Chấn chỉnh "tour 0 đồng"

.

Loại hình tour du lịch giá rẻ (hay thường gọi là “tour 0 đồng”) xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố. Vấn đề này đặt ra bài toán cấp thiết cho công tác quản lý nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, không gây thất thu lớn cho địa phương.

Cần tăng cường công tác quản lý để bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh. TRONG ẢNH: Du khách tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. 					Ảnh: KHÁNH HÒA
Cần tăng cường công tác quản lý để bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh. TRONG ẢNH: Du khách tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KHÁNH HÒA

“Tour 0 đồng” hoạt động theo hình thức các công ty lữ hành nước ngoài (hiện chủ yếu là của Trung Quốc và Hàn Quốc) nhận khách đi du lịch đến Việt Nam với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, sau đó bán lại cho doanh nghiệp (DN) lữ hành Việt Nam.

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, khách được đưa vào nội địa buộc phải qua các trung tâm thương mại riêng biệt, thậm chí khép kín và mua hàng với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Các DN lữ hành nội sẽ nhận được tiền hoa hồng từ các cửa hàng vì “có công đưa khách đến”. Như vậy, ngành du lịch và các địa phương xuất hiện “tour giá rẻ” hầu như không khai thác được nhiều nguồn thu từ hình thức kinh doanh này.

Theo Sở Du lịch thành phố, Hàn Quốc và Trung Quốc với lợi thế thị trường khách lớn, có sự cạnh tranh khốc liệt về giá để thu hút khách, việc khai thác “tour giá rẻ” là tình trạng chung của nhiều điểm đến tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Đặc thù của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ du khách để thu lợi nhuận bù vào chi phí tổ chức “tour giá rẻ”, có sự thỏa thuận ngầm giữa DN lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở mua sắm.

Chính sự tăng trưởng nóng của 2 thị trường này, nhất là xu hướng kinh doanh “tour giá rẻ”, đã phát sinh một số vấn đề bất cập như: một số DN lữ hành cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá dẫn đến giảm sút chất lượng dịch vụ, có dấu hiệu tiếp tay cho người nước ngoài kinh doanh du lịch trái pháp luật, sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài thuyết minh xuyên tạc lịch sử, một số cửa hàng kinh doanh khép kín cố tình trốn thuế… gây khó khăn trong công tác quản lý.

Trong khi đó, hoạt động của Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, các câu lạc bộ khai thác khách thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc còn hạn chế, chưa kết nối được các DN để bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh; sự phối hợp của các sở, ngành trong công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài tại DN chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc khai báo tạm trú, hoạt động trái phép.

Một số cơ sở buôn bán hàng hóa không rõ xuất xứ, kém chất lượng bán với giá cao, giao dịch ngoại tệ trái phép, gây thất thu ngân sách Nhà nước; các quận, huyện thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn làm công tác du lịch, chưa thông thạo ngoại ngữ... dẫn đến khó khăn trong tham mưu công tác quản lý.

Khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, đặt ra bài toán nâng cao công tác quản lý cho các cơ quan chức năng. Trong ảnh: Một đoàn khách Trung Quốc tham quan Thành Điện Hải.
Khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, đặt ra bài toán nâng cao công tác quản lý cho các cơ quan chức năng. Trong ảnh: Một đoàn khách Trung Quốc tham quan Thành Điện Hải.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, “tour giá rẻ” đặt ra thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước.

Trong xu thế hội nhập, tự do thương mại như hiện nay, thành phố không thể đóng cửa cấm khách, chỉ có giải pháp căn cơ nhất là làm sao tìm ra biện pháp quản lý tốt, đối với những trường hợp vi phạm (nhất là về hướng dẫn viên dùng thẻ giả, thuyết minh xuyên tạc lịch sử Việt Nam) cần phạt nặng để răn đe.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt các cửa hàng kinh doanh, trung tâm mua sắm tập trung nhiều khách nước ngoài nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng trốn thuế, gây thất thu ngân sách…

Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Toàn bày tỏ: “Quan điểm của người kinh doanh du lịch như chúng tôi là không từ chối khách, nhưng vấn đề phải quản lý như thế nào cho hợp lý để nâng khả năng chi tiêu của khách mà địa phương không thất thu thuế.

Muốn vậy, theo tôi, cơ quan Thuế phối hợp với các ngành chức năng phải áp dụng công nghệ vào công tác quản lý thuế. Đừng nghĩ đến chuyện cấm cản mà hãy nghĩ làm sao tăng cường công tác quản lý cho hiệu quả”.

Trước đó, năm 2017, liên quan đến hoạt động của “tour giá rẻ”, Tổ phản ứng nhanh do Sở Du lịch chủ trì đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh phục vụ mua sắm của khách du lịch, phát hiện những vi phạm về việc trao đổi ngoại tệ, sử dụng lao động người nước ngoài trái phép, bán hàng không xuất hóa đơn... giao cơ quan chức năng xử phạt hơn 167 triệu đồng, yêu cầu xuất hóa đơn GTGT doanh thu chưa thuế với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Cục Thuế Đà Nẵng lập danh sách 140 nhà hàng ăn uống, 57 khách sạn và các đơn vị kinh doanh lữ hành có rủi ro cao về thuế vào diện thường xuyên giám sát. Qua kiểm tra 43/46 đơn vị DN hoạt động ở lĩnh vực du lịch - dịch vụ, xử lý vi phạm 37 đơn vị với số thuế truy thu và phạt hơn 3,4 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 6,5 tỷ đồng...

Quận Sơn Trà là địa bàn có đông khách du lịch trong và ngoài nước đến lưu trú với 254 khách sạn, nhà nghỉ; 252 nhà hàng và có một số cơ sở kinh doanh theo dạng tour du lịch “giá rẻ”. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nhìn nhận:

“Các cơ sở kinh doanh rất lớn, bán hàng cho khách nước ngoài có khi bán với giá cao gấp 5-10 lần, nhưng biện pháp xử lý rất khó. Hiện chúng tôi đã tổ chức đoàn đi kiểm tra và xử phạt nghiêm nếu phát hiện ra sai phạm, chủ yếu là các vi phạm về bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, lưu trú… còn giải pháp lâu dài thì phải chờ… thành phố”.

Trước xu thế xuất hiện ngày càng nhiều các “tour giá rẻ”, ngày 7-6-2018, UBND thành phố đã có Văn bản số 4248/UBND-KGVX giao Sở Du lịch tiến hành việc rà soát về hoạt động của các tour du lịch giá rẻ (tour không đồng).

Trên cơ sở đó, đánh giá tác động của loại hình kinh doanh này đối với kinh tế của thành phố, cụ thể về chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của du khách, nguồn thu cho địa phương, tham mưu cho thành phố trong việc quản lý vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tại, sở đang triển khai việc rà soát, kiểm tra, đánh giá về “tour giá rẻ”; để qua đó, đề xuất một số giải pháp để nâng cao công tác quản lý, bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh như: tập trung khai thác sản phẩm chất lượng cao; ưu tiên đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao.

Mặt khác, sở triển khai chiến lược xúc tiến mở rộng thị trường khách Đông Bắc Á, Úc, Ấn Độ, Nga, Tây Âu... để đa dạng nguồn khách, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đồng thời, sở triển khai hoạt động đại diện của Sở Du lịch tại Hàn Quốc và thiết lập đại diện tại Nhật Bản và Trung Quốc; nghiên cứu mở đại diện du lịch ở châu Âu; thuê đơn vị tư vấn để tổ chức khảo sát thực trạng hoạt động của các DN du lịch trên địa bàn; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đơn vị làm du lịch...

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.
.