Trong 8 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng đạt hơn 5,8 triệu lượt khách, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 51% so cùng kỳ. Điều này cho thấy Đà Nẵng đang làm tốt công tác quảng bá, giữ gìn và nâng cấp hình ảnh điểm đến.
Khách du lịch tham quan tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Đà Nẵng giữ được sức hút trong thời gian qua là thành phố đã làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá và giới thiệu hình ảnh du lịch trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội.
Du khách tìm kiếm thông tin về Đà Nẵng khá dễ dàng chỉ với một vài thao tác thông qua mạng Internet. Nhờ đó, Đà Nẵng đang ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Để bảo đảm việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách, Sở Du lịch thành phố tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị lữ hành, lưu trú, khu, điểm du lịch lưu ý bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh phục vụ khách du lịch…
Đồng thời, các đơn vị tổ chức lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, lớp nghiệp vụ du lịch dành cho nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch đường bộ năm 2018, chuẩn bị tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề cho hướng dẫn viên, tổ chức lớp nghiệp vụ buồng phòng và nghiệp vụ lễ tân theo tiêu chuẩn VTOS…
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết thành phố đã tích cực triển khai những giải pháp cho các vấn đề nổi cộm như: “tour 0 đồng”, lắp đặt camera trên xe khách vận chuyển khách du lịch, khuyến khích các đơn vị, nhà đầu tư làm mới các sản phẩm du lịch nhằm tăng điểm đến hấp dẫn cho du khách…
Mặt khác, Trung tâm Hỗ trợ du khách cũng đã tiếp nhận, cung cấp thông tin và xử lý phản ánh của du khách; thường xuyên quảng bá số điện thoại đường dây nóng, cập nhật thông tin về sự kiện, chương trình diễn ra trên địa bàn thành phố, hỗ trợ cung cấp các ấn phẩm, tờ rơi để cung cấp cho du khách; nâng cấp phần mềm tra cứu thông tin… Nhờ đó, thành phố đã giải quyết và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế phát sinh.
Đơn cử như, ngay sau khi nhận phản ánh từ khách du lịch về việc nhân viên Tổ kinh doanh ở bãi biển Phạm Văn Đồng “chặt chém” du khách, Sở Du lịch đã yêu cầu Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) phải xử lý nghiêm vi phạm, mời các bên đối chất, làm rõ thông tin.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã kiên quyết yêu cầu các tổ kinh doanh dịch vụ ở bãi biển phải bảo đảm 100% các mặt hàng được bày bán có niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và đúng mặt hàng đăng ký.
Theo ông Trần Chí Cường, để góp phần gìn giữ hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn, đơn vị đã phối hợp cùng các ngành chức năng và địa phương triển khai mạnh công tác thanh, kiểm tra.
Vừa qua, Thanh tra Sở đã tiếp nhận công văn từ Tổng cục Du lịch về việc yêu cầu giải quyết kiến nghị của một khách du lịch Trung Quốc; tiếp nhận ý kiến phản ánh của khách du lịch từ Cổng thông tin chính quyền điện tử thành phố khiếu nại việc thu tiền Internet của Hyatt Resort và đang tham mưu xử lý theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương để triển khai các nội dung liên quan nhằm bảo đảm môi trường du lịch, tăng cường công tác chống chèo kéo khách du lịch tại trung tâm thành phố và các điểm tham quan du lịch; thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu nạn, cứu hộ tại các bãi biển du lịch, các khu, điểm du lịch, các khu nghỉ mát, cơ sở lưu trú du lịch; triển khai nội dung quy chế phối hợp trích xuất camera giám sát bảo đảm an ninh trật tự, chống chèo kéo khách du lịch.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH