Đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp mong có đất sạch

.

Tại hội thảo thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 15-12, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ mong muốn được tiếp cận đất đai, đặc biệt là được giao đất sạch để triển khai đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh.

Những mô hình đầu tiên trong vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang hiện đã được triển khai.
Những mô hình đầu tiên trong vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang hiện đã được triển khai.

Nhiều vướng mắc về đất đai

“Chúng ta đã có quy hoạch 7 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng rất cần sớm có quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 của các vùng. Không phải là vốn, không phải là suất đầu tư, DN cần nhất là đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, thành phố cần có cơ chế về đất đai để DN dễ tiếp cận.

Bên cạnh 7 vùng quy hoạch sản xuất nói trên, cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận diện tích đất từ 1-5ha, đặc biệt là tiếp cận sử dụng đất rừng ven các tuyến đường để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang bày tỏ sau khi đúc kết những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của DN đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua trên địa bàn huyện.

Đối với dự án Trang trại bò sữa của Vinamilk có diện tích 124ha ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), được Vinamilk quyết định chọn địa điểm đầu tư vào năm 2015, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào quý 2 năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về đất.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sau khi được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê duyệt vào ngày 20-11-2017.

Tuy nhiên, đến nay chưa giải quyết xong thủ tục về đất đai vì không rõ là được giao đất trực tiếp hay đấu giá. “Thành phố Đà Nẵng đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhưng đến nay chưa được giải quyết. Công ty rất muốn triển khai đầu tư sớm dự án nhưng chờ giải quyết thủ tục pháp lý về đất quá lâu gây không ít khó khăn, tốn kém không cần thiết”, ông Khoa bức xúc.

Ông Phan Hiền Lương, Phó Giám đốc Nhà máy Đông dược GMP, Công ty CP Dược Danapha xác nhận khó khăn nhất là vấn đề đất đai.

“Theo quy định của pháp luật, muốn có đất, DN phải trực tiếp liên hệ với người dân. DN trồng dược liệu muốn thuê đất 20 năm và diện tích 5ha trở lên để tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước thì gặp vướng mắc với quy định người dân chỉ cho thuê đất không quá 2 năm và với chính quyền huyện là không quá 5 năm. DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mong muốn thành phố có chính sách về đất đai, nhất là đất sạch để doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả”, ông Lương nói.

Tại hội thảo, đại diện của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng… cũng mong muốn được tiếp cận đất đai, nhất là đất sạch để triển khai đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Mở hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Trước những vướng mắc, rào cản pháp lý về đất đai, ý kiến đề xuất của đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tỉnh đang cung cấp 25% tổng sản lượng rau về chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) đáng lưu ý và gợi mở những nút thắt. “Đà Nẵng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, nên cần đi theo hướng đầu tư sản xuất chế biến thực phẩm như ở TP. Hồ Chí Minh.

Để dành diện tích đất ít ỏi đó cho sản xuất phục vụ cho đô thị, còn các tỉnh như Gia Lai sẽ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm. DN muốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì phải làm theo cách của tỉnh Lâm Đồng, tức là phải hợp tác, liên kết với người nông dân sở hữu đất sản xuất; DN cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Với mong muốn của Nhà máy Đông dược GMP (Danapha) thì thuê đất rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng là phù hợp”, đại diện đến từ Gia Lai cho biết.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng mở hướng tiếp cận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng theo hướng đầu tư ở đô thị, khác hẳn bản chất đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở nông thôn; bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng tập trung vào khoa học nông nghiệp. “Đà Nẵng có tài nguyên du lịch rất lớn, nhưng phải có nhiều món ăn ngon, chất lượng, khác biệt… để thu hút du khách. Vì thế, Đà Nẵng cần phải có chiến lược về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hướng đến du lịch”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt - Úc cũng hưởng ứng, bày tỏ được đưa công nghệ 4.0 trong nuôi tôm và bào ngư về Đà Nẵng để phục vụ du lịch thành phố. “Chúng tôi sẽ phục vụ du khách ăn thủy sản ngon, không phải do sử dụng hóa chất, thuốc tây mà nuôi bằng điều tiết chế độ ăn của thủy sản qua máy cho ăn được điều khiển tự động, giám sát trên màn hình máy vi tính. Chúng tôi muốn được lãnh đạo thành phố giao 5ha đất sạch và sẽ triển khai dự án ngay”, ông Phi đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Đà Nẵng đã và đang có những chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian đến.

1.500 tỷ đồng đầu tư 5 dự án

1.500 tỷ đồng là số vốn kêu gọi đầu tư vào 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Đà Nẵng, gồm: dự án chăn nuôi và chế biến gia súc, gia cầm tập trung (heo và gà); sản xuất rau an toàn; trồng cây dược liệu; sản xuất giống nấm và thương phẩm nấm ăn, nấm dược liệu; cảng cá Thọ Quang. Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 440ha.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.