Hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực để thi công các công trình tách và thu gom riêng nước thải, xây dựng các tuyến cống bao có khẩu độ lớn để thu gom nước mưa đợt đầu, đồng thời nâng công suất trạm bơm và trạm xử lý nước thải, chuyển hướng thoát nước mưa về sông Hàn...; từ đó xử lý căn cơ tình trạng xả nước thải ra ven biển.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải hút nước thải tại cơ cấu tách dòng ở cửa xả Mỹ An lên xe bồn để tránh chảy tràn ra bãi biển khi trời mưa. |
Doanh nghiệp thi công xả nước ngầm từ hố móng công trình
Thời gian vừa qua, dư luận rất bức xúc khi cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt một số chủ đầu tư công trình xây dựng khi xả nước ngầm từ hố móng công trình vào hệ thống cống thoát nước của thành phố. Việc xả nước thải từ hố móng các công trình xây dựng luôn có trữ lượng lớn làm quá tải các trạm bơm cũng như trạm xử lý nước thải, trực tiếp gây tràn nước thải ra biển.
Việc xả nước thải vào hệ thống cống chung của thành phố được đơn vị thi công dự án Đà Nẵng Times Square (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) thừa nhận.
“Dự án đang trong giai đoạn thi công tầng hầm, nhà thầu Coteccons tiến hành bơm hạ mực nước ngầm nhằm bảo đảm an toàn cho công trình.
Trong quá trình thi công, dù đã tuân thủ quy trình và đã được cho phép đấu nối đường ống xả nước ngầm từ bể lắng vào hố ga thoát nước của đường Võ Nguyên Giáp; tuy nhiên, do không nắm bắt được lưu lượng của hệ thống cống thoát của thành phố, nên chúng tôi chưa điều tiết được hoạt động bơm nước ngầm hợp lý và có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung”, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons nói.
Trong khi đó, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện hơn 10 trường hợp xả nước ngầm từ hố móng công trình xây dựng vào hệ thống cống thoát nước chung và báo các cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý.
UBND thành phố có Quyết định số 3713/QĐ-XPVPHC ngày 28-8 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Kim Long Nam vì hành vi vi thực hiện không đúng nội dung và các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Tháp CT 1 và CT 2 - Đà Nẵng Times Square (tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) với tổng số tiền phạt là 160 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 20-8, Sở Xây dựng thành phố xử phạt Công ty CP Kim Long Nam với số tiền 10 triệu đồng vì xâm phạm hệ thống thoát nước của thành phố. Ngày 4-9, UBND quận Sơn Trà ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với Công ty CP Thương mại và du lịch San Hô Đà Nẵng vì xả nước thải ra môi trường.
Được biết, trong năm 2018, ngoài xử lý 2 chủ đầu tư là Công ty CP Kim Long Nam và Công ty CP TM-DV San hô Đà Nẵng vì xả nước ngầm từ hố móng công trình ra hệ thống thoát nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Sơn Trà kiểm tra tình hình thi công tầng hầm của các dự án ven biển và phát hiện, xử lý 6 dự án vi phạm xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng vào cống chung của thành phố.
Cụ thể các dự án gồm: khách sạn Golden - Đà Nẵng do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Xuân Dũng làm chủ đầu tư; khách sạn Minh Toàn Ocean do Công ty TNHH TM-DV Minh Toàn làm chủ đầu tư; khách sạn The Code do Công ty CP The Code làm chủ đầu tư; khách sạn Tiến Đạt do Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt làm chủ đầu tư; nhà hàng Brilliant Seafood do Công ty TNHH Bình Giang Phát làm chủ đầu tư và công trình xây dựng ở số 90-92 Hoàng Bích Sơn do ông Võ Văn Dũng làm chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, đơn vị này đã yêu cầu tất các các chủ đầu tư công trình khu vực ven biển phía đông thành phố thuộc lưu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phải có biện pháp thi công khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công trình, đồng thời thực hiện tiêu thoát nước ngầm hố móng bằng cách vận chuyển bằng xe bồn đi nơi khác.
Công tác phát hiện, kiểm tra việc xả thải nước ngầm từ hố móng các công trình xây dựng thuộc trách nhiệm của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải và Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).
Trong thời gian qua, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải chưa kịp thời phát hiện một số trường hợp xả thải vào hệ thống cống dẫn đến tình trạng nước thải tràn ra biển.
Hiện Sở Xây dựng thành phố cũng đã có chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu công ty tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời cũng đã yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Nhiều giải pháp đang triển khai
Hệ thống thoát nước hiện nay của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước chung nên nước thải phát sinh từ các hoạt động được thải vào hệ thống với một lượng đáng kể các chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ. Các chất gây ô nhiễm thường được giữ lại trong hệ thống thoát nước với thời gian tương đối lâu trước khi được vận chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung thông qua các cơ cấu tách dòng (CSO).
Các CSO này là nơi tập trung lượng lớn nước thải kèm theo quá trình xáo trộn mạnh tại các vị trí này dẫn đến hiện tượng mùi hôi thường xuyên phát sinh tại các cửa xả. Khi lưu lượng nước thải tăng nhanh, đặc biệt trong điều kiện mưa lớn thì nước mưa chảy tràn ra các cửa xả ra biển, gây mùi hôi, mất mỹ quan...
