Hầm chui sao mãi ngập nước?

.

Một trong những câu chuyện được bàn tán khá rôm rả trong dư luận thành phố thời gian qua là việc hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương hai lần bị ngập nước sau gần nửa năm thông xe kỹ thuật. Đây là công trình với tổng vốn đầu tư hơn 118 tỷ đồng, được đốc thúc hoàn thành trước thời hạn để chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017.

Đây cũng là công trình thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới - WB).

Như Báo Đà Nẵng thông tin, lần thứ nhất vào ngày 19-3-2018, mặc dù thời tiết không có mưa, nhưng hầm chui này đã bất ngờ bị ngập nước khiến các phương tiện lưu thông qua hầm bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc hầm bị ngập nước là do sự cố máy bơm và đã được khắc phục.

Tiếp đến, rạng sáng 30-4, hầm chui này lại ngập sâu trong nước. Nhiều người dân cho biết, lúc đỉnh điểm mực nước sâu nhất cao gần 1m, các phương tiện không thể qua lại. Nhiều phương tiện lỡ đi vào hầm đã bị chết máy phải huy động người và xe tải kéo lên.

Nguyên nhân mà lãnh đạo Ban quản lý nêu ra, cho cả hai sự cố, liên quan đến hệ thống máy bơm. Tuy nhiên, với sự cố ngập nước ngày 19-3, nhà thầu tư vấn giám sát công trình hầm chui là Liên danh Công ty Getinsa Ingenieria (Tây Ban Nha) - SCE (Pháp) đã tiến hành rà soát, kiểm tra và đưa ra kết luận về nguyên nhân sự cố là đáy hố thu bị rò rỉ, gây ra việc nước ngầm tràn vào hố thu...

Do đó, đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến hành rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ rò rỉ nước trong hố thu, đánh dấu vị trí bị rò rỉ, lập và trình cho tư vấn giám sát biện pháp xử lý việc rò rỉ nước trong hố thu.

Tư vấn giám sát cũng yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến hành kiểm tra, cài đặt lại hệ thống bơm nước tự động, bảo đảm hệ thống bơm nước luôn sẵn sàng hoạt động khi xảy ra sự cố mất điện lưới. Nhưng sau đó, ngày 30-4, sự cố lại tiếp tục xảy ra với nguyên nhân là quên đóng nguồn điện máy bơm!

Dư luận người dân bày tỏ ý kiến, không thể chấp nhận một công trình được thiết kế quy mô vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép, có giá trị lớn, chịu được động đất cấp 7; vừa là bộ mặt và là nút giao thông huyết mạch của thành phố lại liên tục bị sự cố như vậy.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc cần đánh giá lại năng lực và trách nhiệm đối với công tác khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công và quản lý dự án. Nhất là cần làm rõ vấn đề để người dân không nghi ngờ, mất niềm tin. Mặt khác, đây là công trình sử dụng nguồn vốn vay của WB nên càng phải minh bạch bởi chúng ta hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ODA...”, kỹ sư cầu đường Phan Nhật Trường nêu ý kiến.  

Trước sự việc trên, UBND thành phố mới đây đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý, liên danh nhà thầu thi công nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để xảy ra tình trạng ngập nước tại hầm chui. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thành công tác lắp đặt để vận hành, nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống bơm chính thức theo cam kết.

Trong thời gian chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, nhà thầu phải cử người túc trực theo dõi hệ thống bơm 24/24 giờ. UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục tập trung theo dõi việc triển khai thi công các hạng mục còn lại, kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý chất lượng, nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình theo đúng yêu cầu kỹ thuật và các quy định hiện hành.

Không chỉ chính quyền, mà cả người dân luôn mong muốn công khai trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố tại công trình này cũng như hướng khắc phục cụ thể, để công trình phát huy hiệu quả.

Phương Uyên

;
.
.
.
.
.
.