Thành phố thông minh - Hướng đến sự tiện ích của người dân

.

Là địa phương có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh sớm nhất cả nước, đến nay, Đà Nẵng đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển đô thị trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó người dân là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

“Thành phố thông minh” được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, giúp xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, tăng tiện ích cho người dân.
“Thành phố thông minh” được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, giúp xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, tăng tiện ích cho người dân.

Tăng tiện ích đô thị

Dù xuất hiện chưa lâu ở Đà Nẵng nhưng hệ thống xe buýt nội thành dần đông khách, đặc biệt vào thời điểm học sinh, sinh viên đi học và tan trường. Một trong những lý do chính là nhờ sự ra đời của ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus.

Chỉ với một thiết bị di động thông minh như điện thoại hay máy tính bảng, người dân có thể dễ dàng tra cứu lộ trình tuyến, giờ giấc, các tiện ích khi sử dụng xe buýt… Sau hơn 6 tháng xuất hiện và liên tục cập nhật trên nền tảng Android và iOS, ứng dụng này đã góp phần thu hút người dân đến với giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt Đà Nẵng.

Danabus chỉ là một trong những tiện ích đô thị thuộc khung chương trình “Thành phố thông minh” mà Đà Nẵng đang tích cực triển khai. Từ tháng 2-2016, ứng dụng gopy.danang.gov.vn chính thức được đưa vào sử dụng trên nền tảng trang web. Đến đầu năm 2017, ứng dụng này tiếp tục được xây dựng trên nền tảng thiết bị di động. Thông qua đó, người dân có thể gửi ý kiến, phản ánh về nhiều lĩnh vực của thành phố như giao thông, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục…

Tùy vào sự việc thuộc phân cấp quản lý của sở, ban, ngành, địa phương, Trung tâm Thông tin dịch vụ công sẽ chuyển thông tin đến đơn vị đó. Người dân có thể theo dõi và biết kết quả xử lý của các cơ quan chức năng liên quan.

Theo TS-KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, dù thành phố thông minh là một khái niệm mới mẻ nhưng có thể hiểu mục tiêu của chương trình này là mang lại tiện ích cho người dân, hướng đến phát triển bền vững. Trong thành phố thông minh có nhiều lĩnh vực như: giao thông thông minh, kinh tế thông minh, quản lý đô thị thông minh; trong lĩnh vực nào người dân cũng cần là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Từ năm 2012, thành phố phối hợp với Tập đoàn IBM khảo sát, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn” tại Đà Nẵng; từ đó triển khai thành công nhiều ứng dụng thông minh như hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera giám sát giao thông và ô-tô lưu thông qua cầu, trung tâm giám sát tự động chất lượng tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, hệ thống camera giám sát an ninh và trật tự giao thông Đà Nẵng.

Ngoài việc phối hợp với các tập đoàn lớn, thành phố còn tự xây dựng các ứng dụng thông minh như: hệ thống camera giám sát giao thông tại ngã ba Trưng Nữ Vương - Núi Thành, hệ thống giám sát chất lượng nước tại hồ Thạc Gián, cơ sở dữ liệu và ứng dụng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm toàn thành phố, hệ thống giám sát phát hiện cháy rừng ở Hải Vân…

“Thành phố thông minh” được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin. TRONG ẢNH: Camera thông minh tại khu vực ngã ba Núi Thành - Trưng Nữ Vương ghi lại hình ảnh phương tiện giao thông phạm luật. (Ảnh chụp từ màn hình theo dõi camera của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng).             Ảnh: KHANG NINH
“Thành phố thông minh” được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin. TRONG ẢNH: Camera thông minh tại khu vực ngã ba Núi Thành - Trưng Nữ Vương ghi lại hình ảnh phương tiện giao thông phạm luật. (Ảnh chụp từ màn hình theo dõi camera của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng). Ảnh: KHANG NINH

“Thông minh hóa” nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội

Năm 2016, UBND thành phố ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viễn thông Quân đội về xây dựng “Thành phố thông minh”, bước đầu ưu tiên triển khai các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Việc xây dựng các phần mềm quản lý bệnh viện, y tế phường, xã, hồ sơ y tế bệnh nhân sẽ giúp người dân đi khám chữa bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Kết quả khám, chữa bệnh sẽ được truyền tải đến hệ thống hồ sơ y tế người dân để được lưu trữ và theo dõi trong các lần khám tiếp theo”. Trong lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu của ngành, liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu của học sinh và giáo viên trên toàn thành phố.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Đà Nẵng có đủ điều kiện và lợi thế cạnh tranh để phát triển theo định hướng thành phố thông minh, từ vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực xã hội dồi dào cho đến sự mạnh dạn đổi mới của chính quyền thành phố.

Thực tế, với những nỗ lực liên tục và kiên trì qua nhiều năm trong việc triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước đạt thành tích 4 năm đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm liền đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 9 năm liền đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index).

Theo ông Trần Ngọc Thạch, từ những thành công bước đầu, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh dựa trên nền tảng ban đầu là các ứng dụng chính quyền điện tử đã được triển khai thành công trong nhiều năm qua.

“Phương châm xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”. Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng thực hiện xây dựng thành phố thông minh chỉ trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất. Đây là nền tảng xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh phục vụ người dân”, ông Thạch nói.

"Sự khác biệt của một đô thị thông minh và đô thị bình thường là tính hiệu quả của tiện ích đô thị. Đó là một thành phố giàu thông tin, được kết nối mạng lưới, năng động, an toàn và bền vững. Đô thị thông minh mở ra cơ hội phát huy nhiều lợi thế, cho phép chính quyền quản lý đô thị tốt hơn, người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả các tiện ích đô thị. Khi đề án xây dựng “Thành phố thông minh” được triển khai sâu rộng, chắc chắn mức độ hài lòng của người dân đối với khả năng quản lý đô thị sẽ được nâng cao hơn nhiều”

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch phát biểu tại Đối thoại trực tuyến về “Xây dựng thành phố thông minh hơn” (ngày 18-8-2017)

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.