Những ngày này, dư luận và các trang mạng xã hội chia sẻ và bình luận thông tin từ một số báo điện tử về việc di dời sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai theo thông tin tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng” diễn ra ngày 8-9-2018 do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.
Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo thành phố muốn khai thác quỹ đất sân bay hay “bị tác động của nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau” để hưởng lợi thị trường bất động sản…
Tuy nhiên, có mặt tại hội thảo này, phóng viên Báo Đà Nẵng thấy rằng không có một kết luận nào về việc chuyển sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai (Quảng Nam) như một số thông tin đã nêu. Trong vai trò chủ tọa, điều hành hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng còn nhấn mạnh, hiện Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh.
Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng nêu rõ: “Thành phố Đà Nẵng kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của thành phố làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được gìn giữ như là trụ cột phát triển môi trường sinh thái, đô thị bền vững).
Xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng (không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai phát triển bền vững trong tương lai)”.
Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng cũng cho rằng cần tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng với giao thông và phương thức vận tải cộng cộng số lượng lớn, chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm.
Rõ ràng, lãnh đạo thành phố hoàn toàn không có chủ trương hoặc tiếp nhận ý tưởng “di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai”. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được Thành ủy và UBND thành phố giao nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thì hiện đề cương của quy hoạch vẫn xác định sân bay Đà Nẵng là thành tố trong cấu trúc đô thị và là cốt lõi cơ sở hạ tầng của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xác định là “thành phố toàn cầu và sức hút kết nối toàn cầu”. Mục tiêu phát triển của Đà Nẵng về hạ tầng là “kết nối Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, cả nước và thế giới”.
Các phương án tăng trưởng cho thành phố Đà Nẵng cũng được nêu trong nội dung “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Quy hoạch xác định xây dựng phương án tăng trưởng tiềm năng hiện tại lấy cơ sở hạ tầng làm đột phá là cảng Liên Chiểu, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng. Về định hướng phát triển ngành kinh tế cũng xác định sân bay quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics.
Đặc biệt, trong định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển hạ tầng cũng xác định “Tiếp tục đầu tư mở rộng, đầu tư trang thiết bị để nâng cao khả năng khai thác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa từ 28-30 triệu hành khách/năm”.
Một số kiến trúc sư đề xuất ý tưởng phát triển Đà Nẵng dựa vào sân bay, hình thành đô thị sân bay trong thành phố bởi đây là xu hướng hiện đại của nhiều đô thị trên thế giới; trong đó sân bay phải xa đô thị. Nhưng thật ra sân bay phải luôn gắn kết với đô thị.
Các đô thị có sân bay phát triển trên thế giới thường thì khoảng cách đến đô thị từ 15-30 phút. Dẫu vậy, việc đặt vấn đề tư duy vùng trong việc di dời sân bay Đà Nẵng là phải dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia, cụ thể là bảo đảm vai trò “hạt nhân”, “động lực” của Đà Nẵng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được nêu trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
TRIỆU TÙNG