Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 11-9 tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga đã khai mạc Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 với chủ đề “Viễn Đông – mở rộng biên giới của các cơ hội.”
(Nguồn:eastrussia.ru) |
Diễn đàn năm nay được mở rộng đáng kể về quy mô và thu hút sự chú ý của dư luận xung quanh những cuộc gặp cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn.
Việt Nam cũng cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự.
Thư ký Ủy ban Tổ chức EEF, cố vấn Tổng thống Nga, Anton Kobiakov cho biết chủ đề của Diễn đàn phản ảnh kỳ vọng của nước chủ nhà vào Diễn đàn lần này, vượt trội so với các kỳ Diễn đàn trước.
Theo ông, EEF-2018 sẽ nâng quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền lên tầm cao mới.
Theo chương trình chính thức, các nội dung nghị sự của EEF-2018 được chia thành 4 định hướng: “Công cụ hỗ trợ nhà đầu tư: các bước đi tiếp theo” bàn về kết quả và triển vọng cơ chế phát triển khu vực, như khu vực phát triển vượt trội và Cảng Tự do Vladivostok;
“Ưu tiên ngành của vùng Viễn Đông” – thảo luận vấn đề phát triển các ngành đảm bảo tăng trưởng kinh tế cho khu vực trong các năm tới;
“Viễn Đông toàn cầu: dự án quốc tế để hợp tác” bao gồm các hoạt động về các vấn đề như phối hợp kinh tế khu vực Viễn Đông của Nga với các nước láng giềng, vai trò của hành lang giao thông Viễn Đông đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành lập cụm y tế quốc tế tại Vladivostok, hội nhập và hợp tác năng lượng tại châu Á-Thái Bình Dương, khai thác tài nguyên của đại dương;
Ở định hướng thứ tư “Tạo điều kiện cho đời sống con người,” các thành viên tham gia Diễn đàn sẽ thảo luận việc triển khai các dự án quốc gia trong lĩnh vực nhân khẩu học, bảo vệ sức khỏe, văn hóa, giáo dục và khoa học, nhà ở và môi trường đô thị tại Viễn Đông.
Sự kiện trọng tâm trong hơn 50 hoạt động của Diễn đàn năm nay là phiên họp toàn thể vào ngày 12-9 có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon, trong đó dư luận quan tâm nhất đến cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên sẽ ký kết nhiều văn kiện quan trọng về hợp tác song phương.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể trong ngày 12-9.
Đặc biệt lần đầu tiên tại Diễn đàn năm nay sẽ diễn ra chương trình “Lãnh thổ công nghệ” dành riêng cho các chuyên gia trẻ.
Tại đây, họ có thể giới thiệu các ý tưởng, sáng chế, phát minh của mình, thu hút đầu tư, tìm đối tác, trao đổi kinh nghiệm với các nhà sáng chế khác...
Khai mạc chính thức vào ngày 11-9, song Diễn đàn đã bắt đầu hoạt động vào ngày 10/9 với hội thảo Nga-Nhật Bản của Đại học liên bang Viễn Đông.
Đoàn đại biểu Nhật Bản tham dự Diễn đàn lên tới 400 người đứng đầu là Thủ tướng Shinzo Abe.
Trước đó, hôm 3/9, Tổng thống Nga Putin đã có lời chào mừng gửi đến tất cả các thành viên và khách mời của Diễn đàn EEF-4, trong đó ông cho biết tham dự EEF năm nay có đại diện của 60 nước trên thế giới.
Tổng thống Nga chỉ ra rằng với mục đích hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh tại khu vực Viễn Đông Nga đã thành lập khu vực phát triển vượt trội với nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp để họ khởi động sản xuất.
Nga thành lập khu vực thương mại có chế độ hải quan và thuế quan đặc biệt tại Cảng Tự do Vladivostok. Tất cả những điều đó mở ra cơ hội rộng để hợp tác, thương mại, để đầu tư dài hạn, khai thác các hình thức và mô hình hợp tác mới hiệu quả, trong đó có trong khuôn khổ các cơ cấu đa phương như Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Qua 3 kỳ EEF trước, số lượng thành viên tham gia, các hợp đồng được ký kết cũng như giá trị các hợp đồng này đều tăng lên mỗi năm. Tại EEF-2017, các bên đã ký kết 217 thỏa thuận tổng trị giá 2.496 tỷ ruble (35 tỷ USD)./.
Theo