Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy phát biểu tại phiên bế mạc “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (giữa) cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: S.TRUNG |
Qua hơn 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố Đà Nẵng là rất đậm nét. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã lớn mạnh vượt trội cả về số lượng lẫn quy mô với hơn 22.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký hơn 142.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng với chính quyền trong xây dựng và phát triển thành phố trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội hóa các dịch vụ công, giải quyết việc làm và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tạo nên những bước tiến nhảy vọt, ấn tượng như: tổng sản phẩm xã hội tăng gấp 6 lần, thu ngân sách tăng 18 lần; du lịch trở thành ngành mũi nhọn với số lượt du khách tăng 32 lần, trong đó khách quốc tế tăng 28 lần. Diện mạo đô thị được quy hoạch, chỉnh trang văn minh, hiện đại.
Riêng năm 2017 khép lại với Đà Nẵng là một năm đầy nỗ lực để đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế thành phố duy trì đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 58 ngàn tỷ đồng, tăng 9%; tổng thu ngân sách đạt gần 23.400 tỷ đồng, tăng 18%; khách tham quan, du lịch đạt 6,6 triệu lượt, tăng 19% và vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu, thương hiệu du lịch. Thành phố tiếp tục dẫn đầu các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam.
Đặc biệt, thành phố đã tạo được dấu ấn đẳng cấp và tự hào là địa phương tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trong đó, chúng tôi đã chứng kiến những tâm huyết, nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay với chính quyền thành phố chạy đua với thời gian, vượt qua những khó khăn về công nghệ, tài chính và thời tiết để kịp thời đảm bảo các cơ sở vật chất và dịch vụ hiện đại, chất lượng, góp phần vào sự thành công chung của sự kiện.
Có thể nói hình ảnh, vị thế của Đà Nẵng tiếp tục được khẳng định; niềm tin của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với thành phố tiếp tục được vun đắp, nâng lên. Chính quyền Đà Nẵng ghi nhận và tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Dự báo sẽ phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và cả áp lực về hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng...
Trong khi đó, quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tuy nhiều năm liền Đà Nẵng đứng vào nhóm đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính... nhưng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc trong xử lý các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp...
Để đạt được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”, là động lực tăng trưởng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời đáp ứng được các tiêu chí mới về xây dựng mô hình thành phố đáng sống, thành phố thông minh, thành phố môi trường, thành phố khởi nghiệp, thành phố tương lai… thì cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ, sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn, thử thách.
Chính vì vậy, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng ta phải tận dụng thật tốt những cơ hội từ APEC 2017, đồng thời bám sát chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” để cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đan xen, gắn kết và trở thành “dòng chảy” chủ đạo trong các quyết sách của thành phố.
Qua ý kiến đóng góp, hiến kế của các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn gửi về Thành ủy thời gian qua và các ý kiến, đóng góp ngày hôm nay, tôi đánh giá cao những kiến nghị, hiến kế, đề xuất của quý vị.
Trong số những kiến nghị, hiến kế đó, tôi thấy tựu chung lại là 5 nhóm vấn đề quan trọng, mang tầm tư duy chiến lược liên quan đến sự phát triển bền vững và lâu dài của thành phố. Đó là: quy hoạch; kết nối phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh; môi trường sống, an sinh xã hội và tổ chức bộ máy quản lý của chính quyền thành phố… Tôi xin tập trung trao đổi các nhóm vấn đề này như sau:
Thứ nhất, về vấn đề quy hoạch
Đúng là cần phải xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng để điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; là công cụ hữu ích để chỉ đạo quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, thành phố đã phê duyệt và triển khai: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020, các đề án tái cơ cấu thành phố, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Tuy nhiên, bối cảnh trong nước, quốc tế và ngay cả bản thân Đà Nẵng đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi cần có quy hoạch mới phù hợp hơn.
Để thực hiện điều này, Thành ủy đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. UBND thành phố đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đang đề xuất nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng Đề cương quy hoạch, trên cơ sở đó sẽ mời chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước tham gia với sự tài trợ của cả thành phố lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Quan điểm của chúng tôi là bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Đà Nẵng trong liên kết với các địa phương khác trong cả nước, cũng như hợp tác với các thành phố, trung tâm phát triển trong khu vực và quốc tế.
Chính vì vậy, phải tiến hành đánh giá lại các nguồn lực, nhất là về con người, đất đai, tài chính và cả những lợi thế cạnh tranh khác; đánh giá toàn diện quy mô, năng lực, loại hình doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành lựa chọn mô hình phát triển mới cho thành phố, toàn diện cả về kinh tế - xã hội, môi trường mà trong đó, doanh nghiệp là trụ cột chính để xây dựng mô hình phát triển mới, năng động về kinh tế, bản sắc về văn hóa và bền vững về môi trường.
Cơ hội và cũng là thách thức lớn nhất của Đà Nẵng đó là phát triển thành phố với tư cách là “người dẫn đầu/người tiên phong”. Quy hoạch mới phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững và bao trùm của Đà Nẵng.
