Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp

.

Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giúp bảo đảm an toàn sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhóm khởi nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến quyền SHTT bằng việc phát triển, kinh doanh sản phẩm…

Các chuyên gia cho rằng nhóm khởi nghiệp nên đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia cho rằng nhóm khởi nghiệp nên đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình càng sớm càng tốt.

Mơ hồ về quyền sở hữu trí tuệ

Theo kết quả một khảo sát gần đây do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tiến hành, nhận thức về SHTT trong cộng đồng khởi nghiệp tại Đà Nẵng vẫn hạn chế. Việc đăng ký SHTT chưa được chú trọng so với các hoạt động khác như phát triển sản phẩm, gọi vốn, tìm hiểu thị trường, bán hàng… Chị Phạm Thùy Liên, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DNES cho biết: “97 trong số 100 đơn đăng ký tham gia chương trình ươm tạo tại DNES chưa thực hiện đăng ký quyền SHTT. Nguyên nhân chính là do hầu hết các dự án đều mới ở mức ý tưởng, sản phẩm chưa rõ ràng.

Ngoài ra, hơn 70% các nhà sáng lập được hỏi cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là thiếu hiểu biết về luật và quy trình đăng ký SHTT. Những câu trả lời thường gặp là “chưa nắm rõ quy trình”, “chưa hiểu luật liên quan”, “không hiểu về SHTT”, “không biết phải đăng ký như thế nào”. Nhiều nhà sáng lập dù đã nắm được luật nhưng vẫn e ngại những thủ tục “rắc rối” và thời gian kéo dài khi đăng ký SHTT”.

Anh Đặng Gia Huy, người sáng lập dự án khởi nghiệp “Nôi TOB đa năng” cho biết, dự án của nhóm anh được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ toàn bộ chi phí đăng ký SHTT cho các đối tượng nhãn hiệu độc quyền, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế. Dù đã được tư vấn và không phải lo về chi phí, quá trình đăng ký SHTT của dự án vẫn kéo dài hơn dự kiến.

Anh Huy bộc bạch: “Khi làm thủ tục đăng ký SHTT về kiểu dáng công nghiệp, nhóm vẫn chưa có sản phẩm mẫu hoàn chỉnh mà mới có bản vẽ. Yêu cầu đối với bản vẽ rất khắt khe, hình vẽ các mặt phải khớp với nhau tuyệt đối, thậm chí màu sắc và bóng đổ cũng không được lệch. Vì chưa nắm rõ điều này, nên nhóm tốn khá nhiều thời gian để vẽ đi, vẽ lại”.

Một nhà sáng lập khởi nghiệp (giấu tên) chia sẻ, nhóm của anh từng phát triển một thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh. Trong lúc kêu gọi nhà đầu tư, anh luôn giới thiệu sản phẩm của mình một cách chi tiết, những tưởng điều này sẽ thuyết phục các “đại gia” góp vốn. Ai dè vốn góp chưa có, mà vài tháng sau, một trong các công ty anh từng làm việc tung ra thiết bị gần như giống hệt.

Không thể lơ là quyền sở hữu trí tuệ

Rất nhiều nhóm khởi nghiệp hiện nay bắt đầu bằng một tài sản trí tuệ cùng một nguồn vốn tài chính nhỏ. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ đó sẽ không phải là tài sản của doanh nghiệp nếu chưa được đăng ký bảo hộ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) chỉ ra: “Nhiều nghiên cứu cho thấy tài sản hữu hình chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, trong khi giá trị tài sản vô hình (hay giá trị thương hiệu) chiếm đến 3/4, có khi lên đến trên 90%. Vì vậy, việc tạo lập và phát triển các quyền SHTT vô cùng quan trọng, vừa tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp (thông qua chuyển giao quyền sử dụng, thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ), vừa nâng cao giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro do tranh chấp”.

Vấn đề đặt ra cho các nhóm khởi nghiệp là cần bảo hộ quyền SHTT như thế nào. Theo bà Ngô Phương Trà, Phụ trách Văn phòng đại diện (VPĐD) Cục SHTT tại Đà Nẵng, điều đầu tiên là phải xác lập quyền đối với tài sản SHTT tùy theo đặc tính của tài sản và mục đích mà doanh nghiệp hướng đến.

Với nhóm quyền tác giả, doanh nghiệp không cần đăng ký cũng tự động được bảo hộ kể từ thời điểm sáng tạo và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định. Trong khi đó, quyền sở hữu công nghiệp (gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…) thì phải đăng ký mới được bảo hộ. Đặc biệt, một đối tượng có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ví dụ, một logo có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả tại Cục Bản quyền và dạng nhãn hiệu tại Cục SHTT. “Tốt nhất, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ tài sản SHTT trong thời gian sớm nhất dưới tất cả những dạng có thể thực hiện”, bà Trà nói.

Theo ông Lâm, khi quyền SHTT đã được xác lập, các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền của mình. Có thể phản đối người khác sử dụng sản phẩm của mình ngay từ khi họ làm thủ tục bảo hộ hoặc khi họ bắt đầu tung ra thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm bằng biện pháp tài chính, dân sự hoặc hình sự. Đối với việc các nhóm khởi nghiệp chưa thể đăng ký SHTT nhưng vẫn phải giới thiệu sản phẩm để kêu gọi vốn, ông Lâm cho rằng nên có những biện pháp tự bảo vệ mình như lập thỏa thuận giữ bí mật, đảm bảo an ninh dữ liệu, cân nhắc kỹ những gì có thể tiết lộ và đánh giá đạo đức kinh doanh của đối tác.

Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Theo ông Lâm, các hiệp định này hướng tới hệ thống SHTT ở mức độ bảo hộ mạnh hơn, tăng cường thực thi bằng biện pháp dân sự thay cho hành chính. Bên cạnh đó, các sản phẩm “ngoại” cũng sẽ lan vào trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm “nội”. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải nắm rõ và biết cách phát huy lợi thế của việc SHTT mới có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.