Vụ "Nhà đầu tư tố cáo doanh nghiệp đa cấp bất động sản lừa đảo": Thêm nhiều người tố cáo

.

Ngày 24-8, sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài phản ánh nhà đầu tư tại Đà Nẵng tố giác dấu hiệu vi phạm pháp luật của Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Thái Tuấn (gọi tắt là Công ty Thái Tuấn) tại Đà Nẵng, nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng tiếp tục nhận thông tin tố cáo doanh nghiệp này ở nhiều địa phương khu vực miền Trung.

Chứng nhận hợp tác đầu tư bất động sản do Công ty Thái Tuấn cấp cho nhà đầu tư không có giá trị pháp lý.
Chứng nhận hợp tác đầu tư bất động sản do Công ty Thái Tuấn cấp cho nhà đầu tư không có giá trị pháp lý.

 Anh Trần Văn B. (trú thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, anh đang tán gia bại sản vì mất 500 triệu đồng vào “bẫy” đầu tư góp vốn này tại Chi nhánh Công ty Thái Tuấn ở địa chỉ số 644 Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ.

Chi nhánh Công ty Thái Tuấn tại Tam Kỳ cũng đã ngưng hoạt động, nhưng vẫn ngấm ngầm duy trì lôi kéo nhà đầu tư trên mạng xã hội. Anh B. nói thêm, khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về những hoạt động có tính lừa đảo của Công ty Thái Tuấn thì rất nhiều người ở Tam Kỳ mong muốn các cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra xử lý, ngăn chặn hành vi chiếm đoạt vốn góp đầu tư cũng như phương thức huy động vốn đa cấp đầy rủi ro.

Chị Lương Thị Minh N. (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho hay, chị lo lắng mất trắng 230 triệu đồng đã đầu tư. Theo chị N., khi tiếp xúc qua các cuộc hội thảo khách hàng, công ty đưa ra chiến lược kinh doanh theo chuỗi quá hấp dẫn. Theo đó, nguồn vốn đầu tư của khách hàng được đầu tư vào chuỗi dịch vụ khắp cả nước từ nhà hàng, khách sạn, bất động sản… Lãi suất được công ty trả hằng tháng ở mức cao.

“Tôi vốn làm đại lý bảo hiểm và rất cảnh giác, nhưng vẫn bị sập bẫy kiểu đầu tư của Công ty Thái Tuấn. Đến khi tôi liên hệ nhận lại tiền lãi, tiền góp vốn thì liên tục bị người của công ty đe dọa đến mạng sống cả gia đình”, chị N. bức xúc  nói.

Việc các nhà đầu tư góp vốn “ngậm bồ hòn” không dám tố cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thái Tuấn là do sức hấp dẫn của chiếc bẫy lãi suất phân chia lợi nhuận vốn đầu tư. Khi đã lao vào thì không có lối thoát bởi những ràng buộc từ nội dung ký kết các hợp đồng góp vốn, mua cổ phiếu. Đơn cử, một nhà đầu tư mới tham gia góp vốn có giá trị tối thiểu 10 triệu đồng để được phân chia lợi nhuận.

Trong một chương trình huy động vốn của Công ty Thái Tuấn thực hiện để lôi kéo nhà đầu tư xác định: Nếu nhà đầu tư góp vốn hợp tác kinh doanh có giá trị 25 triệu đồng sẽ được chia lãi 250.000 đồng/ngày làm việc; 7,5 triệu đồng/tháng và 90 triệu đồng/năm.

Lần lượt các mức góp vốn là 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 200 triệu đồng sẽ nhận mức tỷ lệ phân chia lợi nhuận càng cao. Với 200 triệu đồng vốn góp hợp tác đầu tư thì sau 1 năm được chia lợi nhuận 750 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư góp vốn vào Công ty Thái Tuấn luôn dễ dàng bị chấm dứt hợp đồng bởi điều 12 của hợp đồng góp vốn. Điều 12 nêu: “Bên A (Công ty Thái Tuấn) đơn phương chấm dứt hợp đồng và không hoàn trả lại số tiền cho bên B (nhà đầu tư) đã hợp tác; đồng thời, cắt các khoản tiền thưởng, tiền phân chia lợi nhuận trong những trường hợp: nhà đầu tư vi phạm chính sách hoạt động và quy chế của công ty; tác động tiêu cực đối với đội ngũ cán bộ, ban điều hành và thị trường kinh doanh, có hành động chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của công ty”.

Công ty Thái Tuấn sử dụng mạng xã hội để duy trì hoạt động trấn an và thu hút nhà đầu tư.
Công ty Thái Tuấn sử dụng mạng xã hội để duy trì hoạt động trấn an và thu hút nhà đầu tư.

Với điều khoản này, nhà đầu tư tự trói vào “vòng kim cô” để công ty tha hồ thao túng. Do đó, nhà đầu tư phải liên tục tham gia góp vốn theo kế hoạch để tránh vi phạm điều 12 này, vì vi phạm là toàn bộ số vốn góp bị mất trắng. Đây cũng là lý do mà nhà đầu tư này lôi kéo thêm nhà đầu tư khác tham gia.

Trường hợp như bà T. (chúng tôi phản ánh trong số báo ngày 24-8) buộc phải đưa tên cả con trai, con gái, con dâu vào tham gia góp vốn dù cá nhân bà là người góp tiền. Việc tố cáo hay đòi hỏi quyền lợi trong quá trình góp vốn đều dễ dàng bị “chụp mũ” cho việc vi phạm nội dung “chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của công ty” và càng nhanh chóng bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng; đồng nghĩa với việc nhà đầu tư mất trắng tiền góp vốn bởi từ ngữ của công ty trong các hợp đồng là “hợp tác kinh doanh”.

Quá trình tìm hiểu các hợp đồng “thỏa thuận kinh doanh”, chúng tôi nhận ra những chi tiết rất vô lý trong nội dung văn bản hợp đồng như việc Bên A (Công ty Thái Tuấn) cung cấp số điện thoại di động cho nhà đầu tư, nhưng lại “chỉ được liên lạc bằng tin nhắn, không được gọi điện trực tiếp”.

Bị lừa đảo vì những điều khoản ràng buộc trên, chị Lương Thị Minh N. nói trong nước mắt: “Điều tôi muốn lên tiếng là mọi người thấy nỗi đau của tôi mà tránh xa cạm bẫy kinh doanh đa cấp hiện nay và mong pháp luật điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Thái Tuấn”.

Nhóm PV Báo Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.