi biểu hiện “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”; KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm; khuyến khích tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn…

Trong định hướng phát triển, nghị quyết nêu rõ: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH của các chủ DN. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân”. Ngoài ra, nghị quyết cũng xác định rõ vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Trong mục tiêu tổng quát của nghị quyết, có nội dung: “Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Trên cơ sở các kết quả đã tổng kết, nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp lớn, gồm 30 giải pháp cụ thể để xử lý đồng bộ các điểm nghẽn trong phát triển KTTN. Trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn, nổi bật nhất là 2 nhóm giải pháp mang tính đột phá. Nhóm giải pháp thứ nhất: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN gồm: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt theo cơ chế thị trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Phát triển kết cấu hạ tầng đầy đủ; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực. Nhóm giải pháp thứ hai: Hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ KTTN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khuyến khích, động viên, lan tỏa tinh thần, ý chí khởi nghiệp, kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề ra các giải pháp quan trọng khác như: Khuyến khích các DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường kết nối, liên kết giữa các DN tư nhân với nhau, DN tư nhân với DN Nhà nước, DN FDI. Nâng cao tính hiệu quả trong hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTN; giảm chi phí cho DN để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả, tính độc lập của hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, nhất là xét xử và thi hành án dân sự, kinh tế. Có chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng thực thi chưa nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTN. Xóa bỏ mọi biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách đối với KTTN. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KTTN; hướng dẫn đảng viên làm KTTN; có quy định cụ thể về mô hình, vai trò, phương thức lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp cho phù hợp với hoạt động của KTTN; đẩy mạnh phát triển Đảng, các đoàn thể trong DN tư nhân; có giải pháp cụ thể hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hiệp hội ngành nghề.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.