Theo Đài Sputnik, tờ báo Pháp Le Temps vừa đăng bài viết mang tựa đề “Việt Nam - công xưởng mới của thế giới” về những bí ẩn của phép lạ kinh tế Việt Nam, trong số đó có mức lương thấp, ưu đãi thuế để khuyến khích các nhà đầu tư và các thỏa thuận về tự do thương mại.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon vốn đầu tư của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Phố Nối A. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Tất cả điều đó tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường nước ngoài. Chủ đề này cũng được phản ánh trên tờ Inquirer.net của Anh.
Tờ báo ghi nhận sự tăng trưởng phi thường của các khu công nghiệp Việt Nam và vị trí địa chiến lược của Việt Nam giữa Trung Quốc và Singapore nằm ven Biển Đông - một trong những tuyến đường hàng hải lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào ngành xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương trong các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại của họ, chẳng hạn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Theo mạng tin Bloomberg, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình, trong đó có giảm tỷ giá hối đoái Việt Nam đồng/USD để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên tìm kiếm những biện pháp phi thuế quan để hạn chế “dòng chảy” ồ ạt hàng hóa Trung Quốc.
Trong số những biện pháp cần thiết có cả việc cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất bằng cách giảm số lượng giấy phép và giấy chứng nhận, cũng như giúp họ tìm kiếm thị trường mới.
Theo Vietnam+