Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi và môi trường kinh doanh cạnh tranh; thành phố còn được đánh giá cao bởi tính an toàn, thân thiện, môi trường sống xanh, sạch, an ninh và có nhiều dịch vụ tiện ích...
Với những chính sách “mở”, Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn lâu dài tại thành phố. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty Tokyo Keiki (Khu Công nghệ cao).Ảnh: Khang Ninh |
Đến Đà Nẵng từ năm 2011 và sáng lập quán cafe Sakura Friends trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê, bà Takeuchi Midori (quốc tịch Nhật Bản) chia sẻ: “Điều làm tôi thích nhất ở Đà Nẵng là sự hòa nhã, thân thiện của người dân.
Tôi được người Đà Nẵng giúp đỡ rất nhiều trong thời gian đầu, khi mới vừa đặt chân đến đây làm ăn. Chúng tôi đầu tư vào việc phát triển con người, quảng bá văn hóa Nhật Bản, nhưng cũng học được rất nhiều từ những người dân địa phương”.
Còn theo ông Sakurai Hiroyuki (quốc tịch Nhật Bản), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor (Khu Công nghiệp Hòa Khánh), người Đà Nẵng có điểm mạnh là rất chăm chỉ, có tấm lòng nhân hậu. Các lao động địa phương luôn tuân thủ quy định của công ty, vì vậy thường đạt được kết quả như kỳ vọng.
Đồng quan điểm, ông Christian John Hunter (quốc tịch Úc), Giám đốc Công ty TNHH Pageworth (Công viên Phần mềm Đà Nẵng) cho biết, điều làm ông thích nhất về Đà Nẵng chính là người dân ở đây. “Chi nhánh công ty của tôi tại Đà Nẵng có hơn 60 lao động, đa phần là người dân của thành phố.
Trong công việc, họ chăm chỉ, kỷ luật. Trong đời sống, họ rất thân thiện và chân thành. Người Đà Nẵng rất tự hào về chính danh xưng người Đà Nẵng. Tôi cho rằng, họ có lý do chính đáng về niềm tự hào đó và tôi thật sự tôn trọng”, ông Hunter nói.
Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về chỉ số “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” của Đà Nẵng, phần “an ninh trật tự” có rất nhiều cải thiện. Theo đó, gần 73,5% DN cho rằng tình hình an ninh trật tự ở Đà Nẵng là tốt, hơn 80% cho biết cơ quan công an hỗ trợ DN giải quyết hiệu quả các vụ mất trộm tài sản.
Một tín hiệu khả quan nữa, là có rất ít DN (1,2%) cho rằng cần phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để được yên ổn làm ăn. Đà Nẵng được đánh giá cao vì môi trường sống an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Ngoài ra, Đà Nẵng vốn có nhiều điều kiện thuận lợi về địa lý, tự nhiên, cảnh quan… Song, các điều kiện đó chỉ được phát huy khi có năng lực hạ tầng hiện đại, hệ thống giao thông thuận lợi. Với quyết tâm của chính quyền thành phố, nhiều năm nay, Đà Nẵng đã có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như:
Intercontinental, Furama, Pullman, Vinpearl; những trường học quốc tế như FPT, Việt Nam – Singapore, Việt – Hàn, Việt – Anh...; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; các trung tâm mua sắm, giải trí đẳng cấp như: Indochine, Vincom, Parkson...; Công viên Châu Á, Bà Nà Hills... Đà Nẵng ngày càng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu của người dân và các NĐT khi đến làm ăn tại thành phố.
Thực tế, nhiều NĐT nước ngoài chọn sinh sống tại các khu chung cư cao cấp của thành phố. Ông Motoshi Mitobe (quốc tịch Nhật Bản), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tokyo Keiki (Khu Công nghệ cao -CNC) cho biết, ông đang sống tại khu chung cư trên đường Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) và hài lòng về chất lượng cũng như các tiện nghi phục vụ đời sống của thành phố.
