Trên các cánh đồng ở huyện Hòa Vang, bên cạnh nhiều diện tích không thể sản xuất được, nhiều diện tích gieo sạ trễ do ngập úng bị ốc bươu vàng ăn mạ non, phải gieo lại nhưng vẫn xơ xác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị liên quan vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh gây hại để xử lý kịp thời.
Nông dân tỉa dặm lúa ở những thửa ruộng ngập úng, bị sinh vật có hại phá. |
Dọc theo công trình tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, bên cạnh diện tích nằm trong khu quy hoạch Khu tái định cư (TĐC) Hòa Liên 6 và 7 đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc, nhiều thửa ruộng ở sát bên ngập đầy nước nên không thể gieo sạ. Nhiều nông dân tiếc ruộng bỏ hoang, cố gắng gieo sạ nhưng bị ốc bươu vàng phá hại, lúa non xơ xác. “Do ở phía trên kia đắp bờ chặn nước để thi công kênh thoát lũ Hòa Liên nên nước mưa chảy dồn về đây gây ngập sâu ruộng. Ốc bươu vàng từ dưới các kênh theo nước vào ăn lúa non. Theo hướng dẫn, 1 sào gieo khoảng 5kg lúa giống, đám ruộng này rộng đến 1 sào nhưng tôi đã gieo và dặm thêm tổng cộng 10kg lúa giống mà lúa non vẫn lưa thưa vì bị ốc bươu vàng phá hại. Tôi đang cố gắng lượm ốc bươu vàng rồi phun thuốc diệt ốc xuống mới hy vọng vụ này thu hoạch được”, bà Lê Thị Nghị (thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) cho biết.
Theo UBND xã Hòa Liên, qua thống kê của các thôn, ở cánh đồng thuộc hai thôn Hưởng Phước và Hiền Phước có 4,77ha ruộng không gieo sạ được do bồi lấp đất đá, bùn đỏ từ dự án Khu Công nghệ thông tin chảy ra. Ở cánh đồng thôn Quan Nam 1, có 0,95ha ruộng không sản xuất được do ảnh hưởng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Ở hai thôn Quan Nam 4 và Tân Ninh, có 1,72ha ruộng không sản xuất được do bị đất đá từ dự án Khu Công nghệ cao bồi lấp. Đặc biệt, tại cánh đồng kẹp giữa dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài và Khu TĐC Hòa Liên 6 và 7 có đến 11,3ha ruộng bị ngập úng, người dân cố gắng gieo sạ 4,5ha nhưng sẽ không thu hoạch được nhiều do bị ốc bươu vàng từ các kênh, hồ tràn ra phá hại.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang cho hay, vụ đông xuân năm nay, huyện gieo sạ tỷ lệ giống trung, ngắn ngày là 70%, chỉ 30% diện tích trồng lúa dài ngày. Qua thống kê, toàn huyện đã tiến hành gieo sạ đạt 2.542/2.555ha lúa vụ đông xuân. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị thông báo, vận động nông dân tiếp tục thu nhặt ốc bươu vàng, tiêu diệt chuột và phòng trừ các loại sâu bệnh khác như: bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo… gây hại lúa đông xuân; đồng thời hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại, tỉa dặm diện tích lúa bị ốc bươu vàng và chuột gây hại.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, sâu phao... đang gây hại trên các trà lúa. Đặc biệt, chuột đang gây hại rải rác trên các trà lúa và gây hại chủ yếu trên các chân ruộng gần khu dân cư, gò đồi, các kênh mương lớn, đã cục bộ gây hại 108ha và còn có khả năng cắn phá mạnh trong dịp Tết và sau Tết. Chi cục đã đề nghị các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân tỉa dặm cho lúa giai đoạn mạ ở những ruộng bị dồn giống, trũng cục bộ gây chết giống, do ốc bươu vàng và chuột gây hại; thường xuyên giữ mực nước vừa phải trong ruộng lúa từ 3-5cm để giữ ấm cho cây lúa và kích thích đẻ nhánh tập trung, bảo đảm nhánh hữu hiệu.
Chi cục cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra diễn biến sinh vật hại trên đồng ruộng trước và sau Tết để chỉ đạo phòng trừ hiệu quả bảo vệ sản xuất, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm. Cạnh đó, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh gây hại để xử lý kịp thời, tránh tình trạng phun thuốc phòng ngừa trước để “yên tâm ăn Tết”, vì nếu chưa có sinh vật hại mà phun thuốc phòng ngừa tràn lan sẽ giết chết thiên địch, tạo điều kiện cho sâu, rầy gây hại mạnh, tốn kém chi phí và gây ô nhiễm môi trường.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP