KỲ HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU LẦN THỨ 6 (GEF 6)

Phát triển bền vững gắn với bảo vệ biển, đa dạng sinh học

.

Tham dự GEF 6 tại Đà Nẵng, các đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và bộ, ngành của Việt Nam đã biểu thị chung tay khắc phục các mối đe dọa môi trường biển và đại dương do ô nhiễm rác thải nhựa; phát triển du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển đô thị bền vững gắn với sử dụng hợp lý năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính...

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế trồng cây dương liễu để chắn sóng và gió trên bãi biển Thanh Khê.  		              		           Ảnh: KHÁNH HÀ
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế trồng cây dương liễu để chắn sóng và gió trên bãi biển Thanh Khê. Ảnh: KHÁNH HÀ

Làm sạch bãi biển, giảm rác thải nhựa

Sáng 26-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng 500 đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự GEF 6 và đoàn viên thanh niên khối các cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng ra quân dọn vệ sinh môi trường, trồng cây dương liễu tại bãi biển Thanh Khê, hưởng ứng một trong những chủ đề của GEF 6 là khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân bày tỏ, ô nhiễm rác trên đại dương là một thách thức, trong đó ô nhiễm từ rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng tiên phong tham gia các chương trình và mọi hoạt động giảm thiểu ô nhiễm rác thải trên đại dương.

Bà Adriana Dinu, Giám đốc Tài chính về môi trường toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh: “Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, việc bảo vệ đại dương và vùng bờ biển khỏi ô nhiễm rác thải nhựa là cấp thiết. UNDP đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhưng trong thời gian đến cần tăng cường quản lý và thu gom rác thải, bỏ rác đúng chỗ và ngừng việc vứt rác bừa bãi ra môi trường; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, thân thiện môi trường, sản phẩm nhựa bền lâu, dùng nhiều lần; giảm sử dụng hoặc hãy nói không đối với các sản phẩm nhựa chỉ dùng một lần…

Hơn 80% chất thải thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, vì vậy chúng ta cần tích hợp các chương trình quản lý lưu vực sông, vùng bờ và đất liền”.

Đô thị xanh, phát triển bền vững

Tại cuộc đối thoại đa bên về tăng cường quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình công cộng trong khuôn khổ GEF 6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay: “Cùng với các tổ chức quốc tế, GEF, UNDP đã và đang chung tay cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề này thông qua dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện.

Trong chu kỳ mới của GEF (2018-2022), đề nghị GEF và UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững của Việt Nam”.

Tại Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững (GPSC) do Ngân hàng Thế giới (WB) và GEF tài trợ, các đại biểu đã chia sẻ kiến thức, giúp các đô thị giải quyết bài toán làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, trong khi vẫn khai thác các tiềm năng kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài.

Các thành phố tham gia vào GPSC sẽ được cung cấp kiến thức và các công cụ liên quan đến 3 trụ cột: quy hoạch, hỗ trợ tài chính và kết nối các thành phố.

Bà Anna Wellenstein, Giám đốc lĩnh vực đất đai và không gian địa lý thuộc WB cho biết, trong nhiệm kỳ 4 năm của GEF 6, GPSC đã xây dựng được các mối quan hệ đối tác nền tảng, tạo cơ sở để tiếp tục mở rộng mạng lưới thành phố thành viên trong nhiệm kỳ mới của GEF 7.

Trong khi đó, theo bà Xuemeng Wang, Điều phối viên chương trình GPSC (WB), 3 tiêu chí lựa chọn các thành phố tham gia vào mạng lưới GPSC gồm: chính quyền thể hiện rõ cam kết về phát triển bền vững; thành phố có tầm nhìn và định hướng lâu dài trong phát triển bền vững; có kế hoạch tài chính cụ thể để triển khai các chương trình phát triển bền vững.

Dựa trên 3 tiêu chí này, GPSC đang kêu gọi các quốc gia tham gia vào mạng lưới đô thị phát triển bền vững toàn cầu. “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các quốc gia và thành phố, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng tham gia Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững. Danh sách các thành phố tham gia vào giai đoạn 2 của GPSC dự kiến sẽ được công bố vào tháng 9 tới,” bà Xuemeng Wang nói.

Du lịch dựa vào thiên nhiên

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngành du lịch đã tạo sinh kế cho người dân thông qua cung cấp các dịch vụ cho du khách và giảm việc khai thác lâm sản.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng gây áp lực lên đa dạng sinh học, sinh cảnh đa dạng bị thu hẹp và nhiều loài động vật, thực vật quý đang bị đe dọa. Thị trường cho du lịch sinh thái cũng chưa phát triển và lượng người tham gia vào du lịch sinh thái rất thấp so với tiềm năng đa dạng sinh học…

“Giải pháp sắp đến là tăng cường bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức và gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch. Đồng thời, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh…

Đặc biệt, trong chu kỳ mới của GEF (2018-2022), có những nguồn lực rất quan trọng để phát triển hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Trong đó, đa dạng sinh học là nền tảng, vốn tự nhiên cho sự phát triển du lịch.

Còn phát triển du lịch có cơ chế để hỗ trợ lại cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua chia sẻ lợi ích với các bên tham gia, đặc biệt là chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng, địa phương, góp phần vào nâng cao điều kiện cũng như đời sống của người dân vào mục tiêu cao cả nhất là đất nước phát triển bền vững”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn đề cập.

Còn theo đại diện Ngân hàng Thế giới, từ những dự án đã thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, có thể rút ra 3 điều quan trọng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Điều đầu tiên, tài sản thiên nhiên và văn hóa có bền vững thì du lịch phát triển và ngược lại.

Tiếp đó, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng làm du lịch xanh và quản lý chất thải, nước, rừng cây, phương tiện giao thông… Cuối cùng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa lợi ích của hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương cũng như tài nguyên thiên nhiên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên ở Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai và tạo sự thay đổi tích cực trong bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của GEF cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và tin tưởng rằng, trong 4 năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục nhận được hợp tác của các cơ quan thực hiện GEF để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này”.

KHÁNH HÀ - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.