Kinh tế
Loay hoay làm quà tặng du lịch
Những năm qua, Đà Nẵng tổ chức các cuộc thi thiết kế, tìm kiếm các sản phẩm lưu niệm phục vụ ngành du lịch. Song thực tế, không dễ tìm được một sản phẩm lưu niệm độc đáo, mang đậm dấu ấn địa phương.
Những sản phẩm về đêm như phố đi bộ sẽ tạo không gian cho du khách mua sắm, vui chơi sẽ góp phần giữ chân khách lại lâu hơn. Ảnh: THU HÀ |
Một số cửa hàng lớn như Danang Souvenirs (đường Bạch Đằng) bày bán nhiều món hàng “độc”; đa số được làm thủ công như túi xách, hộp gỗ, hay những sản phẩm được làm bằng tăm tre mang biểu tượng của Đà Nẵng như mô hình các cây cầu, mô hình Trung tâm Hành chính thành phố…
Hay tại khu vực Bến du thuyền (đường Trần Hưng Đạo) có những món quà trang trí hình cá chép, biểu tượng Bà Nà Hills, biểu tượng Sun Wheel thu nhỏ… Chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên bán hàng lưu niệm tại khu vực Bến du thuyền cho biết, nhu cầu của khách rất đa dạng, lựa chọn mua nhiều sản phẩm nhỏ, tiện ích như túi có in chữ “I love Da Nang”, hay móc khóa… Riêng khách nước ngoài thường thích chọn những món hàng có gắn hình ảnh, biểu tượng đặc trưng của địa phương.
Mỗi ngày gian hàng của chị Trần Thị Quỳnh Nga, chủ ki-ốt bán hàng Việt Nam tại chợ Hàn đón rất nhiều lượt khách tham quan và mua sắm. Chị Nga cho biết, chị chỉ bán hàng Việt Nam, đó là các món hàng thủ công mỹ nghệ như: túi, ví, giỏ xách, đồ trang trí… được làm bằng thổ cẩm hoặc mây, tre đan…
Những tháng cao điểm du lịch, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến cửa hàng; khách nước ngoài hào hứng mua mũ, nón, túi xách hay dép cói. Song, các mặt hàng này chủ yếu được nhập từ các địa phương khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình hay Bình Thuận… “Nếu Đà Nẵng có doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng tương tự như thế thì sẽ thuận tiện cho các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm, quà tặng, bởi chúng tôi không phải tốn chi phí nhập hàng từ xa về”, chị Nga cho hay.
Thực tế cho thấy, phần đông khách du lịch thích mua hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương để làm quà tặng. Đại diện một đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố chia sẻ, các sản phẩm được làm từ làng đá Non Nước cũng được coi là sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhưng những sản phẩm lớn như các bức tượng trưng bày, phù điêu khó vận chuyển vì cồng kềnh và nặng nên ít được khách đi bằng máy bay lựa chọn. Những sản phẩm khác còn lại như các loại vòng, dây đeo làm từ các chất liệu đá một mặt đơn điệu, mặt khác dễ dàng tìm được ở những địa phương khác nên không mang tính đặc trưng.
Đà Nẵng vẫn thiếu những sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương. Trong ảnh: Khách quốc tế mua sắm tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Cơ sở sản xuất thạch ảnh Nguyên Vỹ là đơn vị sản xuất quà tặng lưu niệm lâu năm và có nhiều sản phẩm ấn tượng như thạch ảnh, diệp ảnh, mới đây là tranh Voọc chà vá trên gân lá bồ đề. Ông Lê Đức Vỹ, chủ cơ sở này nhận thấy, lâu nay đa số các cơ sở sản xuất đều phải tự thân vận động, tự kết nối với các khách sạn, cửa hàng, điểm du lịch để ký gửi sản phẩm, hoặc tự tìm cách để đưa sản phẩm đến với khách hàng.
“Những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh quà tặng, lưu niệm như chúng tôi rất mong thành phố sớm có một điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm tập trung giống các kiểu phố đêm ở Hà Nội, Sapa, Hội An, TP. Hồ Chí Minh…, vừa có thêm điểm đến mua sắm cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng, vừa quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp”, anh Vỹ nói.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, Đà Nẵng cần có các khu mua sắm tập trung và chính sách ưu đãi dành cho những đơn vị, cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Đà Nẵng như: ưu đãi về thuế, về giá thuê mặt bằng, hoặc hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong thời gian đầu các doanh nghiệp mới đưa sản phẩm ra thị trường. Các khu mua sắm tập trung phải được lựa chọn ở những nơi đông dân cư, du khách, thuận lợi về kinh doanh để doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu những sản phẩm của mình và thu hút du khách đi mua sắm.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, lâu nay sở mong muốn có một khu vực buôn bán tập trung cho các cơ sở sản xuất quà tặng lưu niệm nhưng vẫn chưa có được vị trí phù hợp. Thông qua các cuộc thi thiết kế tìm kiếm các sản phẩm quà tặng, lưu niệm, có những sản phẩm chất lượng tương đối tốt, nhưng chưa có nơi để giới thiệu, bán sản phẩm tập trung nên bản thân doanh nghiệp phải chủ động đưa hàng ra thị trường, tiếp cận với khách hàng.
Thiếu sản phẩm du lịch về đêm Dù Đà Nẵng đã nỗ lực làm đa dạng và phong phú các sản phẩm du lịch nhưng đến nay thành phố vẫn thiếu sản phẩm du lịch về đêm. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, cần sớm có các phố đi bộ, mua sắm về đêm để giữ chân du khách lưu lại Đà Nẵng. Ông Tùng đề xuất thành phố nên có quy hoạch và kêu gọi đầu tư phố đi bộ đủ lớn, để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về đêm, nhất là đối với các khu vực như Helio - Cung thể thao Tiên Sơn - Cung thiếu nhi, kéo dài ra bến sông gần cầu Trần Thị Lý hoặc khu vực chợ Hàn và kéo thẳng lên Nhà hát Trưng Vương… Ở vệt này, có thể kết hợp cho khách xem các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Trưng Vương, phố ẩm thực tại đường Phạm Hồng Thái, thăm Nhà thờ Con gà trên đường Yên Bái rồi đi bộ xuống phía chợ Hàn, tạo thành một vòng tròn khép kín mua sắm, vui chơi và thưởng thức nghệ thuật... Đồng quan điểm, ông Trần Lực, Phó Giám đốc Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, nên phát triển thêm các khu chợ đêm; đa dạng các loại hình khác như du thuyền; tăng thời gian hoạt động của bảo tàng, nhà hát; tổ chức thêm các chương trình nghệ thuật tại các đường phố trung tâm để đáp ứng nhu cầu của khách; hay quy hoạch những khu vui chơi, giải trí về đêm ở khu trung tâm thành phố hoặc xa khu dân cư để hoạt động về đêm kéo dài mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngoài Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chương trình nghệ thuật Charming Đà Nẵng được xây dựng khá bài bản, góp phần làm đa dạng sản phẩm và giải quyết được bài toán sản phẩm du lịch về đêm. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất, khuyến khích mở rộng thời gian tổ chức dịch vụ vui chơi, giải trí tại các khu du lịch, chợ đêm, phố đêm, nhà hàng, bar... sau 24 giờ. |
Bài ảnh: THU HÀ