Hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, huyện Hòa Vang tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố hoàn thiện quy hoạch hạ tầng nông thôn, phát triển các mô hình kinh tế, thúc đẩy thu hút đầu tư để phát triển khu vực phía Tây của thành phố.
Huyện Hòa Vang hỗ trợ mô hình sản xuất hoa treo ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cơ chế đặc thù để phát triển Hòa Vang theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU. Trên cơ sở đó, 2 bên cùng xây dựng cơ chế, chính sách phát triển Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo trình UBND thành phố phê duyệt.
Trong đó, có cơ chế điều tiết nguồn thu cho huyện Hòa Vang bảo đảm thu ngân sách tăng ít nhất 15% so với dự toán giao để tăng dần tính tự chủ ngân sách, phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện tự chủ được 40% ngân sách. Hiện nay, công tác quy hoạch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế được huyện và các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ.
“Đến nay, thành phố đã thống nhất chọn 7 địa điểm phát triển vùng công nghệ cao. Đồng thời, phê duyệt ranh giới 2 địa điểm là khu chăn nuôi tập trung xã Hòa Khương, vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng công nghệ cao xã Hòa Khương và xã Hòa Phong. Đây là nền tảng quan trọng để địa phương thu hút các nhà đầu tư sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao cung ứng ra thị trường”, ông Trần Văn Trường cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, từ năm 2017 đến nay, huyện Hòa Vang chủ động đầu tư xây dựng và đưa vào sản xuất 2 mô hình nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh và Hòa Phú. Cùng với đó, đầu tư 1 mô hình trồng thủy canh tại mô hình nhà kính diện tích 1.000 m2 ở xã Hòa Ninh.
Tổng kinh phí đầu tư 7,14 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,8 tỷ đồng, nhân dân đối ứng kinh phí 4,34 tỷ đồng. Các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, với sản lượng rau, củ, quả…khoảng 540 tấn/năm, doanh thu khoảng 1,1 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, huyện tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap; phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và tiếp tục thực hiện đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị. Tổng kinh phí đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2017 là 32,4 tỷ đồng.
Ông Đặng Phú Hành cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, sản phẩm đa dạng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên lĩnh vực nông nghiệp. Đây là giải pháp hiệu quả giúp người nông dân thay đổi nhận thức và phương pháp sản xuất nông nghiệp hiện đại để tăng thu nhập trên cùng một diện tích.
“Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Hòa Vang gần 40 triệu đồng/người/năm, huyện phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm như Nghị quyết số 03-NQ/TU đề ra”, ông Đặng Phú Hành nhấn mạnh.
Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, huyện phối hợp với sở, ngành thành phố công bố quy hoạch khu du lịch khe Răm, xã Hòa Bắc, đồng thời thực hiện kết nối tour du lịch cộng đồng văn hóa Cơ tu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.
Cùng với đó, địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơtu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc; hình thành tour du lịch đường sông từ Túy Loan đi ngược lên các xã miền núi để khai thác thắng cảnh vùng sông nước từ đồng bằng đến miền núi. Huyện đang xúc tiến kêu gọi đầu tư các siêu thị trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách tham quan.
Theo ông Bùi Nam Dũng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Hòa Vang rà soát và thực hiện chuyển đổi một số rừng kinh tế kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phục vụ đô thị và hình thành các điểm dịch vụ du lịch kết nối với các khu du lịch trên địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh…
“Huyện kiến nghị thành phố cho cơ chế chủ động thực hiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 5 héc-ta để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng từ 3 - 4 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Hòa Vang theo chương trình quốc gia mỗi xã hình hành một sản phẩm nông nghiệp chủ lực”, ông Bùi Nam Dũng cho biết thêm.
DIỆU MINH