Về tầm nhìn, Đà Nẵng phải là thành phố thông minh, điểm đến du lịch được ưu tiên lựa chọn, đáng sống và đáng đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Đà Nẵng phải là thành phố của khởi nghiệp và sáng tạo, là một Trung tâm Hội nhập quốc tế, một đô thị đẳng cấp, hiện đại nhưng khác biệt, đậm bản sắc Đà Nẵng.
Đà Nẵng phải là một đô thị thông minh, với một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Đấy là một tầm nhìn chiến lược, cần những nhà đầu tư lớn, tài giỏi và cần một cộng đồng doanh nghiệp cũng có tầm nhìn xa, năng lực vượt trội cùng đồng hành với lãnh đạo và chính quyền thành phố để làm nên những điều kỳ diệu, hiện thực hóa những giấc mơ, khát vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Có một số doanh nghiệp nói rằng, họ chỉ lập kế hoạch kinh doanh trong vòng 2 đến 3 năm, thậm chí thấy 5 năm là quá dài. Tôi muốn các vị ở đây thay đổi tư duy đó. Bởi tôi muốn quý vị nghĩ về sự phát triển dài hạn của Đà Nẵng, coi thành phố chính là quê hương, là ngôi nhà của quý vị. Doanh nghiệp làm giàu cho thành phố và sự phát triển của thành phố sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp. Đà Nẵng sẽ mang lại cơ hội đầu tư và kinh doanh mở rộng cho tất cả mọi người.
Đồng thời, quy hoạch sẽ xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế.
Do đó, Đà Nẵng cần phân tích, xác định rõ những cụm, ngành hay lĩnh vực kinh tế có lợi thế, có tiềm năng thông qua các tín hiệu, cách thức vận hành và xu hướng của thị trường, chứ không phải theo ý chí chủ quan của chính quyền. Chúng ta sẽ tập trung đa dạng hóa việc thu hút các nguồn lực mà trong đó thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài chắc chắn vẫn tiếp tục được xác định là hướng ưu tiên hàng đầu của Đà Nẵng trong thời gian đến.
Nói một cách ngắn gọn, quy hoạch cần tập trung vào các định hướng chính, gắn với các xu thế phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, di chuyển lao động và vận hành của kinh tế thị trường. Chính vì vậy, tiếng nói và đặc biệt là sự đồng hành, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện theo hướng đầu tư theo quy hoạch chứ không phải quy hoạch theo đầu tư, thiếu định hướng, chạy theo các vụ việc cụ thể. Điều này sẽ có ý nghĩa rất quyết định đối với công cuộc cải cách và phát triển của Đà Nẵng.
Thứ hai, về vấn đề kết nối và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Đây là vấn đề được thảo luận nhiều và đã lâu nhưng chưa có tác động nào tích cực, mang tính đột phá. Đà Nẵng cần có một tư duy mới để giải quyết vấn đề này. Đối với Đà Nẵng, kết nối là yếu tố sống còn. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ, thông tin là hết sức quan trọng, nhưng chưa đủ. Doanh nhân người Mỹ Warren Buffett có lý khi nói rằng: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình; nếu muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau”. Chính vì thế, cần có sự liên kết theo không gian, theo lĩnh vực, tận dụng thế mạnh không chỉ của Đà Nẵng mà còn của các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...; phải coi sự phát triển của các địa phương lân cận không chỉ là cạnh tranh, thách thức mà còn là cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của chính Đà Nẵng. Cùng với đó là tạo dựng thể chế để thực thi hiệu quả, cùng tạo nguồn lực và có đánh giá thực chất để tạo lợi ích chung cho tất cả các địa phương trong kết nối.
Thứ ba, về môi trường đầu tư và kinh doanh
Đà Nẵng luôn là thành phố nằm trong nhóm dẫn đầu về môi trường đầu tư, kinh doanh và Đà Nẵng tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như vẫn được dùng cho đến nay là chưa đủ đối với Đà Nẵng - một thành phố luôn luôn nỗ lực cho khát vọng vươn lên, giữ vị trí dẫn đầu và vị thế tiên phong. Bên cạnh việc tiếp tục phải giữ vững vị trí hàng đầu về PCI, Đà Nẵng cần phải rà soát lại thực chất các chỉ số này và thêm vào đó, xây dựng cho mình một hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát vào các tiêu chí quốc tế, để đảm bảo chắc chắn rằng vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, Đà Nẵng phải đặc biệt chú trọng tính minh bạch, tính hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Năm 2018, việc làm thiết thực đầu tiên là giảm mạnh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề cụ thể mà quý vị cũng đã trao đổi, thảo luận sôi nổi trong buổi tọa đàm hôm nay là vấn đề về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố xin ghi nhận các ý kiến đóng góp, đặc biệt là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng. Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì dù nhỏ cũng phải làm, cái gì gây khó khăn cho doanh nghiệp thì dù lớn đến đâu cũng phải tháo gỡ. Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng hỗ trợ thành phố rà soát, đánh giá lại chính sách để đề xuất giải pháp tốt hơn; tham mưu các chính sách phù hợp với bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay. Đồng thời, tăng cường vai trò phản biện, đề xuất, hiến kế của các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong công tác ban hành chính sách.
