Sau một vài tháng “hạ nhiệt”, hiện nay hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử tại thị trường Đà Nẵng lại sôi động, nhất là sau khi Chính phủ chính thức ban hành Quyết định số 1255 ngày 21-8-2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Một số địa chỉ kinh doanh máy tính trên địa bàn thành phố quảng cáo bán máy đào tiền ảo Bitcoin. |
Trước tình hình này, mới đây, chúng tôi liên lạc với H., nhân vật từng xuất hiện trong một số bài viết về tiền ảo Bitcoin đăng trên Báo Đà Nẵng. Với 5 năm dạn dày trong lĩnh vực kinh doanh này, H. cho biết, việc Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo là cần thiết vì ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê đầu tư vào các hình thức tài chính công nghệ số, trong đó có kinh doanh tiền ảo. H. cho biết: “Hiện nay, có hơn 1.000 loại tiền điện tử, trong đó các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất có thể kể đến như đồng Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Ripple, Dash, Momero… Bitcoin (gọi tắt là BTC) được xem là đồng tiền đi tiên phong, có giá cao nhất và đang được giao dịch mua bán nhiều nhất. Cách đây khoảng 1 năm, tổng vốn của tiền ảo trên thị trường thế giới chỉ khoảng 50 tỷ USD nhưng đến nay tăng lên khoảng 150 tỷ USD”.
Theo H, thị trường giao dịch tiền ảo, tiền điện tử tại Đà Nẵng đang khá sôi động. “Cách đây khoảng hơn 2 năm, khi thị trường kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử tại Đà Nẵng còn khá mới mẻ, người chơi thường đầu tư theo hình thức ủy thác, họ bỏ tiền thật ra mua tiền ảo Bitcoin và hưởng lãi suất hằng tháng do một đầu mối trả (gần giống hình thức chơi hụi). Tuy nhiên, vì độ rủi ro quá cao, nhất là sau thời điểm tháng 10-2016 khi một sàn giao dịch tiền ảo với hàng chục người chơi sụp đổ, nhiều người mất trắng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, thì hiện nay, phần lớn các bạn trẻ khi đã có nhiều kinh nghiệm về tiền ảo sẽ chuyển sang hình thức tự chọn sàn giao dịch, tự tạo tài khoản và ví tiền trên sàn rồi chủ động tìm kiếm các giao dịch mua bán. Họ có thể “mua đứt bán đoạn” để hưởng chênh lệch khi mua giá thấp nhưng bán ra giá cao. Cũng có thể để dành trong một thời gian lâu hơn, từ vài tháng đến một năm, khi đồng tiền lên giá cao mới bán ra một lần”, H. cho hay.
Ngoài việc trực tiếp bỏ tiền túi để thực hiện các giao dịch nhằm hưởng lợi nhuận, hiện nay không ít bạn trẻ với vốn kiến thức và sự am hiểu về kinh doanh tiền ảo nhận làm người tư vấn hay trung gian, thay chủ đầu tư thực hiện các giao dịch mua bán để nhận tiền hoa hồng, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng. Riêng anh H., sau vụ sập sàn bitcoin ở Đà Nẵng vào cuối tháng 10-2016, anh mất trắng 100 Bitcoin với số tiền đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng tiền thật.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ tháng 4-2017, tại Đà Nẵng nở rộ việc người chơi tiền ảo đặt mua máy đào Bitcoin. Với hình thức này, người chơi tham gia chuỗi khép kín từ khâu sản xuất ra tiền ảo đến thực hiện các giao dịch mua bán. Từ sự giới thiệu của H., chúng tôi làm quen với anh N.H.M (ở quận Thanh Khê) - người đã đầu tư máy đào Bitcoin với giá 40 triệu đồng/máy vào tháng 5-2017.
