Xúc tiến du lịch để thu hút khách

.

Năm 2018, ngành du lịch thành phố phấn đấu đạt 7,47 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với ước thực hiện năm 2017; tổng thu du lịch khoảng 22.500 tỷ đồng. Do đó, ngành sẽ tăng cường sự đồng hành của các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Những sự kiện lớn mang tầm quốc tế được tổ chức và những cuộc gặp giữa người mua với người bán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch.
Những sự kiện lớn mang tầm quốc tế được tổ chức và những cuộc gặp giữa người mua với người bán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch.

Theo đánh giá, để có được con số 6,6 triệu lượt khách đến Đà Nẵng trong năm 2017, ngoài cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống lưu trú đa dạng, điểm đến hấp dẫn..., ngành du lịch thành phố rất quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, bởi đây là một trong những yếu tố không thể thiếu để thu hút khách.

Những năm qua, ngoài các hoạt động xúc tiến tại chỗ thông qua các sự kiện lớn mang tầm trong nước và quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực làm mới hoạt động xúc tiến, xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng ở các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Âu, Úc, Ấn Độ...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Furama Resort cho rằng, công tác quảng bá, xúc tiến của Đà Nẵng chưa đi vào chiều sâu mà còn dàn trải. Khách đến từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc rất đông nhưng nhu cầu du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (M.I.C.E) rất ít, trong khi Đà Nẵng có tiềm năng về lĩnh vực này. Vì vậy, phải tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch M.I.C.E cũng như những cơ sở vật chất hiện đại mà Đà Nẵng đang có hơn nữa.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho rằng, cần có kế hoạch để các đơn vị làm dịch vụ du lịch tham gia xúc tiến lâu dài vì Đà Nẵng vẫn còn tình trạng mùa vụ, nhất là trong mùa mưa, dù có khách nhưng nguồn khách không ổn định. Do đó, ngành du lịch thành phố nên xúc tiến mạnh về du lịch M.I.C.E vào mùa đông để lượng khách cho cân đối, hài hòa với các khoảng thời gian khác trong năm.

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, Đà Nẵng được coi là điểm đến của khách du lịch tàu biển vì có nhiều lợi thế về chất lượng dịch vụ, du lịch nhưng dường như chúng ta quên mất việc xúc tiến, quảng bá với dòng khách đầy tiềm năng này. Tuy khách tàu biển đến theo mùa nhưng khách vẫn tham gia các tour, mang lại nguồn lợi kinh tế và quảng bá hình ảnh rất lớn. Nếu xúc tiến, quảng bá tốt sẽ góp phần đa dạng thêm nguồn khách.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, cho rằng đơn vị thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch cả trong lẫn ngoài nước ngoài xúc tiến thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến nên tập trung vào khách mời quốc tế, các hãng hàng không quốc tế, tổ chức đón các đoàn khảo sát (famtrip) từ Tây Âu đến Đà Nẵng, huy động đa dạng các nguồn lực xúc tiến, chủ động nguồn từ xã hội hóa.

“Từ trước đến nay, chúng ta cứ nghĩ chỉ các doanh nghiệp lữ hành mới cần xúc tiến du lịch nhưng điều đó là chưa đủ, nhóm các doanh nghiệp lưu trú cũng phải tham gia các hoạt động xúc tiến chung với thành phố, cùng đóng góp thì hoạt động này mới mạnh, mới đem lại nguồn khách dồi dào”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch, năm 2018, ngành du lịch phấn đấu đạt 7,47 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với ước thực hiện năm 2017; tổng thu du lịch khoảng 22.500 tỷ đồng. Do đó, trong năm nay, ngành sẽ tăng cường công tác xúc tiến thị trường nội địa và tại chỗ như tiếp tục tổ chức tốt các lễ hội, sự kiện đã trở thành thương hiệu của du lịch Đà Nẵng (Lễ hội pháo hoa quốc tế, Marathon quốc tế, Iron man 70.3...); tăng cường quảng bá ẩm thực đặc trưng của địa phương cũng như đẩy mạnh công tác liên kết 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế...

Riêng với thị trường quốc tế, sẽ tập trung xúc tiến tại các thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, đẩy mạnh thêm các thị trường gần có đường bay trực tiếp tại các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hong Kong...; tăng cường trao đổi cung cấp thông tin đối với các thị trường tiềm năng các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bắc Mỹ, Úc, Ấn Độ...; trong đó tận dụng tốt cơ hội xúc tiến tại các quốc gia thành viên APEC cũng như xúc tiến thị trường quốc tế khác thông qua việc duy trì các đường bay hiện có và mở thêm các đường bay quốc tế mới.

Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường sự đồng hành của các doanh nghiệp trong sự phát triển chung của ngành du lịch; từng bước nâng cao vai trò của các hiệp hội, hội, chi hội trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức khảo sát quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; khảo sát thị trường khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách; đẩy mạnh liên kết, huy động nguồn lực tham gia xúc tiến; thí điểm thành lập và triển khai quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình, sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng thị trường khách…

7,47 triệu là số lượt khách đến Đà Nẵng mà ngành du lịch thành phố phấn đấu đạt được trong năm 2018, tăng 13,9% so với ước thực hiện năm 2017.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.