Thứ tư, về vấn đề an sinh xã hội và môi trường sống
Đà Nẵng sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo về an ninh trật tự, nếp sống văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách…; bảo đảm thực hiện tốt các Chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”. Đà Nẵng sẽ phải có nhiều hơn những công trình phúc lợi xã hội và những không gian sinh hoạt chung mang tính cộng đồng để không chỉ người dân mà du khách, những người đến Đà Nẵng làm việc, sinh sống đều có điều kiện tận hưởng cuộc sống tốt nhất. Điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội, thậm chí là sự hy sinh, chia sẻ của doanh nghiệp cao hơn để vì một Đà Nẵng xanh, đẹp hơn và đáng sống. Đà Nẵng phải là một “thành phố đáng sống” đối với người dân và cả những người đến kinh doanh, làm việc tại thành phố. Tôi đề nghị các doanh nhân luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm góp phần nâng cao bản sắc văn hóa của thành phố. Sẽ là hoàn toàn không hợp lý và khó chấp nhận nếu Đà Nẵng dẫn đầu trong phát triển kinh tế mà lại thiếu sự phát triển tương xứng về văn hóa, mà mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân lại thấp.
Thứ năm, về tổ chức và bộ máy chính quyền thành phố
Đây là vấn đề then chốt, quyết định đến việc biến những trăn trở thành giá trị hiện thực, để Đà Nẵng thật sự là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh. Với quyết tâm hành động, tôi đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, các địa phương, đơn vị lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu những hiến kế, các đề xuất, kiến nghị để tham mưu thành phố sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, công việc có liên quan phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành. Việc gì tháo gỡ được cần làm ngay, việc gì chưa giải quyết được phải có lộ trình cụ thể, báo cáo lãnh đạo thành phố hoặc Trung ương để sớm giải quyết. Tiên phong, quyết liệt thực hiện cải cách tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; với mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một chính quyền đổi mới, năng động, sáng tạo, có khả năng giải trình cao, thực sự cầu thị, gần dân và luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để phục vụ và kiến tạo phát triển.
Hai là, thành phố Đà Nẵng cam kết triển khai tốt chủ trương của Chính phủ về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp; tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành và các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ ngày càng gắn bó mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với các hiệp hội, hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.
Ba là, phải luôn đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, do đây chính là động lực phát triển và cũng là đối tượng hưởng lợi từ những thành quả phát triển của thành phố. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách, cơ hội, nguồn lực hỗ trợ của thành phố, của Trung ương một cách minh bạch, công bằng, đúng đối tượng. Chính quyền thành phố phải là người đồng hành gần gũi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đối với xã hội, thực sự đóng góp vào sự phát triển chung của Đà Nẵng; nhưng đồng thời phải là trở lực không thể vượt qua đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường sống và tác động nguy hại đến quốc phòng - an ninh.
Cùng với 5 nhóm vấn đề lớn nêu trên, còn nhiều hiến kế, đóng góp của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác mà tôi chưa thể kể hết ra đây, thành phố trân trọng, ghi nhận toàn bộ các ý kiến và sẽ lưu ý trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Nhân buổi tọa đàm hôm nay, tôi cũng muốn gửi đến quý hội, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp một số lưu ý sau:
Thứ nhất, đề nghị các hội, hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền thành phố, là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp; phối hợp với sở, ban, ngành thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của thành phố đối với doanh nghiệp; chủ động đóng góp ý kiến vào các cơ chế, chính sách, đề án, quy hoạch của thành phố.
Thứ hai, các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, đột phá tư duy kinh doanh, theo đuổi đến cùng khát vọng làm giàu cho mình, cho thành phố. Các doanh nghiệp cần có sự liên kết nhằm gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động, có ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thứ ba, đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, mỗi doanh nghiệp cùng đồng hành với chính quyền thành phố trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, tiếp cận công nghệ tiên tiến... vừa đồng thời là doanh nghiệp xúc tiến, nhất là xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trọng điểm, công nghệ cao.
Thứ tư, chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, nghiêm túc tuân thủ theo quy định pháp luật, không tạo ra chi phí không chính thức và không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà tạo ra tiêu cực, tham nhũng.
Như cha ông ta đã nói: Dân cường thì nước thịnh. Một thành phố không thể phát triển giàu đẹp nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Chính vì vậy, Đà Nẵng luôn xác định: thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố. Một lần nữa, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành, sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, tạo nên sản phẩm chứa đựng hàm lượng chất xám và tạo giá trị gia tăng cao. Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm đến, trở thành động lực quan trọng thực hiện ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng. Chúng ta hãy cùng đồng sức, đồng lòng vì một “Đà Nẵng với chuẩn mực toàn cầu, thân thiện và tiên phong”.
Nhân dịp này, xin được gửi lời chúc đến các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố một năm mới thịnh vượng, nhiều cơ hội mới, nhiều thành công mới; mong quý vị tiếp tục chọn Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu”, bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn.
"Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm đến, trở thành động lực quan trọng thực hiện ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng”. |
(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt