Siết chặt quản lý xe điện bốn bánh

.

Ngày 6-1-2016, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 33/TTg- KTN cho phép thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hẹp.

Ngày 29-3-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý xe điện 4 bánh thí điểm hoạt động trên một số tuyến đường của thành phố Đà Nẵng.

Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của xe điện bốn bánh.
Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của xe điện bốn bánh.

Sau một thời gian triển khai, loại hình phương tiện này đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, thân thiện môi trường; ít gây ô nhiễm; tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác; tốc độ di chuyển thấp nên khá an toàn khi lưu thông...

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và hoạt động, có những bất cập cần được giải quyết. Theo quy định của UBND thành phố, xe điện du lịch chỉ được đón và trả khách ở các tuyến đường và địa điểm cụ thể.

Nhưng thực tế, nhiều xe điện 4 bánh đã vượt qua ranh giới cho phép, đi vào các đường cấm, đường nội thành... khiến giao thông ở nhiều tuyến đường trở nên hỗn loạn và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Anh Nguyễn Văn Châu, một tài xế taxi thường xuyên đón khách trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp cho biết:

“Nhiều tài xế xe điện lạng lách, đánh võng, chạy với tốc độ cao, chỉ trừ khi chở khách thì các tài xế cho xe chạy chậm để khách ngắm cảnh và đã có trường hợp xe điện 4 bánh gây tai nạn chết người trên tuyến đường này rồi”.

Chị Hồ Thương Huyền (nhà trên đường Hồ Xuân Hương) cũng phản ánh: “Tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa có quá nhiều xe điện 4 bánh tham gia chở khách nên đã xảy ra tình trạng phóng nhanh, chạy ẩu tranh giành khách. Ngay như đường Hồ Xuân Hương, xe điện bốn bánh không được phép lưu thông, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp xe điện bốn bánh đi vào đường này”.

Qua tìm hiểu, để đón khách, nhiều tài xế cho xe chạy vào các con đường không được phép hoạt động. Chỉ cần khách gọi và cho địa điểm thì những xe này đến tận nơi đón và chở đi tham quan. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Văn Thoại (điểm giáp ranh hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà), mặc dù chỉ cho phép hoạt động từ 19 đến 24 giờ, nhưng hầu hết các phương tiện xe điện chạy thường xuyên cả ngày lẫn đêm, đậu đỗ sai quy định.

Đặc biệt, tại các khu vực có nhiều khách sạn và đường hẹp thuộc quận Ngũ Hành Sơn như Hoàng Kế Viêm, Đỗ Bá, Phan Liêm, An Thượng 29, An Thượng 35, Trần Bạch Đằng, Hồ Xuân Hương... xe điện vẫn hoạt động và đậu, đỗ thường xuyên gây kẹt xe, nhất là vào những ngày cao điểm mùa du lịch.

Xe điện hoạt động trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp.  												 Ảnh: THÀNH LÂN
Xe điện hoạt động trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: THÀNH LÂN

Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý là phần lớn khách du lịch không thắt dây an toàn khi đi trên xe. Mặc dù, các xe đều có trang bị và tài xế cũng thường xuyên nhắc nhở. Trong khi đó, với tốc độ cho phép là 30km/giờ, nhiều hành khách cho là chậm nên đôi lúc thúc giục lái xe chạy nhanh hơn… 

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Nguyễn Đăng Huy cho hay, để siết chặt quản lý hoạt động này, sở đã tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật; cấp phù hiệu cho các xe đủ điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch; đồng thời chỉ đạo lực lượng Thanh tra sở thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của chủ xe, người điều khiển xe.

Năm 2017, đã xử lý vi phạm 10 trường hợp, phạt tiền gần 23 triệu đồng, những tháng đầu năm 2018 xử lý 16 trường hợp, xử phạt 17,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, 85 xe đưa vào hoạt động đều được cơ quan chức năng cấp đăng ký chính thức, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo quy định; 100% xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để hỗ trợ trong công tác quản lý và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng. Mặt khác, người điều khiển xe điện 4 bánh phải có Giấy phép lái xe ô-tô từ hạng B2 trở lên và được tập huấn nghiệp vụ du lịch.

Theo ông Lê Tặng, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, hiện nay, Đà Nẵng có 4 đơn vị được phép tham gia thí điểm hoạt động xe điện với tổng số 85 xe, gồm: Công ty TNHH TM Du lịch Thịnh Hùng (25 xe); Công ty TNHH TM và Xây dựng Phú Phong (30 xe); Công ty TNHH MTV Ngón Tay Việt (10 xe) và Công ty TNHH MTV Trung sông Hàn (20 xe). 

Các xe điện này chỉ được phép lưu thông trên các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, cầu Thuận Phước, Lê Đức Thọ, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh và Dương Đình Nghệ. Đây là các tuyến không giới hạn thời gian hoạt động.

Riêng các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Thoại, cầu Trần Thị Lý, đường Trần Thị Lý, 2 Tháng 9 (từ Cổ Viện Chàm đến nút đường 2 Tháng 9 và Xô Viết Nghệ Tĩnh) chỉ được phép hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hằng ngày.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.