Quản lý nhà, đất công của các hội, hiệp hội: Sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng

.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều hội, liên hiệp hội đang quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước với diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông. Trong đó, nhiều nơi chỉ là trụ sở hoạt động đơn thuần, nhưng một số địa điểm lại kết hợp với kinh doanh dịch vụ.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng của thành phố đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các nhà, đất công do các hội quản lý, sử dụng nhằm tránh gây lãng phí tài sản cho Nhà nước.

Trụ sở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố (209 Dũng Sĩ Thanh Khê) thuộc danh sách 25 nhà, đất công sản sẽ được rà soát. 
Trụ sở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố (209 Dũng Sĩ Thanh Khê) thuộc danh sách 25 nhà, đất công sản sẽ được rà soát. 

Sở Xây dựng thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng có tổng cộng 25 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do các hội quản lý, sử dụng với tổng diện tích nhà 24.417,55m2 và tổng diện tích đất 32.065,42m2 được kiểm tra, rà soát lại từ ngày 23-4 đến 31-5.

 Cụ thể, quận Hải Châu (16), quận Thanh Khê (2), quận Sơn Trà (1), quận Liên Chiểu (1), quận Ngũ Hành Sơn (1), quận Cẩm Lệ (1), huyện Hòa Vang (3). Theo Sở Xây dựng thành phố, việc tiến hành kiểm tra các nhà, đất công do các hội đang quản lý, sử dụng để hướng đến bố trí các đơn vị vào chung một điểm nhằm ưu tiên quỹ đất cho mục đích công cộng, xây dựng các bãi đậu, đỗ xe công cộng…

Thực tế, có những hội có diện tích đất và nhà khá lớn (với 3 địa điểm) như Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (số 411 Phan Châu Trinh; 1.034m2 nhà, 767,79m2 đất); (số 26C Chu Văn An (3.998,6m2 nhà, 891,1m2 đất); (số 209 Dũng Sĩ Thanh Khê 3.700m2); Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (số 1 Pasteur; 2.426,2m2 nhà, 2.080m2 đất)…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2005, căn nhà 3 tầng ở số 425 Hoàng Diệu trở thành địa chỉ lui tới của hơn 80 hội viên Hội Người mù quận Hải Châu. Hằng tháng, các hội viên dành ra một ngày để cùng sinh hoạt tại hội trường tầng 3 (diện tích gần 40m2) của căn nhà. Đây cũng là nơi tổ chức các lớp dạy chữ nổi, dạy cách xác định phương hướng cho người mù.

Theo ông Huỳnh Thọ, Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hải Châu, khoảng không gian này khá chật so với số thành viên và các hoạt động của Hội. Cũng từ năm 2005, Hội thành lập một cơ sở massage đặt tại cùng địa chỉ trên và tạo việc làm cho khoảng 20 lao động.

Toàn bộ doanh thu được dùng để chi trả cho hoạt động của Hội và chăm sóc cho các hội viên. Thời gian gần đây, một phần doanh thu còn được dùng để đào tạo nghề cho các hội viên từng lang thang bán hàng rong, theo chủ trương về văn hóa, văn minh đô thị của thành phố.

“Hằng năm, UBND quận Hải Châu đều đến cơ sở này để kiểm tra. Chúng tôi cũng được tạo điều kiện để sử dụng doanh thu từ việc lao động của mình để phục vụ cho Hội và không phải đóng thuế”, ông Thọ nói.

Tọa lạc tại số 209 Dũng Sĩ Thanh Khê từ năm 1993, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố là mái ấm của 120 trẻ mồ côi của Đà Nẵng và Quảng Nam. Với diện tích gần 3.700m2, Trung tâm xây dựng chủ yếu các công trình phòng học, sân chơi, ký túc xá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Trung tâm cho hay, hiện ông vẫn chưa nhận được thông báo về kiểm tra, rà soát trụ sở của thành phố; song, ông khẳng định sẽ tích cực hợp tác với đoàn kiểm tra để thực hiện chủ trương chung.

