Khai thác hợp lý tiềm năng của nông lâm kết hợp

.

Ngày 26-6, tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị “Khai thác tiềm năng của nông lâm kết hợp cho một ASEAN thịnh vượng và năng động”, do Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF) tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế.

Theo ICRAF, cần có những hành động ưu tiên cụ thể để tăng cường sự phối hợp và gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc khai thác và phát triển những thế mạnh của nông lâm kết hợp. Để tận dụng nguồn lưu trữ thông tin khoa học về nông lâm kết hợp lớn nhất thế giới, ICRAF phát triển, thực hành toàn diện từ cánh đồng của người nông dân đến quy mô toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và sự bền vững của môi trường.

Đại diện ICRAF cho biết, nông lâm kết hợp là phương pháp trồng xen cây thân gỗ vào các hệ thống canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, cây lương thực, hay còn gọi là sự kết hợp giữa nông nghiêp và lâm nghiệp nhằm mang lại lợi ích lớn hơn về kinh tế, xã hội và môi trường. 

Trong khi đó, theo đánh giá, Đông Nam Á có trữ lượng các-bon sinh khối cao nhất (trên một héc-ta) trên diện tích đất canh tác nông nghiệp và xu hướng này có chiều hướng gia tăng (từ 60 tấn các-bon/héc-ta năm 2000 lên 65 tấn/héc-ta trong năm 2010).

Nông lâm kết hợp được chứng minh có khả năng tăng tích tụ các-bon và rất có tiềm năng để kinh doanh các dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các mô hình nông lâm kết hợp với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân là do chính sách phát triển nông lâm kết hợp chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Chính vì vậy, việc xây dựng một bộ quy trình Hướng dẫn cụ thể về phát triển nông lâm kết hợp cho khu vực Đông Nam Á được xem là hành động ưu tiên và thiết thực nhất, trong bối cảnh diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây cũng là mục tiêu hội nghị lần này hướng đến.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.