Cần đầu tư sản phẩm mới cho du lịch

.

Là thành phố du lịch nhưng Đà Nẵng đang thiếu những sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp và chuyên  nghiệp. Lợi thế về “núi non, sông, biển” vẫn chưa được phát huy hết hiệu quả. Chính vì vậy, đầu tư sản phẩm du lịch mới luôn là yêu cầu bức thiết được đặt ra cho thành phố Đà Nẵng cũng như những người làm du lịch nhằm thu hút và nâng cao chất lượng khách đến, giữ chân và tạo động lực để họ quay trở lại. Dưới đây là ý kiến đề xuất của các đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

 Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch mong muốn thành phố nhanh chóng xây dựng khu vực cảng Đà Nẵng (đoạn cuối đường Ngư Nguyệt, trong ảnh) thành cầu tàu, bến du lịch chuyên nghiệp nhằm làm phong phú thêm sản phẩm cho du lịch đường sông. Ảnh: Khánh hòa
Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch mong muốn thành phố nhanh chóng xây dựng khu vực cảng Đà Nẵng (đoạn cuối đường Ngư Nguyệt, trong ảnh) thành cầu tàu, bến du lịch chuyên nghiệp nhằm làm phong phú thêm sản phẩm cho du lịch đường sông. Ảnh: Khánh hòa

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch biển Vinacapital:

Cần hình thành sớm các chợ đêm, phố đi bộ chuyên nghiệp

Hiện nay, tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng còn rất lớn, tuy nhiên, Đà Nẵng đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các chương trình diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách. 

Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Tôi cho rằng, khách du lịch khi đến bất cứ điểm tham quan nào cũng quan tâm đến việc sẽ ăn món gì, tham quan chỗ nào, vui chơi ở đâu. Rõ ràng, Đà Nẵng chưa đáp ứng được những nhu cầu này và thành phố chưa thành công trong việc “móc hầu bao” của du khách.

Vì vậy, theo tôi, thành phố cần bổ sung vào quy hoạch phát triển du lịch và đẩy mạnh hơn nữa kêu gọi sự đầu tư các phố đi bộ, chợ đêm, hình thành không gian hoạt động du lịch cộng đồng, khu vui chơi giải trí về đêm... Tôi tin rằng doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư bởi đây sẽ là phân khúc “màu mỡ” cho họ khai thác.

Ông Đặng Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch đường thủy Đà Nẵng:

Mạnh dạn tạo sản phẩm du lịch ấn tượng ở khu vực sông, biển

Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch đã góp phần đem lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, du lịch Đà Nẵng bắt đầu bộc lộ những hạn chế, trong đó thành phố vắng bóng các sản phẩm du lịch đường sông, biển chuyên nghiệp và đẳng cấp. Dòng sông Hàn rất đẹp nhưng vẫn chưa được khai thác và phát huy công năng của nó.

Chúng tôi đã đề xuất một số sản phẩm du lịch đáp ứng xu thế và nhu cầu của khách du lịch cũng như tạo sức cạnh tranh với các địa phương trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, như: thuyền buồm, du thuyền, thám hiểm đại dương, câu mực về đêm, ngắm san hô; phát triển các loại hình thể thao trên biển: dù kéo, mô-tô nước, lướt ván, lướt ván buồm, thuyền chuối…

Riêng tuyến du lịch đường sông hiện nay còn quá nghèo nàn, chưa có những điểm cầu dừng chân cho tàu du lịch. Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng ở đây một sân khấu nổi hoành tráng và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật hằng đêm hoặc hằng tuần để tạo điểm nhấn cho sông Hàn.

Ngoài ra, cần mở cầu tàu để kết nối giữa tàu du lịch với các điểm đến nổi tiếng ở bán đảo Sơn Trà như bãi Cát Vàng, bãi Đăng… Thành phố cần sớm quy hoạch bán đảo Sơn Trà trở thành điểm đến thật sự để những tàu du lịch có thể đem khách đến.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng:

Xây dựng du lịch sinh thái kết hợp làng nghề

Đà Nẵng có lợi thế về sông, biển, núi rừng và vùng nông thôn với giao thông thuận lợi, đây là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với các điểm đến làng nghề truyền thống; nhất là khi xu thế du lịch trải nghiệm, khám phá đang và sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Tôi cho rằng, thành phố, địa phương hoặc các đơn vị kinh doanh du lịch nên mạnh dạn xây dựng hình thức lưu trú homestay mới lạ, hay các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân bản địa ở huyện Hòa Vang hay làng nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu).

Các làng nghề này sẽ được hình thành một khu liên hoàn, có thuyết minh, chiếu phim giới thiệu, bán sản phẩm, trưng bày, mua sắm. Với cách làm này, vừa giúp các làng nghề duy trì sự tồn tại, phát triển trong tương lai, đồng thời giới thiệu văn hóa đặc trưng của thành phố đến du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

KHÁNH HÒA thực hiện

;
.
.
.
.
.
.