Trước năm 2018, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố được bố trí hai nơi làm việc gồm số 71 đường Trần Phú và nhà số K54/10 đường Ông Ích Khiêm, trong đó nhà số 71 đường Trần Phú ở mặt tiền được Liên hiệp hội sử dụng làm tòa soạn Tạp chí Non Nước.

Từ đầu năm 2018, Liên hiệp hội đã bàn giao nhà ở 71 Trần Phú lại cho thành phố để sử dụng vào mục đích công vụ khác. Hiện nay, chỉ còn lại trụ sở ở K54/10 đường Ông Ích Khiêm là nơi làm việc của cả 9 hội chuyên ngành và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật. Nơi đây đặt tòa soạn của Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng và văn phòng làm việc hằng ngày của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Liên hiệp hội.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố nhìn nhận, do diện tích nơi đây quá nhỏ hẹp, lại nằm sâu trong kiệt hẻm nên mấy năm trước lãnh đạo thành phố đã có văn bản cho chuyển đổi đến địa điểm khác, nhưng hội chưa chọn được địa điểm mới phù hợp với hoạt động đặc thù của giới văn nghệ sĩ.

Ngoài ra, địa chỉ này chứa đựng “giá trị lịch sử văn hóa” với những ký ức, gắn bó với văn nghệ sĩ đất Quảng từ vùng giải phóng trở về với những tên tuổi như Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Hồ Hải Học… Theo ông Tiếng, đây còn là một công trình kiến trúc đẹp do KTS Ngô Viết Thụ, tác giả của công trình kiến trúc Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất thiết kế.

Về việc thành phố kiểm tra, sắp xếp lại nhà, đất công thuộc quản lý của các hội nhằm xây dựng các công trình công cộng, bãi đậu, đỗ xe công cộng..., ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Nếu thành phố cần quỹ đất của trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố hiện nay để xây dựng một công trình công cộng phù hợp, có ích cho dân sinh và đúng với quy hoạch đô thị hơn thì tôi nghĩ văn nghệ sĩ Đà Nẵng cũng dễ đồng tình.

Có điều với thực trạng quản lý và sử dụng nhà công sản ở Đà Nẵng mấy chục năm qua đang rất bất cập, bị chi phối bởi giới đầu cơ, nhóm lợi ích, tôi nghĩ cần hết sức thận trọng. Thứ nhất là thu hồi thì dễ, nhưng sắp xếp “tái định cư” cho các Hội như thế nào là cả một vấn đề.

Thứ hai là triệt phá để xây công trình mới thì dễ, nhưng không khéo lại góp phần hủy diệt di sản văn hóa lịch sử mà bài học liên quan đến trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vẫn đang rất thời sự nhãn tiền”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thọ, Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hải Châu bày tỏ: “Thực tế, người khiếm thị có những đặc điểm sinh hoạt khác với người bình thường, thậm chí cũng khác với những người mang dạng khuyết tật khác.

Họ phải có lối đi riêng, công cụ làm việc riêng. Khi hoạt động, họ cũng không tránh khỏi va chạm với người khác. Tôi nghĩ nếu gộp các hiệp hội vào một địa điểm sẽ khó khăn cho người khiếm thị. Chúng tôi thật sự vẫn mong muốn được giữ trụ sở hiện tại, vốn đã quen thuộc với các hội viên hơn”.

" Theo tôi, việc kiểm tra, sắp xếp lại nhà, đất công không chỉ nên tiến hành đối với công sản thuộc các hội mà nên tiến hành đối với cả công sản thuộc quản lý của các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ở câu chuyện này cũng không nên có vùng cấm. Điều quan trọng nhất là phải coi trọng công tác tư tưởng trên cơ sở công khai, minh bạch và nhất là trên cơ sở bảo đảm việc chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại phải đi đôi với việc lưu giữ ký ức, hồn cốt của thành phố”

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng

Bài và ảnh: Khánh Hòa - Khang Ninh

;
.
.
.
.
.
.