Đà Nẵng thực sự hấp dẫn nhà đầu tư

.

Những năm qua, Đà Nẵng thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến làm ăn, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng như các vùng lân cận. Năm 2018 được xác định là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”; theo đó, thành phố tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp (DN) nhằm xây dựng môi trường đầu tư bền vững.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với nhà đầu tư tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017.  Ảnh: THÀNH LÂN
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi với nhà đầu tư tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017. Ảnh: THÀNH LÂN

Bài 1: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch

Thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút nhiều dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Đà Nẵng không chỉ thể hiện qua thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mà còn qua những con số phát triển của DN.

Trước khi chia tách tỉnh, Đà Nẵng có chưa đến 30 DN, hiện nay con số này là 22.434 DN, đóng góp khoảng 60% GDP và giải quyết hơn 60% lao động toàn thành phố. Trong đó, có 571 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng 5 năm (từ 2006-2010), nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gần 2,4 tỷ USD vào Đà Nẵng, cao gấp nhiều lần con số của 10 năm trước đó và 7 năm sau này. Nguồn vốn đầu tư ấy đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế thành phố.

Để có được điều này, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt các chương trình, hành động. Các chính sách được thực hiện nhất quán, xuyên suốt. Trong đó, có chủ trương phát triển thành phố theo hướng xanh, sạch, bền vững và việc thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm phục vụ định hướng phát triển ngành du lịch - dịch vụ, công nghệ cao.

Cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung: cảng container có công suất 12 triệu tấn hàng hóa; sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận 12 triệu lượt khách và 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm; 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động.

Hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng hiện đại nhất cả nước. Đà Nẵng cũng là trung tâm giáo dục - đào tạo của miền Trung với hệ thống đào tạo khá toàn diện gồm 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp và 59 trung tâm dạy nghề.

Nguồn nhân lực dồi dào chiếm 70% dân số, trẻ và có tay nghề cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch với các chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn.

Đà Nẵng được cộng đồng DN bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu các địa phương về Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX từ năm 2013-2016 và 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011-2016.

Nói về môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng, ông Zushi Masashi, Giám đốc điều hành Vija Chip Corporation cho rằng: “Khi đầu tư vào Đà Nẵng, chúng tôi nhận được sự ủng hộ hết mình từ chính quyền thành phố. Chúng tôi cũng thấy tiềm năng và lợi thế ở đây so với nhiều địa phương khác trong vùng như: cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông ưu việt, chính sách nhất quán, thủ tục hành chính nhanh, gọn, môi trường sống xanh... Đó là những lý do để chúng tôi chọn Đà Nẵng”.

Sản xuất ở Nhà máy TCIE Việt Nam trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: THÀNH LÂN
Sản xuất ở Nhà máy TCIE Việt Nam trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Niwa Dai, Tổng Giám đốc Niwa Foundry Vietnam Co., Ltd đánh giá: “Đà Nẵng đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông với chất lượng tốt nhất, cả về đường bộ, đường hàng không và đường biển. Kết quả của sự nâng cấp cơ sở hạ tầng đã mang lại diện mạo mới cho thành phố, đồng thời khắc phục dần sự yếu kém mà các nhà đầu tư quan ngại”.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: Với các chính sách thông thoáng, cởi mở và nhiều ưu đãi, trong những năm qua, Đà Nẵng thu hút khá nhiều nhà đầu tư. Riêng trong năm 2017, hơn 4.000 DN được thành lập với tổng vốn đăng ký trên 21.000 tỷ đồng. Đây là con số biết nói, khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở và minh bạch của thành phố. Bên cạnh đó, với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển lâu dài, bền vững.

Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đầu tư đạt hiệu quả, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, chính quyền Đà Nẵng đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư so với quy định hiện hành, đồng thời thực hiện cơ chế liên thông giữa cơ quan đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như cơ quan quản lý chuyên ngành trong cấp phép kinh doanh và cấp phép hoạt động.

Thành phố đã ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan xúc tiến đầu tư với các cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương để hỗ trợ hiệu quả nhà đầu tư trong quá trình khảo sát đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và khi dự án triển khai hoạt động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 3 và mức 4 trong tiếp nhận, xử lý, trả kết quả đầu tư nhằm tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí cho nhà đầu tư.

Không dừng lại đó, Đà Nẵng được các nhà đầu tư đánh giá cao về các chính sách thu hút đầu tư cũng như sự nỗ lực trong cải cách hành chính. Đội ngũ cán bộ luôn đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong khâu cải cách hành chính và giải phóng mặt bằng.

Để chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi, thành phố đã chuẩn bị từ khâu nhỏ nhất để thu hút mời gọi đầu tư; chẳng hạn như việc mở các văn phòng đại diện tại các nước, xúc tiến mở thẳng đường bay Đà Nẵng kết nối trực tiếp với các thành phố lớn của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đầu tư vào thành phố.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, với chủ trương nhất quán trong việc thu hút đầu tư và tháo gỡ những khó khăn cho các DN đang hoạt động, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành với DN nhằm xây dựng môi trường đầu tư bền vững với một lực lượng DN tự tin, đầy sức sống. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu lớn mà Đà Nẵng đặt ra và hướng đến.

Năm 2017, Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với tổng mức đầu tư trên 25.250 tỷ đồng; trong đó có dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower, tổng vốn đầu tư 1.795,3 tỷ đồng; dự án Tháp CT3&CT7 Khu phức hợp Đà Nẵng Times Square, tổng vốn đầu tư 1.565,3 tỷ đồng; dự án Tổ hợp căn hộ khách sạn condol và condol 2, tổng vốn đầu tư 1.772,5 tỷ đồng; dự án Phần hầm và khối D tổ hợp Ánh Dương Soleil, tổng vốn đầu tư 3.147,5 tỷ đồng; dự án Bệnh viện chất lượng cao, tổng vốn đầu tư 4.974,8 tỷ đồng; dự án Khu khách sạn và dân cư Saphia, tổng vốn đầu tư 1.010,8 tỷ đồng; dự án Tháp CT1&2 - Đà Nẵng Times Square, tổng vốn đầu tư 3.469,4 tỷ đồng…

THÀNH LÂN - KHÁNH HÒA - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.