Trong chiến lược phát triển đô thị, giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững. Giao thông đô thị Đà Nẵng đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Trong đó, giao thông đường bộ nội thị đang chịu áp lực quá tải và thực trạng giao thông đô thị đang gặp phải là ra ngõ gặp… ngã tư đồng mức.
Hạ tầng giao thông đô thị bố trí quá nhiều nút giao đồng mức, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên cần cải tạo, điều chỉnh để bảo đảm phát triển đô thị bền vững. |
Quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng luôn ưu tiên đầu tư phát triển giao thông, trong đó công tác quy hoạch thực sự đi trước đón đầu và có tầm nhìn. Năm 2010, thành phố quy hoạch chiến lược phát triển liên kết Đà Nẵng với vùng phụ cận (DaCriss).
Sau khi Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vào năm 2013 thì năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 5030/QĐ-UBND ngày 28-7-2014 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với tổng vốn đầu tư lần lượt là 65.677 tỷ đồng và 155.477 tỷ đồng.
Trong nghiên cứu gần đây của PGS.TS Phan Cao Thọ (Đại học Đà Nẵng) đánh giá hệ thống giao thông đô thị ở Đà Nẵng có bước tiến vượt bậc qua những cây cầu, con đường từ nội thành đến các tuyến đường vành đai.
Nhưng giữa quy hoạch với triển khai quy hoạch hạ tầng giao thông chưa tốt, việc bố trí nút giao hiện không đúng nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật, các thành phần giao thông trong hệ thống giao thông chưa có sự kết nối, tương tác, hỗ trợ nhau.
Đây là nguyên nhân xuất hiện ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Theo nhiều nhận xét của các chuyên gia nghiên cứu về mạng lưới giao thông đô thị ở Đà Nẵng là ra ngõ gặp… ngã tư, mạng lưới giao thông đô thị đang gánh 2.700 nút giao đồng mức.
Theo nghiên cứu của kỹ sư Trần Thị Nam Phương, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng thời gian gần đây có sự chững lại và chệch hướng, làm ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững của đô thị. Nhiều dự án phát triển giao thông bị hủy, dừng nghiên cứu khả thi.
Dự án đầu tư mới đã và đang triển khai cũng đặt ra nhiều hệ lụy khi hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương sẽ phá vỡ tuyến Metro trong quy hoạch, hầm chui phía tây cầu Sông Hàn làm phá vỡ và tác động xấu lên không gian cảnh quan đô thị, giao thông trở nên phức tạp...
Qua phân tích quy hoạch và tình hình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kỹ sư Trần Thị Nam Phương cho rằng, hạ tầng giao thông nội thị lẫn ngoại thành của đô thị Đà Nẵng đang thiếu đồng bộ, hoàn chỉnh, liên hoàn cho hệ thống giao thông động và tĩnh.
Điều này gây ra khó khăn ngay trước mắt là sự phát triển của loại hình vận tải hành khách công cộng. Vấn đề hiện nay đối với phát triển giao thông đô thị Đà Nẵng là cần quy hoạch đầu tư phát triển đô thị có bản sắc, đường lối phát triển đúng đắn, sử dụng hiệu quả quỹ đất và đặc biệt chú trọng về năng lực quản lý. Theo bà Phương, hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông còn hạn chế, ngại tiếp xúc với giới chuyên môn, các chuyên gia và ý kiến người dân…
Ở hướng nhận định khác, PGS.TS Phan Cao Thọ đề xuất các giải pháp để thành phố phát triển giao thông đô thị bền vững. Theo đó, thành phố ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, phát triển các bãi đỗ xe hiện đại, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Một số vấn đề chi tiết mà PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ là đặc biệt quan tâm về công tác quy hoạch tổng thể kết nối giao thông theo các hướng kết nối đứng, kết nối ngang, kết nối không gian để mở ra các nút thắt mà giao thông thành phố đang gặp phải.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG