Cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics

.

Sáng 16-4, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về “Logistics - Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.Ảnh: VGP

Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics.

Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm:

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.

Thủ tướng giao Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị, đưa vào nội dung chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2015-2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014-2015 và tăng 29 bậc so với vị trí 96 giai đoạn 2010-2011.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông trong nước vẫn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt.

Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối; việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, nhất là vận tải đa phương thức.

Đây là những rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm.

Phương Uyên

;
.
.
.
.
.
.