Kinh tế
Liên kết phát triển kinh tế miền Trung: Gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế
Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố miền Trung chú trọng liên kết du lịch, kết nối đầu tư... nhưng thực tế vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả; cần tìm giải pháp tạo đột phá, tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung bền vững…
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, cùng hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong cả nước. Ảnh: TTXVN |
Đó là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 (lần 2) do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 25-9 tại Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn. Về phía thành phố có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.
Với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.
Liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả
Câu chuyện liên kết phát triển kinh tế khu vực duyên hải miền Trung đã được bàn đi bàn lại nhiều năm qua. Các tỉnh, thành phố miền Trung đã xây dựng mô hình và lãnh đạo các địa phương trong khu vực cũng bàn thảo về các lĩnh vực cần liên kết để phát triển. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện liên kết vùng của miền Trung vẫn chỉ nằm trên bàn làm việc và gói gọn trong những cuộc họp của lãnh đạo địa phương. GS Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung. Nhiều hội thảo, diễn đàn đã bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững nhưng vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và nỗi đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung. Tôi tin tưởng rằng, diễn đàn lần này với sự chủ trì của Chính phủ, sự tham dự của hơn 10 bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế sẽ đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp, hiệu quả và thiết thực với các tỉnh miền Trung”.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Mở cửa hội nhập được coi là năng lực phát triển tự thân và phát triển nhu cầu tự nhiên của vùng, nhưng để duyên hải miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển”.
Trước đó, tại cuộc họp Ban điều phối, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, khu vực này cần một thể chế thực sự vượt trội, cần xây dựng trục kinh tế biển thống nhất, ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng... Thực tế cho thấy, tính liên kết của các tỉnh, thành phố trong khu vực còn lỏng lẻo, tính cát cứ địa phương còn rất lớn. Trong khi đó, từ đặc điểm tự nhiên đến ưu thế thu hút đầu tư, những sản phẩm của khu vực đều có sự giống nhau, tạo nên kiểu hình thái nhiều cực đồng tiến. Do đó, các địa phương miền Trung cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ trong việc thu hút đầu tư mà còn phải hợp tác cả trong đào tạo nhân lực, phân bổ lực lượng, xem tỉnh nào làm gì, hạ tầng giao thông, môi trường chung như thế nào…
Liên kết vùng sẽ phát huy hiệu quả của các cảng biển miền Trung. TRONG ẢNH: Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay, khu kinh tế
Nhấn mạnh cái khó của liên kết nằm ở thể chế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nói rằng, thể chế hiện nay không cho các tỉnh vượt qua không gian hành chính nên không giải quyết được vấn đề thể chế thì các tỉnh cũng “chịu chết”. Điều đó cũng cho thấy tính thiết thực chủ đề của Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần này, đó là giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách, tạo đột phá phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung, giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết vùng duyên hải miền Trung bền vững, phát triển kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh nêu quan điểm: “Phát triển kinh tế mà không có tiếng nói của doanh nghiệp là không được. Doanh nghiệp phải là trung tâm của sự phát triển kinh tế miền Trung. Câu chuyện liên kết phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Lâu nay, lãnh đạo các địa phương ngồi với nhau chỉ ở góc độ quản lý Nhà nước, còn việc có liên kết được hay không thì nằm ở các doanh nghiệp”.
Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn bày tỏ: “Một trong những nguyên nhân của hạn chế liên kết vùng là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng có nét tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp... Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ”.
Diễn đàn còn nhận được các ý kiến về liên kết, về cạnh tranh thu hút đầu tư, thu hút du lịch. Cụ thể như khu kinh tế Chu Lai của tỉnh Quảng Nam và khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi rất gần nhau nên xung đột trong thu hút đầu tư; rồi cảng Tiên Sa, sắp tới đây là cảng Liên Chiểu của Đà Nẵng cũng rất gần cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế… Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Thực tế Đà Nẵng và Quảng Nam đang cạnh tranh khách du lịch. Đã cạnh tranh thì không thể liên kết. Chỉ một vài doanh nghiệp tự liên kết với nhau, thực chất là hợp tác theo hình thức đối tác đôi bên cùng có lợi”.
Hoàn thiện cơ chế liên kết và thể chế điều phối
"Nhiều hội thảo, diễn đàn đã bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững nhưng vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và nỗi đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung” GS Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Liên kết phát triển kinh tế vùng là vấn đề tất yếu. Chúng ta không thể phát triển nền kinh tế theo cách cơ cấu kinh tế của 63 tỉnh, thành phố cơ bản giống nhau; không thể phát triển nền kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, miền Trung là khu vực là “mặt tiền của đất nước”, có “vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế biển”, rất giàu tiềm năng phát triển nhưng lại đang nghèo. Phó Thủ tướng đề nghị diễn đàn cần tập trung thảo luận 4 vấn đề để miền Trung không còn nghèo.
Thứ nhất, cần làm rõ “Động lực của liên kết các tỉnh miền Trung là gì?” và các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương được tôn trọng, phát huy, vì lợi ích chung của vùng cũng như cả nước, đồng thời tìm ra phương thức phân bổ lợi ích cho từng địa phương trong vùng. Phó Thủ tướng chỉ ra cơ chế lập và quyết toán ngân sách nếu không được chỉnh sửa thì khó bảo đả m việc các địa phương đua nhau thu hút đầu tư, làm triệt tiêu các lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Hiện nay, Bộ Chính trị đã yêu cầu phải điều chỉnh dần cơ cấu thu chi ngân sách theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội của từng địa phương. “Có địa phương tăng trưởng nhanh nhưng có địa phương mức tăng trưởng thấp hơn. Do đó, khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng sau đó mới đến địa phương”, Phó Thủ tướng cho biết, đồng thời coi đây là “điểm then chốt” về mặt tư duy và nhận thức trong phát triển kinh tế vùng.
Thứ hai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương đánh giá rõ thuận lợi và khó khăn để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện cơ chế liên kết vùng và thể chế điều phối kinh tế cho các vùng kinh tế.
Thứ ba, về thể chế điều phối vùng kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam không có chính quyền cấp vùng nhưng liên kết các địa phương của vùng, liên kết các vùng là quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ về thể chế điều phối vùng trong điều kiện không làm tăng thêm bộ máy, biên chế để đề xuất với Trung ương quyết định.
Thứ tư, cần tiếp tục nhận thức đánh giá tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức của miền Trung trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục nhận thức đánh giá tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức của miền Trung trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vùng duyên hải miền Trung nằm ở trục giao thông chính Bắc Nam và quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào, kết nối tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Đây cũng là địa bàn mạnh nhất kinh tế biển, đóng vai trò mặt tiền của kinh tế. “Nếu chúng ta không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì có nhiều bất lợi, đặc biệt miền Trung trải dài rất đẹp. 9 tỉnh duyên hải miền Trung phải nhìn trong kết nối Bắc Nam và Đông Tây, đánh giá tiềm năng và lợi thế của khu vực này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN