Cơ hội lớn cho thương mại

.

Những năm gần đây, Đà Nẵng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là môi trường kinh doanh tiềm năng, nhất là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 càng tạo điều kiện để lĩnh vực thương mại, bán lẻ bước vào giai đoạn “bùng nổ”.

Đà Nẵng hứa hẹn “bùng nổ” về thương mại. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại Siêu thị BigC.
Đà Nẵng hứa hẹn “bùng nổ” về thương mại. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại Siêu thị BigC.

Những tác động tích cực

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Đà Nẵng những năm qua có tốc độ tăng trưởng khá cao. Số liệu cho thấy, mức bán lẻ chia bình quân đầu người của Đà Nẵng vượt qua Hà Nội và chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, toàn thành phố có hơn 80 chợ lớn nhỏ, hơn 10 trung tâm thương mại, siêu thị quy mô như Vincom, BigC, Metro, Co.opMart, Intimex, Parkson, Lotte Mart, Indochina Riverside, Thương xá chợ Hàn. Chỉ trong vòng vài năm, hệ thống các nhà bán lẻ được mở rộng bằng cấp số cộng như chuỗi cửa hàng tổng hợp VinMart, VinPro; chuỗi ngành hàng điện máy của Vietronimex; Trần Anh, Đệ nhất Phan Khang, Điện máy Xanh. Sự phát triển của du lịch Đà Nẵng cũng kéo kinh doanh dịch vụ phụ trợ đi lên. Nhờ đó, hoạt động mua bán hàng hóa, ăn uống, vui chơi, giải trí và làm đẹp nở rộ.

Đón đầu cho sự phát triển, thành phố đã quy hoạch trong lĩnh vực thương mại bán lẻ với tầm nhìn tương lai từ hàng chục phố chuyên doanh mua sắm thời trang Phan Châu Trinh, Lê Duẩn; phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Hồng Thái, Lê Thanh Nghị; phố cây cảnh, thủ công mỹ nghệ Nguyễn Đình Tựu; tuyến phố bán hàng lưu niệm Huyền Trân Công Chúa; tuyến phố hải sản Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... Ngoài ra, sự kêu gọi xã hội hóa đầu tư các điểm vui chơi đã góp phần thu hút du khách đến với không gian ẩm thực Ngũ Hành, khu ăn uống giải trí đêm Helio. Khoảng 2-3 năm tiếp theo, đô thị Đà Nẵng sẽ còn “lung linh” hơn nhờ diện mạo của ngành thương mại. Đà Nẵng có tiềm năng lớn như vậy nên các nhà đầu tư không bỏ qua cơ hội kinh doanh.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn bán lẻ trong lĩnh vực bất động sản quy mô toàn cầu) cho rằng, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng đã mang lại nhiều tác động tích cực cho thành phố. Ông Scott Price, Phó Giám đốc Global Leverage Walmart International (tập đoàn bán lẻ Walmart Mỹ) bày tỏ: “Chúng tôi có tới 6.200 điểm bán lẻ tại 27 quốc gia trên thế giới. Nếu khách hàng Việt Nam có nhu cầu, chúng tôi sẽ mở cửa hàng Đà Nẵng. Hiện Walmart bán hàng trực tuyến với khách hàng toàn cầu, trong đó có cả trang tiếng Việt nhưng chúng tôi chưa có cửa hàng nào tại Việt Nam. Việc xây dựng các chương trình bán hàng trên mạng Internet sẽ giúp người dân ở các vùng sâu, vùng xa có được những sản phẩm mà mình mong muốn...”.

Chờ cơ hội “bùng nổ”

Một nhà bán lẻ lớn có mặt tại Đà Nẵng gần 10 năm (xin giấu tên) chia sẻ: “Đúng là nhu cầu của người dân địa phương mỗi ngày một lớn, nhưng điều đó chưa đủ để hình thành thói quen chi tiêu như nhiều thành phố lớn ở các quốc gia khác. Bằng chứng là nhiều năm phục vụ ở thị trường Đà Nẵng, Parkson, Vincom hay Indochina Riverside mới chỉ mạnh phần giải trí, ăn uống, hơn là phần mua sắm với những sản phẩm tên tuổi. Một phần do thói quen tiêu dùng của người dân nên mô hình kinh doanh truyền thống và bán lẻ hiện đại đan xen lẫn nhau. Đó là lý do khiến những nhà bán lẻ vẫn đang áp dụng hình thức này như cách vận dụng sáng tạo nhằm giữ tính hiệu quả trong kinh doanh”.

Ông Thái Bá Thiên Sơn, Giám đốc phát triển của Công ty NGO Việt Nam (đơn vị khai thác, quản lý Thương xá chợ Hàn) cho biết: “Khi đầu tư vào khu Han Shopping ngay tại ngôi chợ truyền thống như chợ Hàn, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ chiến lược kinh doanh. Hiện tại, mô hình bán lẻ của chợ truyền thống của Việt Nam thu hút người dân địa phương và du khách. Thế nhưng, chúng tôi cũng quan tâm việc định vị điểm đến Đà Nẵng thông qua việc kinh doanh theo nền tảng văn minh, hiện đại. Thương mại phát triển cũng chính là tạo ra điểm nhấn cho thành phố du lịch, công nghiệp công nghệ cao trong tương lai”.

Hầu hết các nhà kinh doanh đều tin tưởng với tiềm năng có sẵn cộng với sức tác động của cơ hội APEC, con đường của thương mại - dịch vụ, nhất là bán lẻ vẫn thênh thang trong thời gian tới. Kèm theo đó, sự phát triển của các trung tâm thương mại tích hợp trong các dự án resort, du lịch nghỉ dưỡng giải trí, ngôi nhà thứ hai… đang “bùng nổ” tại Đà Nẵng.

Ở góc độ quản lý Nhà nước về ngành thương mại, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: “Sắp tới sẽ có thêm nhiều làn sóng đầu tư nước ngoài về Đà Nẵng, đặc biệt là giới doanh nhân, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đang ngấp nghé chiến lược đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng, tập trung chủ yếu vào bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe - những lĩnh vực có sự hợp tác ưu thế về mặt hạ tầng, nhân lực địa phương. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố về thu nhập của người dân tác động tới sức mua, Đà Nẵng hấp dẫn về du lịch với vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi và chính sách năng động của chính quyền..”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.