Khởi nghiệp không chỉ là con đường chông gai mà còn có khoảng lặng về sự cô đơn luôn thường trực bởi những nỗi niềm khó gọi thành tên.
Trong khởi nghiệp, doanh nhân thường gặp những “khoảng lặng”, rất cần được chia sẻ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất khung cửa tại Công ty TNHH MTV Adoor Việt Nam. |
Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc với những doanh nhân thành công từ chương trình khởi nghiệp, có một cảm xúc chung mà họ vẫn thường chia sẻ, đó là sự “cô đơn” trong suốt chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan.
Kể từ lúc đặt những viên gạch đầu tiên, họ không chỉ phải đối mặt với thử thách và áp lực về tài chính, kỹ năng quản trị, hoạch định chiến lược mà còn đối diện với rào cản lớn ở phương diện tinh thần khi nhận được ít sự đồng tình ủng hộ và chia sẻ từ gia đình, bè bạn.
Nhiều người phải đối diện với ánh mắt đầy hoài nghi, thiếu tin tưởng, thậm chí bị cho là không bình thường hay ảo tưởng khi quyết định lựa chọn khởi nghiệp hay đưa ra ý tưởng kinh doanh nào đó.
Chị Trần Thị Kim Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ du lịch Biển Ngọc chia sẻ, năm 25 tuổi, chị quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh phòng vé máy bay.
Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn khi lĩnh vực chị lựa chọn đã có nhiều người đi trước và khẳng định được tên tuổi, tổng vốn đầu tư cho việc kinh doanh không nhiều, cơ sở vật chất lại thiếu thốn và chị hầu như chưa có kinh nghiệm gì trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Không chỉ gặp áp lực trên thương trường, chị cũng gặp phải sự nghi ngại từ chính bạn bè và người thân bởi lẽ họ không tin chị sẽ làm nên chuyện với hướng đi mới này. “Lúc thấy nhiều người không tin tưởng vào quyết định của mình, tôi cũng buồn nhưng sau đó tự nghĩ phải cố dốc hết sức để làm”, chị Sơn chia sẻ.
Qua hơn 10 năm gầy dựng, đến nay Công ty TNHH MTV Thương mại-Dịch vụ du lịch Biển Ngọc phát triển vững mạnh. Bản thân chị Kim Sơn từng vinh dự được lọt top 100 doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2017.
Con đường khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1985), Giám đốc Công ty Quảng cáo Anh Thịnh Minh (ATM) cũng trải qua đôi lần thất bại mới đi tìm được chỗ đứng như hôm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Trung đầy nắng gió, động lực để khởi nghiệp của chị Nhung xuất phát từ nỗi lo thất nghiệp sau khi ra trường.
Ban đầu là hùn vốn làm chung cùng những người bạn thành lập Công ty Quảng cáo Ánh Thịnh Minh, nhưng sau vài năm chị Nhung tách ra và đổi tên công ty sang Công ty Quảng cáo Anh Thịnh Minh.
Chị Nhung chia sẻ, điều đáng tiếc nhất đó là có những cộng sự khi khởi nghiệp thì cùng chí hướng nhưng vì một vài lý do không thể gắn bó lâu dài. Và đôi khi, giải quyết xong những mâu thuẫn nội bộ lại mất đi những người bạn và phải một mình trên con đường phía trước.
Những doanh nhân thành công đều có chung nhìn nhận đó là, ngoài việc phải chấp nhận đối mặt với những khó khăn, thử thách thì muốn khởi nghiệp còn phải biết chấp nhận với sự cô đơn. Đó là sự cô đơn tích cực và cần thiết để họ nhìn nhận chính mình cũng như hun đúc nên ý chí, niềm đam mê cộng một chút liều lĩnh để đi đến thành công.
Trên con đường khởi nghiệp đầy chông gai, các doanh nhân vẫn âm thầm lặng lẽ không ngừng nỗ lực và phấn đấu để lấy thành quả làm câu trả lời mạnh mẽ nhất cho những hoài nghi xung quanh.
“Người khởi nghiệp không chỉ cô đơn ở những thời khắc ban đầu mà ngay cả khi đã có những thành công nhất định, họ vẫn phải đối mặt với nó bởi lẽ, không phải lúc nào những người xung quanh cũng có thể hiểu được những ý tưởng mà bạn chia sẻ hay những khó khăn bạn gặp phải. Ngay cả người thân trong gia đình cũng có lúc khó để chia sẻ cùng.
Những lúc như vậy, người khởi nghiệp rất cần sự tin tưởng, chia sẻ và động viên từ gia đình và bạn bè để tiếp thêm cho họ ý chí và sức mạnh”, anh Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Adoor Việt Nam chia sẻ.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA