Chống thất thu thuế: Cần sự phối hợp đồng bộ

.

Sáng 13-6, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương về triển khai Đề án “Chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực có rủi ro cao”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên đề nghị cả hệ thống chính trị từ thành phố tới phường, xã phải vào cuộc quyết liệt đối với công tác chống thất thu thuế; đồng thời chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến công tác chống thất thu thuế chưa đem lại hiệu quả cao, đó là còn xảy ra tình trạng “cát cứ địa bàn”, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, đơn vị liên quan.

Cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương trong việc chống thất thu thuế. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương trong việc chống thất thu thuế. Ảnh: KHÁNH HÒA

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 6 tháng đầu năm nay nổi lên những vấn đề đáng chú ý như: nhiều hộ kinh doanh có vốn lớn, số lao động trên 10 người nhưng các địa phương, các chi cục thuế không hướng dẫn và tuyên truyền họ chuyển lên doanh nghiệp (DN).

Những hộ kinh doanh này có doanh thu lớn, nhưng số thuế nộp vào ngân sách Nhà nước không bao nhiêu. Hay trường hợp, một người đứng ra thành lập 5-6 DN, chỉ sau 1-2 thương vụ làm ăn lại tuyên bố phá sản.

Hoặc một cá nhân Việt Nam kê khai số vốn thành lập DN rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng đại diện trước pháp luật cho DN lại là người nước ngoài…

“Đây là những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của DN mà Phòng Đăng ký kinh doanh nhận thấy. Tuy nhiên, chúng tôi chưa được cơ quan Thuế, Hải quan cung cấp các tiêu chí cụ thể, mang tính nghiệp vụ chuyên sâu để nhận diện rõ hơn những DN nằm trong diện rủi ro cao, cần kiểm soát chặt chẽ và trên cơ sở đó sẽ lập danh sách, gửi cơ quan Thuế, Hải quan nhằm quản lý tốt hơn”, bà Nguyệt cho hay.

Ở khía cạnh khác, theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch, hiện nay, lĩnh vực du lịch được nhìn nhận còn thất thu lớn, nhưng một mình Sở Du lịch không thể chống thất thu được mà cần sự phối hợp của các đơn vị như Sở Công thương, Công an, chính quyền các địa acphương. Ông Cường chỉ rõ:

“Thời gian qua, Sở Du lịch phối hợp thường xuyên với cơ quan Thuế để chống thất thu thuế, nhất là ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lưu trú. Tôi đơn cử, hoạt động lữ hành chỉ là đối tượng “thu hộ, chi hộ”, bởi lẽ từ lữ hành sẽ bóc tách ra được nguồn thu của các nhà hàng, khách sạn, vận tải, cửa hàng mua sắm…”.

Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận tải… Ảnh: Khánh Hòa
Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận tải… Ảnh: Khánh Hòa

Một vấn đề nổi bật nữa gây thất thu lớn, đó là việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn có liên quan đến đất đai, bất động sản. Cơ quan Thuế đề xuất Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), các văn phòng công chứng (thuộc diện quản lý của Sở Tư pháp), văn phòng đăng ký đất đai, Sở Kế hoạch-Đầu tư cung cấp danh sách các dự án có dấu hiệu chuyển nhượng để có cơ sở giám sát, quản lý.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, sở đã đề nghị các văn phòng đăng ký đất đai kiên quyết không xử lý hồ sơ đối với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản, nhưng thuế thu nhập DN chỉ bằng 0 hoặc có mức bán ra thấp hơn bảng giá đất đã quy định.

Riêng đối với trường hợp chuyển nhượng nhà ở duy nhất theo quy định sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm bằng cách phạt thuế tăng gấp 2-3 lần.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong phối hợp triển khai công tác chống thất thu thuế; nhất là khi Đề án “Chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực rủi ro cao” được ban hành, thực hiện trong 3 năm 2018-2020.

Phó Chủ tịch Trần Văn Miên cảnh báo, hiện nay, thất thu thuế diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, từ nhà hàng, khách sạn, bất động sản, vận tải, xây dựng…; trong khi đó, kết quả chống thất thu chưa thực sự như mong muốn.

Vẫn còn tình trạng các quận, huyện, sở, ngành thiếu chia sẻ, cung cấp thông tin với nhau. Vì vậy, cần chia sẻ thông tin, công khai về doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn, kể cả những đơn vị nộp thuế ở địa phương khác. Trong đề án đã phân công cụ thể cho từng ngành, địa phương; vì vậy cần triển khai quyết liệt nhằm tạo ra sự tác động mạnh mẽ đến người nộp thuế...

“Văn bản ban hành đã nhiều rồi, giờ chỉ còn thực hiện cho hiệu quả thôi. Các sở, ban, ngành và địa phương phải chia sẻ thông tin cho nhau, nhất là với cơ quan thuế, để có cơ sở kiểm tra, kiểm soát.

Chống thất thu là nhiệm vụ chung của cả thành phố, không còn khoảng cách giữa các quận, huyện, sở, ngành nữa. Hiện nay, thất thu thuế bất động sản quá lớn, thậm chí có trường hợp trốn thuế một cách trắng trợn; trong khi đó, chúng ta điều chỉnh bảng giá đất quá chậm.

Điều chỉnh giá đất này không ảnh hưởng đến người dân, vì sắc thuế đất phi nông nghiệp đã ổn định đến năm 2020 rồi. Điều chỉnh phải sát với giá thị trường để bớt thất thu, ít nhất phải đạt 80% so với mặt bằng giá thị trường”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên nhấn mạnh.

Tổng thu ngân sách nội địa của thành phố trong 5 tháng đạt thấp, tính đến ngày 31-5 mới đạt khoảng 50% (nếu trừ số thu từ đất, chỉ đạt khoảng 48%), trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt 55%. Tốc độ tăng trưởng ước 6 tháng đầu năm chưa tới 15%, trong khi theo yêu cầu phải tăng 23,8% mới bảo đảm việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nội địa năm 2018.

Đặc biệt, nguồn thu của thành phố đối mặt với hụt thu trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, các nguồn thu đạt thấp so với cùng kỳ như nguồn thu từ DN vốn đầu tư nước ngoài mới đạt 37% (chỉ tiêu giao năm 2018 là 6.000 tỷ đồng), khu vực ngoài quốc doanh mới đạt 29,2%, thuế bảo vệ môi trường mới đạt khoảng 37% (dự toán giao 1.500 tỷ đồng)...

Bài và ảnh: Mẫu Đơn

;
.
.
.
.
.
.