Để tăng khả năng thu hút đầu tư, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, gắn chặt với các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư (NĐT).
Niwa Foundry Vietnam Co. Ltd - một trong những doanh nghiệp hoạt động đầu tiên ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thành Lân |
Giải quyết khó khăn về hạ tầng
Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp (DN) nêu hạn chế về môi trường đầu tư kinh doanh mà thành phố đang đối mặt, đó là hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) chưa đáp ứng được nhu cầu của NĐT. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết đất đai, mặt bằng, tiền thuê đất còn gặp nhiều trở ngại.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố cho rằng, Đà Nẵng cần có cơ chế cho DN đã thuê đất sản xuất trong KCN được nộp tiền đất một lần, thay vì thu hằng năm. Bởi lẽ, vừa qua, việc điều chỉnh tăng giá thuê đất quá cao, từ 12.600 đồng/m2 lên 23.000 đồng/m2/năm đã gây khó khăn cho DN. Hầu hết các DN muốn trả tiền một lần để ổn định lâu dài, yên tâm sản xuất.
Theo Ban quản lý các KCN và Khu chế xuất thành phố, một trong những khó khăn hiện nay là quỹ đất các KCN còn không nhiều, lại phân tán; kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, nhất là giao thông nội bộ; khoảng cách giữa các KCN với khu dân cư chưa phù hợp...
Các KCN mới chỉ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, hạ tầng xã hội. Phần lớn các dự án đầu tư vào KCN là các dự án có quy mô nhỏ; tổng vốn đầu tư không lớn; chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp.
Sau khi tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, ông Hiromi Sugiyama, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ CNTT Nhật Bản kiến nghị, thành phố Đà Nẵng cần xem xét khả năng cho thuê các khu đất có diện tích nhỏ hơn trong các KCN.
Ông Hiromi Sugiyama dẫn giải, hiện nay tại các KCN ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư có thể thuê đất diện tích nhỏ từ 3.000m2 và có thể bắt đầu đầu tư từ quy mô nhỏ. Đặc biệt, đối với các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, nếu được thuê đất với diện tích như vậy, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.
Một trở ngại khác là việc kết nối hạ tầng giao thông giữa Khu CNC đến trung tâm thành phố và các địa phương lân cận chưa hoàn thiện, chưa có tuyến xe buýt nối trung tâm. Nút giao thông khác mức giữa tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan với lối vào đường trung tâm Khu CNC còn ngổn ngang...
Hạ tầng quy hoạch phía tây bắc thành phố như các cơ sở giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí, trung tâm thương mại cũng chưa phát triển. Đây là những hạn chế khiến các NĐT nước ngoài còn băn khoăn khi “đặt” dự án lớn.
Hiện nay, Ban quản lý các KCN và Chế xuất thành phố đã triển khai công tác đánh giá và đề xuất kế hoạch đầu tư, hoàn thiện hạ tầng tại các KCN hiện hữu. Trên cơ sở đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng đến năm 2020, UBND thành phố đã phê duyệt sơ đồ ranh giới các KCN mới gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (125,14ha), KCN Hòa Nhơn (405,49ha) và KCN Hòa Ninh (400,02ha).
Ngoài ra, nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục các địa điểm đầu tư phù hợp để kêu gọi các dự án. Trong năm 2018, Sở Xây dựng sẽ hoàn chỉnh quy hoạch các khu đất ngoài các KCN, Khu CNC, quy hoạch chi tiết 1/500 đối với cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc.
Trong nhóm ngành dịch vụ, Đà Nẵng cũng tìm hướng kêu gọi NĐT với chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp.
Điển hình, DN được miễn 100% tiền thuê đất khi xây trường mầm non phục vụ cho con công nhân trong các KCN. Đây chính là tiền đề để thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong KCN. Ông Trần Văn Biên, Phó Trưởng BQL các KCN và Chế xuất cho hay, năm 2017, cơ sở thiết chế văn hóa đã hoàn thiện, NĐT được hỗ trợ chuyển đổi mục đích dự án, xây dựng trường mẫu giáo để phục vụ con em công nhân lao động. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu hạng mục công trình tại các KCN đạt trên 79 tỷ đồng.
Để giải quyết những vấn đề mà DN, NĐT đặt ra, thành phố đang gấp rút hoàn thiện môi trường đầu tư với sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các KCN; kiên quyết xử lý các vi phạm để bố trí cho các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Ban quản lý các KCN và Khu chế xuất thành phố phối hợp với các chủ đầu tư KCN rà soát quỹ đất chưa khai thác tại các KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm - giai đoạn 1 để tiếp tục xúc tiến đầu tư.
Ngoài ra, Ban quản lý không tiếp tục gia hạn, thu hồi đất và chấm dứt hoạt động đối với các dự án không triển khai, dự án gây ô nhiễm nhưng không thực hiện khắc phục, không có khả năng đầu tư xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Rà soát lại các dự án không còn năng lực sản xuất, có phương án cho chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư mới; công khai thông tin các lô đất trống trong các KCN lên website để các nhà đầu tư tham khảo, lựa chọn đầu tư.
Nỗ lực cải cách hành chính
Từ cuối năm 2017 đến nay, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành tiếp tục ban hành nhiều văn bản, qua đó đẩy mạnh cải cách TTHC hướng đến sự chuyên nghiệp và hiện đại hóa cao trong từng bộ phận; đặc biệt là cải cách TTHC toàn diện liên quan đến quá trình tiếp cận tìm hiểu đầu tư, triển khai dự án và hoạt động chính thức trên tất cả các lĩnh vực từ đầu tư, xây dụng, thuế, hải quan và các dịch vụ công khác. Theo đó, trong năm 2019, hoàn thành 100% thủ tục hồ sơ một cửa trực tuyến.
UBND thành phố chỉ đạo cắt giảm 25% tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các thủ tục cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động.
Theo đó, thời gian cấp mới/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, thời gian xử lý còn 8 ngày làm việc (theo quy định của Luật Đầu tư là 15 ngày). Đối với các dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố thì thời gian rút xuống còn 35 ngày so với 45 ngày như trong luật quy định…
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thành phố cho biết, đơn vị đã thực hiện rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện đối với các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản và dự thảo TTHC mới điều chỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của sở.
Đối với lĩnh vực đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản, sở trình dự thảo đề xuất phương án cắt giảm 20% thời gian làm thủ tục hành chính so với quy định cũ. Trong dự thảo này nêu rõ, thời hạn giải quyết của Sở KH-ĐT cũng như lãnh đạo UBND thành phố, qua đó nâng cao trách nhiệm, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong việc nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Đơn cử, đối với thủ tục thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thời hạn giải quyết là 17 ngày làm việc, trong đó thời hạn giải quyết tại Sở KH-ĐT là 12 ngày làm việc và của UBND thành phố là 5 ngày làm việc; đối với việc thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thời hạn giải quyết trong vòng 22 ngày làm việc, trong đó thời hạn giải quyết tại sở là 12 ngày làm việc và tại UBND thành phố là 10 ngày làm việc.
Theo Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố, việc cắt giảm thời gian thực hiện TTHC sẽ góp phần quan trọng, giúp dự án của NĐT nhanh chóng được triển khai; đồng thời, tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng trong quá trình làm việc.
Hiện nay, công tác cải cách TTHC của thành phố được thực hiện rất tốt, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần một tinh thần làm việc nhiệt tình, tận tâm, tận tụy với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là điều các NĐT lo ngại nhất khi TTHC rườm rà, kéo dài khiến họ dễ nản lòng.
Ông Nguyễn Kỳ Anh, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư cho biết, có 4 nội dung mà các NĐT quan tâm nhất, gồm: giá thuê đất và những ưu đãi đi kèm (nếu có), nguồn nhân lực, thuế và thị trường tiêu thụ. Sự hỗ trợ của thành phố không chỉ dừng lại ở thời điểm trước khi dự án đi vào hoạt động, mà phải kéo dài xuyên suốt ngay cả trong quá trình vận hành công việc.
“Việc hỗ trợ tích cực các NĐT không chỉ giúp họ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tạo ấn tượng tốt đẹp, góp phần tăng khả năng thu hút đầu tư bởi lẽ, các NĐT cũng chính là kênh “truyền miệng” hiệu quả trong việc thu hút những người khác đến với Đà Nẵng từ những trải nghiệm thực tế của họ”, ông Kỳ Anh nói.
Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố bày tỏ: “Cải cách TTHC không chỉ mang lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, mà còn nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm phụng sự với nhân dân của người cán bộ, công chức. Mọi nỗ lực cải cách sẽ không thể phát huy được hiệu quả, nếu đội ngũ làm việc không có trách nhiệm”.
Thuế và Hải quan là hai lĩnh vực gắn bó chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các NĐT. Để hỗ trợ cho các đơn vị, DN, ngành Thuế và Hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục về thuế, thông quan hàng hóa.
Trong đó, cơ quan thuế thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, giao lưu trực tuyến giải đáp các vướng mắc cho người nộp thuế một cách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, toàn ngành đẩy mạnh áp dụng tiến bộ về CNTT nhằm hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục về nộp thuế.
Cục Hải quan Đà Nẵng thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính thông qua việc triển khai kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho nguời khai hải quan, người nộp thuế…
T.LÂN – K.NINH – K.HÒA