Nhiều năm nay, cùng với các nghề làm bánh, nấu ăn, trồng rau sạch…, công việc đan lồng lưới nuôi thủy sản đã góp phần cải thiện đời sống phụ nữ vùng ven thành phố.
Phụ nữ là công nhân, sinh viên học cách làm lồng lưới để tăng thu nhập. |
Đan lồng lưới hiện là nghề được nhiều phụ nữ vùng ven lựa chọn, trong đó có người theo nghề hơn 15 năm. Chị Trần Thị Lộc (tổ 34, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho biết, năm 1998, chị nhận gia công lồng lưới cho một công ty sản xuất lưới xuất khẩu tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm trên địa bàn quận.
5 năm trở lại đây, công việc ngày càng thuận lợi hơn khi chị nhận khá nhiều đơn hàng từ Công ty Sasaki Shoko (thuộc KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam). Nhiều phụ nữ trong khu vực thấy công việc đan lồng lưới nhẹ nhàng mà thu nhập khá nên cũng muốn học nghề và nhận nguyên liệu về làm.
Từ đó, sau khi nhận nguyên liệu của công ty, chị Lộc phân phát lại cho các chị em khác mang về nhà gia công. Xong thành phẩm, mọi người lại tập kết hàng ở nhà chị Lộc để công ty đến nhận và giao thêm nguyên liệu mới.
Lồng lưới có nhiều loại, dùng để nuôi trai lấy ngọc hoặc nuôi một số thủy sản khác. Tiền công cho mỗi loại lồng cũng khác nhau, dao động từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/cái. Trung bình mỗi ngày, một thợ lành nghề có thể kiếm được 100.000 đồng từ việc đan lồng lưới.
“Khi mới vào nghề cũng có nhiều khó khăn do đòi hỏi từ phía doanh nghiệp khá khắc khe ở từng công đoạn. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, họ lập tức trả về. Vì thế, những chị có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn người mới vào nghề để chị em ai cũng làm tốt. Đến nay, nghề này đã mang lại cho gia đình tôi cuộc sống khá giả, tôi có điều kiện nuôi con cái ăn học đầy đủ”, chị Lộc chia sẻ.
Mô hình đan lồng lưới có ưu điểm là có thể làm tại nhà, linh động được thời gian và không đòi hỏi nhiều về sức khỏe. Vì thế, nhiều gia đình có đến 3 - 4 người đan lồng lưới. Chị Lê Thị Nghiệp (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho biết, công việc chính của chị là làm cán bộ ở phường, buổi trưa hoặc tối rảnh rỗi thì đan lồng lưới để tăng thu nhập. Con gái chị cũng vừa ở nhà chăm con mọn vừa tranh thủ làm lồng lưới.
Chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây chia sẻ, là địa phương nằm trong vùng chỉnh trang, quy hoạch đô thị nên quận Cẩm Lệ chịu tác động của quá trình đô thị hóa. Việc mất đất sản xuất nông nghiệp khiến nhiều chị em phải chuyển đổi ngành nghề và khó tìm kiếm việc làm ổn định. Mô hình đan lồng lưới được xem là giải pháp về lao động để cải thiện thu nhập.
Chỉ riêng địa bàn phường Hòa Thọ Tây đã giải quyết việc làm cho trên 30 chị lớn tuổi, phụ nữ khó tìm kiếm việc làm với mức thu nhập bình quân mỗi chị từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho biết, mô hình này xuất hiện trên địa bàn thôn Cẩm Toại Đông thời gian gần đây nhưng thu hút được 25 chị tham gia với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, Hội đã vận động các chị em ở thôn khác đến học cách làm và nhận nguyên liệu về gia công tăng thu nhập.
Bài và ảnh: HÀ THU