Tuy nhiên, ông lưu ý Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cấp giao thông, các phương tiện công cộng để thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là đối với người nước ngoài.
Hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng khu nhà ở trong Khu CNC, với tổng mức đầu tư dự kiến là 842 tỷ đồng. Dự án này bao gồm biệt thự cao cấp, nhà liền kề có sân vườn và chung cư chất lượng cao, cung cấp nhà ở tiện nghi, hiện đại cho người lao động, chuyên gia và nhà khoa học nghiên cứu, làm việc tại đây.
Trên thực tế, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung với cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, đường bộ, đường sắt, đường cao tốc... Đây cũng là trung tâm giáo dục – đào tạo của miền Trung với hệ thống đào tạo khá toàn diện gồm 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp và 59 trung tâm dạy nghề.
Nguồn nhân lực dồi dào với 70% dân số trẻ và có tay nghề cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư. Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư một phần do cơ sở vật chất, hạ tầng về giáo dục, y tế, nhà ở… ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu ăn - ở, học tập và vui chơi giải trí. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi muốn định cư lâu dài ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đó là mua và sở hữu bất động sản.
Với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch biển Vinacapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI thành phố Đà Nẵng cho rằng, vấn đề bán nhà ở và cấp sổ hồng cho người nước ngoài vẫn chưa được công khai hướng dẫn khiến chủ đầu tư các dự án phải bỏ lỡ một thị trường rất lớn.
Người nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam, hoặc nếu đã ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với người nước ngoài theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng không thể giao được sổ hồng cho người mua và chịu rất nhiều áp lực từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nói riêng mà còn uy tín của cả địa phương và uy tín quốc gia.
“Là một nhà đầu tư và phát triển bất động sản trên trên địa bàn thành phố, chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm tháo gỡ vấn đề trên. Cùng với đó kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cho DN cũng như cá các nhân, tổ chức nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư vào Đà Nẵng”, ông Phúc nói.
Trước những vướng mắc liên quan đến việc “an cư lạc nghiệp này”, Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố, UBND thành phố đang xem xét hồ sơ để gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Là một Việt kiều quan tâm sâu sắc đến Đà Nẵng, ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch điều hành Traninvest PTE, LTD nhìn nhận, Đà Nẵng được xem là vùng “đất lành” từ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng thuận lợi, đến văn hóa con người Quảng-Đà khí khái, thẳng thắn và đã có sẵn truyền thống văn hóa kết nối làm ăn với bạn hữu quốc tế hàng trăm năm.
So với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore – hai nơi đứng đầu bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm nay, thì Đà Nẵng có vị thế khả dĩ trở thành một thành phố quốc tế, một “Global city” như hai thành phố trên, cũng như thật sự không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về địa lý kinh tế.
“Nhưng theo tôi, có một điều kiện cần ưu tiên tuyệt đối hiện nay là Đà Nẵng phải có một quy hoạch chuẩn quốc tế 100 năm cho cơ sở hạ tầng phần cứng lẫn phần mềm. Quy hoạch có tầm nhìn giới hạn 20-30 năm sẽ dễ bị rơi vào tình trạng chắp vá khi mức độ tăng trưởng vượt nhanh hơn tầm nhìn. Nếu không sớm có một tầm nhìn xa hơn và làm bài toán đếm ngược cụ thể để đặt nền móng cho một sự phát triển bền vững, chỉ trong vòng vài năm tới chúng ta sẽ đánh mất cơ hội lịch sử.
Đó là xây dựng Đà Nẵng đáng sống của Việt Nam trở thành một thành phố toàn cầu văn minh hơn từ thành thị đến thôn quê, có không gian sống hài hòa, có nền nếp trật tự để tạo ra một nội lực lớn, đa dạng, đa năng, không những cho địa phương mà còn là một động lực và đầu tàu cho sự phát triển của miền Trung và cả nước”, ông Trần Sĩ Chương đề cập.
K.NINH - K.HÒA - T.LÂN