Đáng nói, đến thời điểm hiện tại, một số khu vực ở phường Mân Thái và Thọ Quang (quận Sơn Trà) chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải nên nước thải phát sinh theo các hệ thống cống hiện trạng đổ ra biển gây ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan.
Để xử lý tình trạng nước thải chảy tràn ra biển, giải pháp trước mắt đang được Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thực hiện là tăng cường nạo vét mương thu, cửa thu và các tuyến cống thuộc lưu vực thu gom đổ về các cửa xả chính, gần khu vực du lịch để bảo đảm các tuyến cống này tương đối sạch sẽ, giảm thiểu cuốn trôi bùn rác chảy ra biển và làm tăng khả năng chứa nước thải trong cống để hạn chế chảy tràn ra biển.
Đồng thời, đơn vị triển khai hút bùn bằng phương tiện cơ giới để giảm bớt cặn đen chảy ra biển trong trường hợp bất khả kháng nước thải tràn ra biển; thường xuyên kiểm tra, xử lý mùi hôi phát sinh tại các cửa xả bằng vôi, xút hoặc các chế phẩm sinh học để hạn chế ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.
Đơn vị cũng tăng cường giám sát và sẵn sàng các biện pháp để ứng phó với sự cố tràn nước thải tại các cửa xả, bố trí thiết bị đào, san gạt cát tại các cửa xả để cải tạo cảnh quan sau các trận mưa lớn, không để xuất hiện các rãnh, hố sâu gây mất mỹ quan bãi biển.
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cũng vừa thực hiện thí điểm cải tạo, lắp đặt hệ thống van cửa phai hỗn hợp để ngăn không cho nước thải chảy tràn ra biển tại cửa xả Mỹ An, thay thế các máy bơm để tăng cường hiệu quả bơm thu gom nước thải tại các tuyến ven biển. Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã phối hợp với công ty thay thế 11 máy bơm tại các trạm bơm…
Về lâu dài, theo quy hoạch thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 4-1-2018 của UBND thành phố), thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo và xây dựng các tuyến thu gom, trạm xử lý nước thải trong tương lai theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó tập trung vào các khu vực chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải hoặc đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nhưng có dấu hiệu quá tải, không bảo đảm thu gom, xử lý triệt để nước thải trước khi thải ra môi trường.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố tập trung nguồn lực để triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải khu vực ven biển của quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Đơn vị cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà (đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng), bao gồm đầu tư tuyến cống bao có kích thước lớn (từ D2000 đến D2400) để thu gom nước thải và nước mưa đợt đầu; nâng cấp trạm xử lý nước thảo Sơn Trà, đáp ứng tổng công suất xử lý nước thải lên đến 65.500m3/ngày; nước mưa (tương ứng với trận mưa có cường độ 10mm/giờ) được chuyển về khu vực âu thuyền Thọ Quang…
Thành phố đang trong tiến hành thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng và xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn có công suất 30.000m3/ngày. Hiện thành phố đang phát hành hồ sơ mời thầu để xây dựng hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng) của lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Huyền Trân Công Chúa)...
Theo một cán bộ làm lâu năm trong ngành xây dựng, bên cạnh các giải pháp công trình như xây dựng cống bao thu gom nước mưa, tuyến ống thu gom nước thải, để chấm dứt tình trạng xả nước thải vô tội vạ xuống cống và chảy tràn ra bãi biển, các địa phương và ngành chức năng cần phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không xả nước thải bừa bãi ra đường và xuống cống, lắp đặt các bể chứa và lọc mỡ dưới vòi xả của bồn rửa chén, thu gom riêng các loại chất thải hữu cơ và vô cơ…
Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử phạt thật nghiêm các trường hợp xả nước thải trái phép xuống hệ thống cống.
Hiện nay, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị thi công công trình xây dựng tuyến ống thoát nước thải mạng cấp 3 và đấu nối hộ gia đình khu vực Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và Phước Mỹ (quận Sơn Trà) thuộc Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với kinh phí đầu tư 215 tỷ đồng. Theo đó, xây dựng các tuyến ống mạng cấp 3 với tổng chiều dài hơn 49,7km và 2.256 hố ga, 52 giếng tách dòng (CSO); cải tạo mương thoát nước hiện trạng sau nhà dân với chiều dài 12km, 130 hố đấu nối thu nước thải, xây dựng và cải tạo hơn 7.000 hố đấu nối thoát nước thải từ nhà dân, doanh nghiệp đến các đường ống. Theo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến đến cuối năm 2019, khi công trình được hoàn thành thi công và đưa vào vận hành, nước thải từ hơn 7.000 hộ dân và doanh nghiệp thuộc phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và Phước Mỹ (quận Sơn Trà) sẽ được tách riêng và đưa về trạm xử lý nước thải để xử lý, không phải chảy vào hệ thống cống thoát nước chung để tràn ra bãi biển. Ngoài ra, nước mưa của lưu vực Mỹ An và Phước Mỹ cũng sẽ được thu gom và đưa về phía sông Hàn. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP