Sáng 17-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị phản biện phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía tây cầu Rồng và cụm nút phía tây cầu Trần Thị Lý. Đại diện các sở, ban, ngành, các kiến trúc sư, chuyên gia giao thông, vận tải, xây dựng, quy hoạch… thảo luận các phương án được thống nhất cao tại hội thảo do Sở Giao thông vận tải chủ trì vào tháng 5 vừa qua.
Phối cảnh phương án xây dựng 2 hầm chui tại nút giao thông phía tây cầu Rồng. |
Theo đó, các phương án được đưa ra là xây dựng 2 hầm đơn gồm: 1 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2 Tháng 9, 1 hầm nối liền đường Bạch Đằng kéo dài - đường 2 Tháng 9 đến đường Bạch Đằng (chính) tại nút phía tây cầu Rồng; xây dựng nút giao thông khác mức 2 tầng (gồm 1 hầm dọc theo đường 2 Tháng 9, đèn điều khiển, kết hợp xây dựng đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới) hoặc xây dựng nút giao thông khác mức 3 tầng (gồm 1 hầm theo hướng đường Duy Tân, đảo xuyến và cầu vượt theo hướng đường 2 Tháng 9, kết hợp xây dựng đường phía sau khu hội nghị-tiệc cưới) ở cụm nút phía tây cầu Trần Thị Lý.
Hai hầm chui cầu Rồng?
Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng, phương án 2 hầm đơn ở nút phía tây cầu Rồng có nhiều ưu thế như: xóa bỏ hoàn toàn giao cắt, bảo đảm khả năng thông hành qua nút, đáp ứng nhu cầu giao thông dài hạn.
Song, phương án này cũng có nhiều hạn chế. Điển hình, các mặt đường 2 Tháng 9, Bạch Đằng, Trần Phú sẽ bị bóp hẹp; một số hành trình rẽ trái bị kéo dài; lượng xe cộ rẽ từ đường 2 Tháng 9 theo cả 2 hướng (Bắc - Nam, Nam - Bắc) sẽ tập trung vào đường nhánh cạnh Công viên APEC, trong khi bán kính quay xe khá hẹp…
Bên cạnh đó, việc làm hầm chui qua đường Bạch Đằng, Trần Phú sẽ giảm diện tích cây xanh, thậm chí cắt ngang tuyến cống thoát nước chính từ trung tâm thành phố ra sông Hàn. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố bày tỏ lo ngại:
“Đây là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều yếu tố cảnh quan nên việc tạo ra 4 cửa hầm phải có giải pháp thẩm mỹ đặc biệt. Hơn nữa, lưu lượng giao thông tập trung quanh Công viên APEC sẽ làm giảm giá trị khai thác công viên. Chúng ta cũng chưa đề cập các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu, ứng phó các sự cố môi trường địa chất, thủy văn sông Hàn”.
KTS Âu Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Xây dựng ACAD, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng nhận định, phương án 2 hầm đơn tại nút phía tây cầu Rồng đã được nghiên cứu khá kỹ, cần phải lưu ý vai trò “bộ mặt ngoại giao” của đường Bạch Đằng đối với thành phố.
Khi xây hầm chui, hành trình rẽ trái từ đường Nguyễn Văn Linh sang đường Bạch Đằng sẽ khá dài, trong khi hành trình rẽ trái từ đường Trần Phú sang đường Bạch Đằng chỉ còn 1 làn duy nhất, lại nhập ngay lối lên hầm chui, dễ xảy ra xung đột.
KTS Tô Văn Hùng ví đường Bạch Đằng như “căn phòng khách sang trọng” của một ngôi nhà, cần hết sức cẩn trọng nếu muốn can thiệp. Vì vậy, nên có cách tiếp cận quy hoạch giao thông đô thị Đà Nẵng theo 2 phần: đô thị cũ và đô thị mới. Đường Bạch Đằng nằm trong phạm vi đô thị cũ, cần tiếp cận theo cách cũ.
“Trước mắt, cần đầu tư cho nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý. Trong thời gian đó, tiếp tục nghiên cứu phương án cho nút phía tây cầu Rồng. Nếu giải quyết được các vấn đề hiện tại trên đường Nguyễn Văn Linh, Trần Phú - điển hình như việc đậu đỗ xe quá tải, thì bài toán tại khu vực này sẽ khác hẳn bây giờ. Phải hết sức cẩn trọng ở khu vực này, rút kinh nghiệm từ dự án hầm chui phía tây cầu Sông Hàn”, KTS Tô Văn Hùng nói.
Còn ông Phan Văn Thương, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an Đà Nẵng) đề cập, việc bố trí 2 hầm kết hợp 1 nút giao thông dùng đèn tín hiệu chu kỳ 3 pha để hạn chế hành trình rẽ trái kéo dài. Cách làm này sẽ hữu hiệu nếu có sự cố (tai nạn, cháy nổ, nước ngập) trong hầm, bởi xe cộ sẽ chuyển từ lưu thông dưới hầm sang lưu thông trên mặt đất.
Bên cạnh đó, KTS Phan Đức Hải cho rằng, việc nghiên cứu quy hoạch nút giao thông phía tây cầu Rồng còn phải xem xét đến các khu dân cư hiện hữu. Để góp phần giảm tải lưu lượng xe qua nút, phải chỉnh trang kiệt hẻm, mở một số tuyến giao thông mới xuyên qua khu dân cư phía đông đường Trưng Nữ Vương - Nguyễn Văn Linh.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. |
Nút giao thông khác mức chân cầu Trần Thị Lý: 2 hay 3 tầng?
Việc xây dựng nút giao thông khác mức 2 tầng hay 3 tầng tại khu vực phía tây cầu Trần Thị Lý được bàn luận khá kỹ. Theo KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, nên chọn phương án 2 tầng để tiết kiệm kinh phí, bảo đảm cảnh quan cho khu vực cầu Trần Thị Lý.
Ông Dân lưu ý, cần làm đường Bạch Đằng nối dài trước để phân luồng giao thông ra vào khu hội nghị - tiệc cưới (đường 2 Tháng 9) trước khi làm hầm. Bên cạnh đó, cần chọn bán kính đảo tròn trên đường 2 Tháng 9 cho phù hợp thực tế, bảo đảm an toàn giao thông cao nhất.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Đặng Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 - đơn vị tư vấn, phương án này chỉ bảo đảm thông suốt khoảng 40% lưu lượng dòng đi thẳng theo hướng đường 2 Tháng 9. Hơn nữa, vẫn tồn tại 3 nút giao thông điều khiển bằng đèn, chỉ đáp ứng lưu lượng trong 3-5 năm đến.
KTS Tô Văn Hùng đề xuất lựa chọn phương án nút giao khác mức 3 tầng theo thiết kế hình thức và phân luồng mà đơn vị tư vấn đưa ra. Phương án này tạo một trục giao thông thông suốt kết nối trực tiếp sân bay quốc tế Đà Nẵng với khu vực ven biển phía đông, giải quyết tổng thể vấn đề giao thông khu hội nghị-tiệc cưới nên có thể đáp ứng nhu cầu trong 10-15 năm.
Song, cần phải quan tâm đến một số vấn đề như: yêu cầu an ninh (do hầm chui trên đường Duy Tân nằm ngay trước khu vực quân sự), nguy cơ ùn tắc ngay trên cầu…
Trong khi đó, KTS Phan Đức Hải lo ngại quy mô và kinh phí đầu tư dành cho phương án này quá lớn (dự kiến 520 tỷ đồng). Ngoài ra, việc làm cầu vượt ở đây cũng sẽ ảnh hưởng đến trường nhìn từ tây sang đông của cầu Trần Thị Lý và mỹ quan đô thị đường 2 Tháng 9; chưa kể đến các vấn đề liên quan đến hệ thống thoát nước, các tác động đối với môi trường địa chất và thủy văn sông Hàn.
Theo ông Hải, thực tế việc xây dựng nút giao thông khác mức ở phía tây cầu Trần Thị Lý chưa quá cấp bách, cũng chưa giải quyết được vấn đề căn cơ. Giao thông trên đường 2 Tháng 9 chỉ tăng đột biến ở một số thời điểm.
Vậy nên trước mắt, thành phố nên đầu tư bãi đỗ xe ngầm tại khu vực này, đồng thời, cải tạo kích thước của nút, lắp đèn tín hiệu để theo dõi, đánh giá trước khi nghiên cứu phương án xây dựng nút giao thông khác mức.
Nếu xây dựng không gian ngầm ở khu vực này, áp lực vận tải trên mặt đất sẽ giảm. Từ đó, giảm thiểu ùn tắc giao thông toàn tuyến đường, trả lại không gian bề mặt cho công viên cây xanh, tạo phố đi bộ kết nối từ tuyến đi bộ bờ tây sông Hàn hiện nay đến tận cầu Tiên Sơn.
Ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố: Chưa nên làm 2 nút giao thông này vì đây là giải pháp cục bộ Cần phải có giải pháp tổng thể cho giao thông đô thị, không phải bí đâu gỡ đó. Tôi cho rằng sự ùn tắc ở 2 nút giao thông này là tồn tại, nhưng chưa trầm trọng. Trước hết, phải đánh giá hiện trạng, hiệu quả của các đèn tín hiệu đang hoạt động; từ đó chỉ ra được “thủ phạm” của ùn tắc. Ở phía tây cầu Rồng, có thể bổ sung đèn tín hiệu phụ cho phép rẽ trái từ đường Nguyễn Văn Linh xuống đường Bạch Đằng, hay giải lại bài toán đậu, đỗ xe trên đường Trần Phú. Tôi đề xuất chưa nên làm 2 nút giao thông này vì đây là giải pháp cục bộ. Phải chuyển biến đồng thời nhiều giải pháp thì mới giảm sức ép được. Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố: Phải chu đáo trong việc tính toán lộ trình Cần phải đặt các dự án vào bức tranh nhiều mối quan hệ đan xen. Ngoài giao thông, còn có yếu tố cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Hơn nữa, khi xây dựng còn phải tính đến yếu tố điều hành. Phải rút bài học từ hầm chui đường Trần Phú, đường Điện Biên Phủ. Do đó, thành phố sẽ phải rất chu đáo trong việc tính toán lộ trình, làm sao để thế hệ con cháu về sau sẽ tự hào về tầm văn hóa của người Đà Nẵng. |
Bài và ảnh: KHANG NINH