Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô

.

Sau bao thăng trầm, nhiều hộ sản xuất ở Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Song, để duy trì và phát triển làng nghề theo định hướng, người dân mong muốn các ngành và chính quyền các cấp sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc…

Người làm mắm truyền thống phải sản xuất trên nhà cao tầng nên rất bất tiện.
Người làm mắm truyền thống phải sản xuất trên nhà cao tầng nên rất bất tiện.

Kể từ khi dự án Khu sinh thái hình thành tại Nam Ô, không ít hộ dân sống ven biển làng nghề đã giải tỏa để đi nơi khác ổn định việc làm ăn; số hộ còn chưa di dời, người bỏ nghề, người tiếp tục theo nghề mắm cha ông để lại hoặc chỉ làm ít chum phục vụ gia đình… Theo Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, trước đây, hội viên có trên 100 hộ, nay chỉ còn 50 hộ rải rác trên địa bàn 2 phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Riêng khoảng 70 hộ làm mắm không tham gia hội làng nghề nằm xen lẫn giữa những khu dân cư. Như vậy, theo thống kê sơ bộ, người làm mắm ở Nam Ô hiện dao động chừng 120 hộ với sản lượng mỗi năm hàng chục ngàn lít, tiêu thụ khắp cả nước.

Ông Dương Đức, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho hay, năm 2017, thời tiết khá thuận lợi, nguyên liệu cá cơm dù đắt hơn những năm trước nhưng chất lượng luôn bảo đảm. Trong làng nghề, người muối số lượng lớn nhất khoảng 30 tấn cá/năm, còn trung bình các hộ khác trên dưới 2-3 tấn cá (tương đương 1.000 - 1.500 lít mắm nước). Nguồn hàng phục vụ thị trường tại Đà Nẵng và cả nước khá dồi dào quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết. “Thời gian qua, Sở Công thương và Trung tâm Khuyến công có nhiều chương trình hỗ trợ về nhãn hiệu, máy chiết rót, máy đóng, thổi chai, chum, vại; cùng với đó là công tác hỗ trợ thu mua nguyên liệu từ các địa phương khác trong cả nước, xúc tiến tham gia các hội chợ, triển lãm… Do đó, các hộ làm nghề thấy có động lực để sản xuất. Tuy nhiên, cái khó của sản phẩm làng nghề là tên tuổi, thương hiệu chưa được quảng bá mạnh, các siêu thị tại Đà Nẵng vẫn chưa mặn mà với hàng địa phương vì họ yêu cầu cao về các giấy tờ liên quan”, ông Đức nói.

Hiện tại, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã nước mắm vẫn tự loay hoay tìm kiếm bạn hàng thông qua các mối quan hệ cá nhân. Chính vì thế, sản lượng nước mắm dù đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng sức tiêu thụ khá bấp bênh, thiếu ổn định. Ông Phan Công Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long chia sẻ: “Với năng lực của chúng tôi, thị trường cần bao nhiêu cũng có. Thế nhưng, chúng tôi vừa lo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa phải lo tìm đầu ra mà nhiều khi thấy nản. Đa phần hộ làng nghề thuộc diện sản xuất nhỏ, lại ở trong kiệt, hẻm ngoằn ngoèo nên rất khó quảng bá thương hiệu một cách bài bản. Tôi thấy Làng nghề mắm Cà Ná trong Ninh Thuận được nhiều người biết đến vì được cho trưng dụng mặt tiền trên tuyến quốc lộ 1A để dựng ki-ốt giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi cũng muốn được tạo điều kiện như vậy, nhưng trên tuyến đường đi qua làng nghề ở Nam Ô không có diện tích làm nơi trưng bày đặc sản nước mắm của nhà sản xuất. Do đó, nhiều người rất muốn tìm tới tận cơ sở mua bán nhưng không biết chỗ nào mà vào…”.

Theo ý kiến của đông đảo hộ làng nghề, chính quyền địa phương cần bố trí một mặt bằng hợp lý để bà con có thể trưng bày các sản phẩm nước mắm Nam Ô ra mặt tiền quốc lộ 1A. Hiện tại, ngoài tấm bảng xây bằng xi-măng nêu tên làng nghề được dựng tại ngã tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài, chỉ có số điện thoại của cá nhân chủ tịch, phó chủ tịch hội làng nghề, khách thập phương lẫn người tiêu dùng Đà Nẵng muốn liên hệ tìm mua trực tiếp tại các cơ sở cũng khó.

Không chỉ lo tiêu thụ, hầu hết người làm mắm truyền thống thủ công bám nghề hàng chục năm nay đang đứng trước nguy cơ thiếu đất sản xuất. Đây cũng là vấn đề chính quyền địa phương trăn trở. Ông Đặng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Về thực trạng này, nhiều năm qua, phường đã thấu hiểu nguyện vọng của bà con làng nghề muốn có một địa điểm ổn định để duy trì nghề truyền thống. Thế nhưng, qua quá trình rà soát, quỹ đất còn không nhiều và không phù hợp vì phải tính đến các phương án bảo đảm môi trường. UBND quận Liên Chiểu, các sở, ngành của thành phố đã làm việc và tìm giải pháp bố trí khu vực có thể làm nơi sản xuất cho hộ làng nghề về lâu dài. Tháng 6 vừa qua, các đơn vị được giao tìm kiếm mặt bằng để trình thành phố phê duyệt theo đề án khôi phục, bảo tồn làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã tiến hành các bước, địa phương cũng tham gia đề xuất, nhưng quyết định cuối cùng thì vẫn còn chờ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyện vọng được sản xuất mắm thủ công để gìn giữ nét văn hóa vùng đất Nam Ô là điều hết sức chính đáng của bà con. Trong khi đó, cũng vì muốn lưu giữ nghề cha ông truyền lại, không ít các hộ bất đắc dĩ sản xuất mắm trên các nhà cao tầng hay trong khu dân cư đông đúc, ảnh hưởng môi trường. “Đã làm mắm thì phải gần cửa biển để có nguồn nước mặn bơm rửa cá. Nước mắm phải có mùi mặn nồng từ biển cả mới cho ra sản phẩm đặc trưng miền biển. Bây giờ đi xa biển, mọi thứ ít nhiều đều trở ngại, rất khó giữ hương vị truyền thống. Muốn làm mắm bài bản, rất cần đất cho sản xuất nhưng giờ lối đi của các hộ hẹp quá, vận chuyển ra vào khó…”, dì Sáu - một hộ làm nghề hàng chục năm buồn rầu nói.

"Thời gian qua, về phía địa phương, chúng tôi luôn vận động, khuyến khích các hộ làm mắm truyền thống vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, bảo tồn làng nghề có giá trị. Cụ thể là tích cực phối hợp tham mưu cho chính quyền, các ngành của thành phố tìm kiếm mặt bằng, xúc tiến các thủ tục pháp lý, giấy tờ cần thiết, hỗ trợ điều kiện về vật chất và tinh thần... Quan điểm của quận là hỗ trợ tối đa những gì có thể để cùng chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc cho bà con an tâm sản xuất sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.