Sau một lúc tỏ ra khá e ngại, anh M. cho hay: “Máy đào Bitcoin có rất nhiều loại giá khác nhau. Nếu mua ở thời điểm này đã tăng lên 60-70 triệu đồng/máy vì số người mua càng nhiều, máy càng khan hiếm thì giá càng đẩy lên cao. Dàn máy đào Bitcoin của tôi là loại 6 VGA 470 (6 card đồ họa) chạy khoảng 170Mhs và cho lợi nhuận 2,2 ETC/ngày (đồng tiền Ethereum, giá 1 ETC = 15 USD), tương đương khoảng 30 USD/ngày. Máy hoạt động 24/24 giờ. Hằng tháng, từ việc đào tiền ảo này, tôi bán 1 ít ETC để lấy tiền trả tiền điện phục vụ cho dàn máy đào (trung bình khoảng 8 triệu đồng tiền điện/tháng), số còn lại để dành khi nào giá đồng ETC hay BTC lên cao mới bán ra”.
Anh H., phụ trách tại cửa hàng kinh doanh máy tính P.V (đường Hàm Nghi) cho biết, tại Đà Nẵng, riêng thiết bị như máy đào tiền Bitcoin được nhập từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ năm 2014 đã có một số người chơi đầu tư mua máy đào này nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nó thực sự nở rộ vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Giá một máy đào tiền ảo tùy thuộc thương hiệu, số lượng card đồ họa được sử dụng (6 hoặc 7, thậm chí 13 card…) nhưng quan trọng nhất là tốc độ đào ra đồng tiền.
Từ các thông số trên, mức giá chênh lệch giữa các dàn máy đào khoảng 10 triệu đồng/dàn. Anh H. giới thiệu thêm, máy đào tiền ảo chia 2 loại, gọi theo tiếng lóng của “dân chơi” là “trâu xanh” và “trâu đỏ”. “Trâu đỏ” là dàn máy đào tiền Bitcoin sử dụng card màn hình bằng chip AMD, “trâu xanh” là dàn máy sử dụng card màn hình bằng chip NVIDIA (đây là dòng chip của hai nhà sản xuất trên thế giới).
Mặc dù trực tiếp sử dụng máy đào tiền ảo nhưng anh N.H.M cũng cảnh báo người chơi cần suy nghĩ kỹ khi đầu tư máy đào vì theo thời gian, tốc độ đào tiền ngày càng khó, đơn cử thời gian đầu có thể đào được 10 đồng/ngày (anh M đang đào đồng tiền Ethereum) nhưng có ngày chỉ đào được 1-2 đồng.
Anh H. nói rõ hơn, số lượng mỗi đồng tiền ảo chỉ có giới hạn nhất định, ví dụ như Bitcoin là đồng tiền ảo được giao dịch nhiều nhất trên thị trường thế giới cũng chỉ được phép sản xuất (máy đào được) 21 triệu đồng BTC, hiện nay toàn thế giới đã đào được 16,5 triệu đồng BTC, số còn lại là 4,5 triệu đồng.
Kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử là xu thế chung trên toàn thế giới khi hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh ngày càng trở nên phong phú, dễ dàng dưới thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, nó quá rủi ro và mạo hiểm đối với người chơi vì các địa chỉ giao dịch đều ẩn danh, dao động giá cả các đồng tiền diễn ra quá nhanh và mạnh.
Ngày 8-9 vừa qua, giá đồng tiền Bitcoin trên toàn thế giới là 101 triệu đồng/bit; thời điểm ngày 5-9, đồng tiền này lên đến đỉnh điểm với 110 triệu đồng/bit. Trước đó, vào khoảng cuối năm 2016, giá 1 đồng Bitcoin chỉ ở mức 20 triệu đồng/bit. Tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể để bảo vệ người chơi.
Dù vẫn tiếp tục kinh doanh tiền ảo nhưng anh H. cảnh báo người chơi nên thận trọng khi đầu tư vì việc biến động tăng - giảm giá của các đồng tiền này rất khó lường. Bên cạnh đó, Đà Nẵng luôn đi sau các thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nên người chơi thường dễ rơi vào tình trạng “mua đỉnh, bán đáy”, khó thu được lợi nhuận nếu đầu tư không đúng thời điểm. Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, dù Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhưng người dân cần hết sức thận trọng khi đầu tư vì Việt Nam hiện vẫn chưa có một sàn giao dịch uy tín nào về đồng tiền này, nếu có cũng chỉ lẻ tẻ với độ an toàn chưa cao. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA