Đà Nẵng thật sự hấp dẫn nhà đầu tư

Bài 2: Nhận diện bất cập trong thu hút đầu tư

.

Đà Nẵng có nhiều nỗ lực cũng như tiềm năng thu hút đầu tư; tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác thu hút đầu tư.

Sản xuất may mặc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. 		      		   Ảnh: THÀNH LÂN
Sản xuất may mặc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: THÀNH LÂN

Tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về thu hút đầu tư trong thời gian qua, nhiều ý kiến tâm huyết chỉ ra hạn chế lớn trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng, đó là tính công khai, minh bạch trong môi trường kinh doanh chưa cao.

Phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều năm liền Đà Nẵng thường xuyên dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thế nhưng số điểm đạt được chưa cao, như năm 2017 mới chỉ ở thang điểm 70/100 điểm.

Một số chỉ số thành phần giảm điểm, thậm chí nằm ngoài top 10 cả nước như chỉ số về tiếp cận đất đai, tính công khai, minh bạch trong môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chỉ số cạnh tranh bình đẳng…

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận: “Nhà đầu tư khi đến Đà Nẵng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin ban đầu về chủ trương đầu tư, lĩnh vực cùng các cơ chế ưu đãi. Hiện nay, điều nhà đầu tư cần nhất là thông tin được đăng tải công khai, minh bạch, giúp họ có cái nhìn toàn diện để tính toán cho dự án của mình.

Việc thiếu công khai, minh bạch khiến DN mất nhiều thời gian, công sức, tốn kém cả chi phí vì phải đi “đường vòng” để tiếp cận đúng và trúng thông tin cần thiết”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư tại Đà Nẵng, ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch biển Vinacapital Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng đến từ các quốc gia phát triển với hệ thống luật pháp công khai, minh bạch và mang tính xuyên suốt, ổn định cao như Nhật Bản, Mỹ, Singapore hay châu Âu…

Quen với lối tư duy và cách làm việc bài bản nên khi sang Việt Nam, họ rất cần những nhà tư vấn giúp họ hiểu cặn kẽ từng vấn đề và làm đúng pháp luật, tránh mất thời gian, chi phí và những phiền hà không đáng có.

Tuy nhiên, những dịch vụ này tại Đà Nẵng còn khan hiếm, phần lớn chỉ dựa vào sự hỗ trợ của các cơ quan, sở, ban, ngành, dù công tác xúc tiến đầu tư được thành phố triển khai cả chục năm nay. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư trong nước, nhu cầu về môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao sức cạnh tranh với các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại VN Đà Thành (đơn vị từ năm 2017 bắt đầu có những dự án đầu tư vào Đà Nẵng ở lĩnh vực bất động sản với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng) cho biết:

“Các nhà đầu tư lớn, có tầm cỡ luôn muốn bước vào một cuộc chơi công bằng, minh bạch với thủ tục pháp lý rõ ràng, nhanh gọn và đúng pháp luật. Tôi nghĩ, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa, hạn chế các văn bản dưới luật. Thực tế, ngoài những quy định chung của pháp luật Việt Nam, các địa phương đều có những quy định riêng nhưng nhiều lúc còn thiếu ổn định”.

Nhiều DN đầu tư vào Đà Nẵng cho rằng, công tác hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho DN, nhà đầu tư của các sở, ngành còn chậm. Hai câu chuyện đơn cử sau đây cho thấy, việc chậm giải quyết những vướng mắc, nhu cầu chính đáng của DN khiến Đà Nẵng để vuột mất không ít dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, trong đó có những dự án hứa hẹn tạo ra những sản phẩm đặc sắc, mang tính riêng biệt.

Câu chuyện thứ nhất là dự án xây dựng bến cảng du thuyền của một nhà đầu tư đến từ nước Úc. Năm 2014, sau quá trình nghiên cứu và khảo sát, nhà đầu tư này quyết định lựa chọn Đà Nẵng để đầu tư kho xưởng sản xuất tàu du lịch (loại thuyền buồm) với tổng vốn 10 triệu USD cùng tham vọng biến Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của các cuộc đua thuyền buồm mang tầm quốc tế.

Thế nhưng, qua hơn 4 năm tìm kiếm địa điểm, nhà đầu tư đã từ bỏ Đà Nẵng để chuyển vào thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vì không thể kéo dài thời gian chờ đợi nhận mặt bằng.

Câu chuyện thứ hai mà Đà Nẵng tiếp tục bỏ lỡ là dự án làng ẩm thực của một chủ đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn dự kiến 1 triệu USD. Nhà đầu tư này ấp ủ tham vọng biến vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) thành khu ẩm thực, giải trí hấp dẫn mang đậm phong cách Nhật Bản với kỳ vọng sẽ là điểm đến của khách Nhật, tạo nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, qua 2 năm chờ đợi để được bố trí mặt bằng, chủ đầu tư bỏ dự án và chuyển đi nơi khác.

Qua phân tích của các nhà kinh tế, bài toán thu hút đầu tư không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, mà còn là trọng trách của cộng đồng DN Đà Nẵng bởi DN cũng chính là kênh thu hút đầu tư hiệu quả.

Thời gian qua, nhiều DN của thành phố đã chủ động xúc tiến, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nhưng trong quá trình thực hiện, có những vướng mắc chưa được thành phố hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu Hương Quế (quận Liên Chiểu) đã nhiều lần “xin” mặt bằng để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng không thành.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc công ty bày tỏ: “Có những DN Nhật Bản, Hàn Quốc tìm đến tận nơi sản xuất của chúng tôi và muốn ký kết hợp đồng, nhưng họ từ chối khi thấy cơ sở xập xệ của công ty. Nếu có mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, tôi tin đơn vị của mình có thể phát triển để đóng góp nhiều cho thành phố”.

Không chỉ chậm giải quyết những vướng mắc, nhiều DN phản ánh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư vào Đà Nẵng chưa đáp ứng như mong muốn. Chẳng hạn, việc triển khai tuyến xe buýt R14 đến Khu công nghệ cao Đà Nẵng và tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài còn chậm; hệ thống cấp điện, nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của các DN chưa hoàn thiện; định hướng phát triển của Ban quản lý Khu công nghệ cao trong tương lai chưa rõ ràng…

Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố chỉ rõ: những nguyên nhân khiến kết quả đầu tư của thành phố thời gian qua chưa có gì vượt trội, đó là về khách quan, các địa phương lân cận ở khu vực miền Trung có quỹ đất lớn, có các khu kinh tế với nhiều ưu đãi đầu tư hấp dẫn, không sàng lọc đầu tư khắt khe như Đà Nẵng. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư tại các địa phương này có sự cải thiện đáng kể để mời gọi các nhà đầu tư, tạo ra sức cạnh tranh lớn với thành phố; việc thanh tra đất đai kéo dài tại thành phố cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Về nội tại, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư Đà Nẵng ban hành chưa thật sự có sức cạnh tranh. Chẳng hạn, DN đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đà Nẵng hầu như không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất.

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa phát huy tác dụng do hạn chế về mặt bằng kinh doanh, sản xuất, gia công phần mềm. Ngoài ra, công tác quy hoạch chưa ổn định, gây khó cho công tác kêu gọi đầu tư.

Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư về vốn, công nghệ, đào tạo lao động… đối với các DN được ban hành, nhưng thực tế hiệu quả triển khai còn hạn chế, khó có khả năng tiếp cận và sự vào cuộc của các đơn vị liên quan chưa thật sự quyết liệt…

Đà Nẵng hiện có 571 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Đứng đầu dòng vốn FDI đầu tư vào Đà Nẵng là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký 829,05 triệu USD (chiếm 27,62%). Tiếp đến lần lượt là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 629,48 triệu USD (chiếm 20,73%); Mỹ: 518,83 triệu USD (chiếm 17,08%); Hàn Quốc: 253,09 triệu USD (chiếm 8,3%).

Theo Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư thành phố, Đà Nẵng hiện xếp thứ 17 cả nước về thu hút vốn FDI, xếp thứ 8 cả nước về số dự án FDI. Dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản kết hợp du lịch (1,1 tỷ USD), công nghiệp (447 triệu USD), dịch vụ (300 triệu USD) và lĩnh vực có số vốn đầu tư thấp nhất là nông, lâm, thủy sản (1,9 triệu USD). Những nhà đầu tư vào Đà Nẵng chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, chưa hình thành được chuỗi cung ứng rõ nét trong lĩnh vực sản xuất. 

THÀNH LÂN - KHÁNH HÒA - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.
.