Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, hiện có khoảng 10 không gian làm việc chung. Đây là nơi các cá nhân đến để làm việc (độc lập hoặc theo từng nhóm nhỏ), sử dụng bàn ghế, văn phòng được cung cấp sẵn với mức giá thỏa thuận. Tuy nhiên, một không gian làm việc chung đúng nghĩa phải tạo cho riêng mình một cộng đồng có tương tác, có hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Những mảng xanh thiên nhiên giúp kết nối cộng đồng trong không gian làm việc chung. Ảnh: Hub Hội An |
Đối với khởi nghiệp, sự tương hỗ đóng vai trò gần như cốt lõi, do đó, không dự án khởi nghiệp nào lại chỉ có một thành viên. Các không gian làm việc chung như: DNC (31 Trần Phú, quận Hải Châu), IoT Space (63 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu), Enouvo (15 Tạ Mỹ Duật, quận Sơn Trà), Hexagon (255 Hùng Vương, quận Hải Châu)… ra đời với mục đích giúp những người cần nhau tìm thấy nhau.
Ví dụ, một lập trình viên muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường, cần tìm những người có chuyên môn về quản trị, kinh doanh, marketing để trò chuyện và hợp tác.
Đội ngũ điều hành các không gian làm việc chung phải tìm cách tạo ra những mối gắn kết này, bởi đây mới chính là “sứ mệnh” của họ chứ không đơn thuần chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí bàn ghế để mọi người làm việc.
Anh Hồ Quang Dũng, Giám đốc không gian làm việc chung Surf Space (35 Thái Phiên, quận Hải Châu) quan niệm, một không gian làm việc chung phải có đủ 3 từ khóa: “làm việc”, “độc lập” và “cộng đồng”.
Anh nói: “Trước hết, không gian đó phải truyền được cảm hứng cho công việc. Nó cũng phải được thiết kế sao cho phù hợp với việc làm độc lập của các nhà thiết kế tự do, các lập trình viên chuyên nghiệp…
Mọi người đến không gian làm việc chung vì muốn được tận hưởng một bầu không khí hăng say lao động, nhưng vẫn không bị ai làm phiền hay gây ảnh hưởng đến người khác. Cuối cùng, không gian ấy phải kết nối được những người có mối quan tâm chung, tạo nên một cộng đồng trong cùng lĩnh vực. Có thể nói, đây là những điều mà các không gian làm việc chung tại Đà Nẵng vẫn chưa thực sự làm tốt”.
Chính vì luôn tự nhận mình chưa thực sự làm tốt, nên những người điều hành không gian làm việc chung ở Đà Nẵng thường xuyên đi học hỏi những nơi khác. Ở Hội An (Quảng Nam), có 1 không gian làm việc chung với tên gọi Hub Hội An, được một du mục kỹ thuật số (digital nomad) người Đức là Sarah Kuhlemann sáng lập vào năm 2017. Chị Sarah Kuhlemann chia sẻ, “bí kíp” để tạo ra cộng đồng của Hub Hội An chính là… những cánh đồng xanh ngắt, những mảnh vườn bình dị với bụi chuối, rặng cây sau nhà. Hóa ra, Hub Hội An nằm trong một căn nhà có vườn cây và cửa sổ nhìn ra cánh đồng. Nắm được lợi thế ấy, đội ngũ Hub Hội An bố trí bàn ghế hợp lý, thiết kế các sự kiện có yếu tố thiên nhiên để kích thích sự sáng tạo, cân bằng tâm lý, thúc đẩy các thành viên rời mắt khỏi màn hình laptop để trò chuyện, kết nối với nhau.
Nếu như Hub Hội An có lợi thế về những khoảng xanh, thì không gian làm việc chung Hubud (Bali, Indonesia) lại có điểm tương đồng với những không gian làm việc chung của Đà Nẵng bởi vị trí gần biển, thu hút rất đông khách du lịch và cộng đồng du mục kỹ thuật số. Vì lẽ đó, giữa Hubud và các không gian làm việc chung Đà Nẵng có mối quan hệ kết nghĩa khá khăng khít.
Chia sẻ về cách thực hiện sứ mệnh kết nối cộng đồng của mình, anh Vitto Christaldi, trưởng bộ phận Học tập và Trải nghiệm của Hubud nói: “Chúng tôi thường tổ chức nhiều sự kiện, cả trang trọng lẫn thân mật. Tất cả dựa trên 4 trụ cột: cùng làm việc, cùng sống, cùng học và cùng cho đi. Nơi của chúng tôi (Ubud) có rất nhiều khách du lịch, nhiều người trong số họ là “dân” công nghệ, “dân” kinh doanh…”.
Đi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm rồi bắt đầu áp dụng, những không gian làm việc chung ở Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng những cộng đồng tương hỗ lẫn nhau. Từng bước một, họ đang tìm cách biến những không gian làm việc chung trở thành những ngôi nhà chung thực sự cho khởi nghiệp của thành phố.
PHONG LAN