Khởi nghiệp ở thành phố du lịch

.

Du khách đến Đà Nẵng ngày càng có nhiều lựa chọn thú vị hơn nhờ những trải nghiệm mới mẻ mà các sản phẩm khởi nghiệp mang lại.

Tham gia dự án Cultures Connect, du khách được trải nghiệm làm chiếu thủ công cùng người dân bản địa ở làng Cẩm Nê, huyện Hòa Vang. (Ảnh do Ban điều hành dự án cung cấp)
Tham gia dự án Cultures Connect, du khách được trải nghiệm làm chiếu thủ công cùng người dân bản địa ở làng Cẩm Nê, huyện Hòa Vang. (Ảnh do Ban điều hành dự án cung cấp)

Du lịch cộng đồng

Câu lạc bộ (CLB) Danang Free Tour Hometown (tạm dịch: Du lịch miễn phí quê nhà Đà Nẵng) bắt nguồn từ ý tưởng của Trần Đình Quốc Khánh và Trương Công Tước (sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân). Để rèn luyện tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp, các thành viên CLB (đa phần là sinh viên) sẵn sàng làm “hướng dẫn viên du lịch” không công cho khách nước ngoài đến Đà Nẵng.

Khánh cho biết: “Danang Free Tour Hometown được thành lập từ năm 2015, tập hợp các sinh viên tại Đà Nẵng muốn nâng cao khả năng tiếng Anh và đam mê du lịch”. Ban đầu, CLB được tổ chức khá “thô sơ”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Danang Free Tour Hometown được “tái cơ cấu” bài bản với các tổ chuyên trách, các lớp tập huấn kỹ năng…, tạo tiền đề phát triển thành một dự án khởi nghiệp.

Cùng chung ý tưởng, Danang Free Walking Tour (tạm dịch: Đi bộ tham quan Đà Nẵng miễn phí) là dự án khởi nghiệp du lịch do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn (SHi) ươm tạo. Tại đây, các sinh viên Đà Nẵng đồng hành với du khách để khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc của thành phố.

Bên cạnh tour tham quan các điểm du lịch chính của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà thờ Chánh tòa, chợ Hàn... miễn phí, Danang Free Walking Tour còn tổ chức những tour có phí như Shopping Tour (tour mua sắm), Foody Tour (tour ẩm thực).

Theo anh Nguyễn Minh Lợi - người sáng lập dự án, Danang Free Walking Tour đang tập trung vào thị trường khách du lịch Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản - hiện chiếm thị phần khá lớn tại Đà Nẵng.

Dự án Cultures Connect (tạm dịch: Kết nối văn hóa) vốn là tâm huyết của chị Nguyễn Thị Phương Lan, cựu giảng viên ngành Du lịch - Trường Đại học Duy Tân. Không thích việc đi du lịch là cứ ở khách sạn, ăn tại nhà hàng “sang chảnh”, “check in” các điểm tham quan nổi tiếng, chị Lan tự thiết kế các tour kết nối khách du lịch quốc tế với người dân bản địa, giúp họ tìm hiểu cuộc sống hằng ngày của người Việt, về vẻ đẹp bình dị mà các trang web du lịch thông thường ít nhắc tới. Chính nhờ sự đặc biệt này, một vị khách của Cultures Connect - anh Brian Beeler (Mỹ) - đã quyết định đầu tư để dự án tiếp tục phát triển.

Du lịch công nghệ

Đa phần các dự án khởi nghiệp ngày nay đều có yếu tố công nghệ, du lịch cũng không ngoại lệ. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, du khách hoàn toàn có thể tự thiết kế tour cho mình.

Là 1 trong 3 dự án thuộc chương trình “Khởi nghiệp du lịch Việt Nam” được SHi ươm tạo, Liberzy cung cấp các công cụ thông minh để những người ham mê du lịch có thể tự tạo và chia sẻ bản đồ du lịch của chính mình. Dự án này phát triển dưới hình thức một mạng xã hội, có thể truy cập trên trang web hay ứng dụng di động.

Anh Trương Đức Thắng, người sáng lập dự án chia sẻ: “Liberzy có thể nhận thông tin, tạo lịch trình, đặt dịch vụ, chia sẻ lịch trình... giúp khách du lịch khám phá và lưu lại kỷ niệm tại những vùng đất mình đã đi qua”. Liberzy đang chuẩn bị ra mắt trang web ở thị trường Đà Nẵng, dự kiến đến tháng 5 sẽ có ứng dụng được phát hành rộng rãi toàn quốc.

Cũng như Liberzy, dự án inVietnam phát triển trên 2 hình thức trang web và ứng dụng di động. Sản phẩm cung cấp thông tin về các địa điểm du lịch của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam từ chính góc nhìn của người dân bản địa, giúp du khách dễ dàng lựa chọn những dịch vụ mong muốn. Nhờ được thiết kế ngoại tuyến, ứng dụng inVietnam vẫn có thể hoạt động mà không cần kết nối mạng Internet, phù hợp với việc du lịch khám phá. Ngoài ra, người sử dụng cũng có thể đặt phòng khách sạn, nhà hàng ngay trên chính ứng dụng.

inVietnam xuất phát từ dự án khởi nghiệp inDanang do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo. “Khởi nguồn từ inDanang và inHoiAn, chúng tôi phát triển dần dần để tạo ra sản phẩm inVietnam, giúp kết nối khách du lịch với người dân địa phương. Điều này có thể giúp người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng niềm tin trong cộng đồng du lịch quốc tế”, anh Nguyễn Văn Chương, người sáng lập dự án chia sẻ.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.