Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên kịch trần (4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu) tại tờ trình về dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vừa được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi ni-lông cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng/tùy loại. Trước thông tin trên, nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu… khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng. |
Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền: Tăng áp lực về chi phí cho doanh nghiệp
Việc đề xuất tăng thuế xăng, dầu lên mức kịch khung khiến các DN vận tải như chúng tôi phải chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ, trong khi đã chịu rất nhiều thuế, phí như: phí bảo trì đường bộ, phí BOT, bảo hành xe hằng năm... Với mức thuế tăng lên như thế này, chúng tôi phải tăng giá thành vận chuyển để bù đắp vào chi phí, từ đó sẽ làm giảm tính cạnh tranh với các DN khác. Nếu không khéo “vun vén” là rất dễ thua lỗ.
Ngoài ra, không chỉ DN mà khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí, bởi giá thành nhiên liệu chiếm 30-40% giá thành vận chuyển. Theo tôi, Nhà nước cần xem xét giảm bớt thuế, phí môi trường để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa. Đồng thời, cũng cần xem xét nguồn thuế môi trường này có thực sự đem lại hiệu quả cải thiện môi trường hay chưa?
Ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc Công ty Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng: Thắt chặt chi tiêu, chống tham nhũng thay vì liên tục tăng thuế
Tôi theo dõi trên phương tiện truyền thông đại chúng thấy đại đa số người dân, DN nghiệp không ủng hộ việc đề xuất tăng thuế môi trường mặt hàng xăng, dầu. Tôi nghĩ, Bộ Tài chính cần xem xét lại vấn đề này. Việc tăng thuế môi trường của mặt hàng xăng lên 4.000 đồng/lít, dầu lên 2.000 đồng/lít thì cả năm thu được 15.200 tỷ đồng. Nhưng, nếu làm một bài toán khác khi giảm 10% biên chế thì sẽ tiết kiệm được 1 năm hàng chục ngàn tỷ đồng.
Xăng dầu vốn là mặt hàng “đầu vào” của hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh nên khi mức thuế của mặt hàng này tăng lên thì chi phí của DN cũng tăng lên, làm giảm lợi nhuận, làm giảm sức hấp dẫn của các nhà sản xuất, ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư... Chưa nói việc tăng thuế xăng, dầu sẽ gia tăng lạm phát với những hậu quả rất khó lường, sẽ khiến cho nền kinh tế giảm sức cạnh tranh, dẫn tới nguồn thu thuế giảm sút trong tương lai. Bộ Tài chính cần xem xét cải cách nguồn thu bằng cách chống thất thu, mở rộng cơ sở thu và đặc biệt đưa ra các giải pháp thắt chặt chi tiêu, đảm bảo hợp lý thay vì liên tục tăng các sắc thuế như thời gian qua.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng (người dân ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu): Người dân chịu nhiều áp lực về thuế trong khi lương, thu nhập còn quá thấp
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí, lao động làm công ăn lương còn rất thấp, chưa bảo đảm cuộc sống, trong khi đó phải “gánh” thêm nhiều chi phí khác. Thời gian qua, Bộ Tài chính liên tục đề xuất tăng thuế khiến tôi rất lo lắng vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh nên khi tăng thuế sẽ dẫn tới hàng loạt mặt hàng tăng theo, cuối cùng người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Nếu thuế tiếp tục tăng như thế này thì liệu mục tiêu chiến lược cải cách tiền lương mà Quốc hội đang xem xét có còn ý nghĩa hay không?
Bà Nguyễn Thị Mai (tiểu thương ở chợ Mới, quận Hải Châu): Phải tiết kiệm từng đồng thuế của dân
Theo tôi, nên làm tốt công tác chống tham nhũng, tiết kiệm từng đồng thuế của dân thay vì liên tục tăng thuế. Chồng tôi là lái xe ôm, tôi chỉ buôn bán nhỏ ở chợ, một ngày lời không được bao nhiêu. Xăng tăng bắt buộc giá xe ôm cũng tăng lên trong khi hiện nay phải cạnh tranh với các dịch vụ khác như grab, taxi. Bên cạnh đó, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc tăng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng nylon từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg là quá cao. Tôi cũng muốn biết được liệu tiền thuế này có được sử dụng đúng mục đích và có kết quả như mong muốn hay không?
MẪU ĐƠN thực hiện