Chung giấc mơ khởi nghiệp

.

Cuối năm 2016, mô hình không gian làm việc chung (KGLVC) bắt đầu phát triển tại Đà Nẵng. Không chỉ đơn thuần cho thuê mặt bằng văn phòng, KGLVC còn là nơi kết nối của những người khởi nghiệp, giúp mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm nhà đầu tư và tích lũy kinh nghiệm.

Nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức ở các không gian làm việc chung. Ảnh: KHANG NINH
Nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức ở các không gian làm việc chung. Ảnh: KHANG NINH

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2012, các KGLVC được xem là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Mô hình này đặc biệt phù hợp với các dự án khởi nghiệp đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có nơi làm việc hay đội ngũ nhân sự cố định.

Tại đây, họ có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn với những người khởi nghiệp khác. Đây cũng là địa chỉ các nhà đầu tư thường đến để tìm các dự án tiềm năng.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, đồng sáng lập dự án khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe tại nhà Homecares chia sẻ, chị đã tìm được người đồng hành thực hiện dự án khi tham gia những sự kiện được tổ chức ở các KGLVC.

“Đó là nơi tập hợp nhiều người có chung giấc mơ khởi nghiệp nên chúng tôi dễ dàng trò chuyện với nhau. Qua đó, tôi được giới thiệu đến những người khác cũng muốn tham gia một dự án khởi nghiệp, có chuyên môn chúng tôi đang cần, phù hợp với vị trí được tuyển dụng”, chị Anh cho biết.

KGLVC cũng là nơi thu hút nhiều người nước ngoài đến làm việc. Anh Daniel Weinzveg (Mỹ), chuyên gia về tổ chức nhân sự cho hay: “Tôi thích đến các KGLVC để được làm việc trong không khí cởi mở, chuyên nghiệp.

Đặc điểm của KGLVC là có nhiều người cùng làm việc với bạn, đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tạo ra nhiều mối kết nối. Ngay cả khi bạn không khởi nghiệp thì vẫn có thể tìm ra những người sẵn sàng hỗ trợ công việc của bạn”.

Theo anh Phạm Đức Nam Trung, Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), trong vòng 1 năm sau khi KGLVC của DNES ra đời (vào tháng 10-2016), tại Đà Nẵng có thêm nhiều KGLVC khác như HEXAGON (đường Hùng Vương), The HUB (đường Trần Quốc Toản), ENOUVO (đường Tạ Mỹ Duật)…

Đây là những không gian cung cấp chỗ làm việc cùng các thiết bị văn phòng với giá phải chăng cho các nhóm khởi nghiệp cùng các gói dịch vụ cơ bản như đăng ký trụ sở công ty, cho thuê phòng họp, tổ chức sự kiện.

Bên cạnh đó, còn có mô hình không gian sáng chế dành riêng cho mảng khởi nghiệp sản xuất, chế tạo như Fablab (đường Hải Hồ), Innovation Maker Space (đường Lê Duẩn). Các không gian sáng chế thường hỗ trợ máy móc, dụng cụ làm việc như máy in 3D, máy cắt gỗ, máy may, máy cắt laser, máy khoan, để hoàn thiện sản phẩm mẫu.

Không gian làm việc chung là nơi kết nối của những người khởi nghiệp Ảnh: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng
Không gian làm việc chung là nơi kết nối của những người khởi nghiệp. Ảnh: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng

Dù số lượng các KGLVC tại Đà Nẵng đang gia tăng nhưng ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nhìn nhận, mỗi không gian vẫn đang có quy mô nhỏ, là từng cộng đồng riêng và chỉ thu hút vài đối tượng khách hàng nhất định.

Đây cũng là một lý do khiến cộng đồng khởi nghiệp khó bứt phá để trở thành các doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Ông Tâm cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và quy mô hơn, thành phố cần có thêm không gian chung cho hoạt động khởi nghiệp, hội tụ các dự án tiềm năng, đồng thời là trung tâm huấn luyện và đào tạo khởi nghiệp, giúp kết nối với các quỹ đầu tư, các quốc gia quan tâm đến khởi nghiệp tại thành phố.

Đặc biệt, trong tương lai, khi hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng thu hút nhiều dự án khởi nghiệp từ các địa phương khác, nhu cầu về cơ sở hạ tầng của cộng đồng khởi nghiệp sẽ thay đổi. KGLVC sẽ kết hợp với dịch vụ lưu trú, giúp các bạn trẻ cùng làm việc và cùng sinh hoạt.

Đánh giá về định hướng phát triển của các KGLVC tại Đà Nẵng, GS. Kim Do-Nuyn, Giám đốc Smart Green City Lab thuộc Đại học Sung Kyun Kwan (Hàn Quốc) chia sẻ:

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới bắt đầu khởi nghiệp ở những ga-ra xe. Điều này tưởng chừng vô lý nhưng thật ra lại rất hợp lý, bởi đây là những “phân xưởng” sáng tạo với nhiều công cụ, nơi mọi người có thể tự do làm việc vào bất kỳ lúc nào. Đây cũng là một nơi cư trú ổn định với chi phí thấp.

Ngoài ra, khi bước ra khỏi cánh cửa ga-ra, họ vẫn có thể tận hưởng các dịch vụ đô thị như ăn uống, văn hóa, giải trí, trao đổi và hợp tác với người khác. Thực tế, mô hình ga-ra này rất khó áp dụng trong tương lai nhưng nó lại đưa ra các khái niệm cơ bản để hình thành những KGLVC hiệu quả như không gian sáng chế, không gian và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nơi ở ổn định với giá cả hợp lý, môi trường đô thị với các dịch vụ đa dạng.

Theo GS. Kim Do-Nuyn, chia sẻ nguồn lực vật chất giúp xây dựng nền tảng cho các hoạt động đa dạng trao đổi ý tưởng chủ động, từ đó cung cấp cơ hội để tạo nên sự đổi mới sáng tạo.

Năm 2017, UBND thành phố đã phê duyệt mặt bằng quy hoạch dự án “Trung tâm đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp Đà Nẵng” tại đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Ông Tâm cho biết, đây là dự án kêu gọi xã hội hóa nhằm giải quyết các nhu cầu về không gian làm việc; đào tạo các khóa ngắn hạn và dài hạn về khởi nghiệp; cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã bố trí chuẩn bị đầu tư cho Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp thành phố, trong năm 2018, sẽ tập trung khuyến khích thành lập thêm các không gian sáng chế, phòng thí nghiệm, vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.