Những năm gần đây, đất sản xuất nông nghiệp tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) liên tục bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, phường vẫn duy trì tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo…
Gia đình bà Phan Thị Ngọc Bích xây dựng thương hiệu nước mắm Hồng Hương. |
Hỗ trợ nhau thoát nghèo bền vững
Hằng ngày, căn nhà nằm khuất sau lối đi nhỏ hẹp thuộc tổ 33, phường Hòa Hiệp Nam của ông Nguyễn Văn Năm luôn ồn ã tiếng cười, nói. Phần lớn lao động làm việc tại đây là người nghèo, bệnh tật, nông dân mất ruộng, thương binh… sinh sống trên địa bàn.
Ngồi giữa sân nhà, bà Nguyễn Thị Tri, thương binh 3/4, năm nay 78 tuổi vẫn thoăn thoắt sắp xếp mớ đót cho gọn gàng, ngay ngắn trước khi chuyển qua người làm công đoạn bện đót thành chổi.
Nhiều năm qua, trừ lúc đau ốm, mỗi ngày bà Tri đều đến cơ sở sản xuất chổi đót của ông Nguyễn Văn Năm để làm việc, trước hết là kiếm thêm thu nhập, sau là tìm niềm vui bên công việc quen thuộc và khá nhẹ nhàng. Bữa khỏe, bà có thu nhập 70.000 - 80.000 đồng, hôm mệt cũng 40.000 đồng. Khoản tiền ấy không nhiều nhưng cũng giúp bà Tri có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, phòng lúc đau ốm.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Nguyễn Văn Năm còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có gần 10 lao động thường xuyên với thu nhập mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng. Việc sử dụng lao động của ông Năm cũng rất đặc biệt.
Mọi người rảnh giờ nào đến giờ đó, bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Có lao động đi làm đều đặn, chỉ xin ông Năm cho nghỉ mỗi tháng 4 ngày bán để bán thức ăn chay, ông không những vui vẻ đồng ý mà còn hỗ trợ họ chút vốn liếng.
Ông Năm cho biết, nghề làm chổi đót gắn liền với gia đình nhiều năm nay. Trung bình mỗi tháng cơ sở ông làm từ 2.000 - 2.500 cây chổi, cung cấp cho các khu công nghiệp hay chợ lớn, chợ nhỏ ở Đà Nẵng. Dịp Tết, số lượng chổi lên đến 4.000 cây nhưng vẫn liên tục cháy hàng.
Để có đủ nguyên liệu làm chổi, vào mùa đót từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vợ chồng ông lên tận Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam); Nam Đông, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) để mua nguyên liệu. Có thời điểm bạn hàng chuyển về cho ông 30-40 tấn đót tươi, phải phơi phóng liên tục nhằm bảo đảm chất lượng nguồn hàng.
Để tiếp tục sản xuất, ông Năm được Hội Nông dân phường tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ máy móc. Đơn cử, hiện ông vay ưu đãi từ Hội Nông dân 60 triệu đồng. Năm 2017, Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công thương hỗ trợ gia đình máy chà bông trị giá 50 triệu đồng (trong đó gia đình ông chỉ phải trả 50% giá trị máy).
Từ nguồn hỗ trợ này, ông hướng đến việc mở rộng cơ sở, tiếp tục sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cũng nhờ nghề làm chổi, vợ chồng ông Năm có điều kiện nuôi 3 người con học đại học, sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định. Với sự cần cù, chịu khó và thương yêu người lao động, mới đây, ông Năm được Hội Nông dân thành phố tặng giấy khen “Hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo lời Bác”.
Ổn định kinh tế gia đình
Toàn phường Hòa Hiệp Nam hiện có 1.375 hội viên Hội Nông dân, chủ yếu đánh bắt thủy sản gần bờ, làm mắm, dịch vụ phòng trọ, buôn bán nhỏ và lao động phổ thông. Ông Nguyễn Tấn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam cho biết, do diện tích liên tục bị thu hẹp nên tình hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt bị ảnh hưởng.
Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ còn 0,7ha ở bờ dòng, khe cầu trồng rau và 40ha mặt nước hồ Bàu Tràm nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình đó, Hội Nông dân phường đã vận động hội viên tranh thủ mượn đất dự án chưa xây dựng để khai hoang phục hóa trồng rau, hoa, nuôi trồng thủy sản…
Hơn 7 năm nay, sau khi diện tích nuôi thủy sản của gia đình thuộc hồ Bàu Tràm bị thu hồi, giải tỏa, gia đình ông Lê Tám (tổ 29) tận dụng 10.000m2 mặt nước nằm trong dự án xây dựng cạnh UBND phường để tiếp tục nuôi tôm thẻ trắng, cua nước lợ, mỗi năm thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng.
Ngoài ông Tám, hiện có khoảng 14 hộ nông dân khác cũng đang tận dụng mặt nước tại khu vực này để nuôi tôm với mong muốn ổn định kinh tế gia đình. Ông Lê Tám chia sẻ: “Chúng tôi đang sản xuất trên đất dự án đã được đền bù, giải tỏa nên khá lo âu, thấp thỏm.
Do đó, kinh tế gia đình không thể phụ thuộc hoàn toàn vào công việc này vì mình phải tính đến một lúc nào đó dự án sẽ lấy lại đất. Hiện gia đình còn có một bãi giữ xe tại chợ Nam Ô, kết hợp bán nước giải khát tại chợ, đây là nguồn thu chính, ổn định để phát triển kinh tế”.
Trong khi đó, với anh Bùi Thanh Phú (SN 1984), sinh ra và lớn lên tại làng mắm truyền thống Nam Ô, năm 2014, khi biết mẹ mình có ý định “dứt” nghề vì không đủ sức khỏe để tiếp tục bám trụ, anh âm thầm lên kế hoạch phát triển nghề làm mắm của gia đình thành thương phẩm, hình thành Công ty TNHH Mắm Hồng Hương. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình anh muối chừng 5 tấn cá, bán ra thị trường khoảng 2.000 - 3.000 lít nước mắm.
Đứng bên những chum, vại thơm nức mùi mắm truyền thống, bà Phan Thị Ngọc Bích - mẹ anh Phú cho biết, từ ngày có thương hiệu, sản phẩm mắm Nam Ô của gia đình bà được thị trường đón nhận, sản lượng tiêu thụ gấp 2, 3 lần so với trước đây.
“Ngoài nước mắm, gia đình còn sản xuất mắm nêm theo đơn đặt hàng của một số nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng, mỗi năm bán ra hơn 1.000 chai”, bà Bích chia sẻ. Không giấu được niềm vui, ông Dương Đức - Phó Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô cũng khẳng định, quyết tâm bám trụ, xây dựng thương hiệu mắm truyền thống Nam Ô của một số hộ đã và đang giúp làng nghề tồn tại; đồng thời phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình.
Bài và ảnh: TIỂU YẾN