Bên cạnh những thay đổi tích cực, ngành du lịch Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sự phát triển nóng của hệ thống khách sạn, thị trường khách du lịch… Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch bền vững.
Để thu hút dòng khách từ thị trường châu Âu, cần có những sản phẩm mang tính đặc thù. Trong ảnh: Khách châu Âu đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển. Ảnh: THU HÀ |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kỳ nghỉ Đà Nẵng:
Quản lý tốt để chống thất thu thuế
Hiện nay, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng đông nhưng chúng ta đang thất thu thuế vì những tour 0 đồng. Do vậy, để ổn định thị trường khách này cũng như tránh làm hỏng môi trường du lịch, thành phố cần làm tốt công tác quản lý, bảo đảm điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khai thác nguồn khách Trung Quốc thay vì để một số doanh nghiệp nước ngoài độc quyền như hiện nay.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thực tế để thống kê xem thời gian qua thành phố thu được bao nhiêu thuế trên số lượng khách đến Đà Nẵng.
Thực trạng hiện nay đang diễn ra ở Đà Nẵng là nhiều công ty du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đà Nẵng tự thuê phương tiện, hướng dẫn viên, tự đặt nhà hàng, tự thanh toán tiền… nên ngân sách thành phố hầu như không thu được và các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được về giá với các công ty này.
Để các doanh nghiệp trong nước có được chỗ đứng trên thị trường nội địa thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tránh việc cạnh tranh không lành mạnh về giá, về chất lượng tour mà nên cùng “bắt tay”, hợp tác để khai thác thị trường khách này.
Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I:
Đầu tư thêm những sản phẩm du lịch mang tính địa phương
Đà Nẵng khác với các điểm đến lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vì Đà Nẵng là thành phố trẻ, có lợi thế sông, biển, những công trình mới… phù hợp với thị trường khách trẻ, thị trường khách châu Á, nhưng thực sự chưa thu hút được dòng khách châu Âu. Xu hướng chung của dòng khách Âu là thích trải nghiệm những gì cổ kính, đồng quê, nhẹ nhàng…
Do đó, để đa dạng nguồn khách cũng như thu hút dòng khách này, thành phố cần đầu tư thêm những sản phẩm thực sự phù hợp. Trước kia, Đà Nẵng có làng rau ở Cẩm Lệ, nhiều khách châu Âu rất thích đến, nhưng hiện nay làng rau đã không còn nhiều, khách du lịch muốn trải nghiệm phải đi Hội An.
Vì vậy, việc đầu tư vào những sản phẩm mang tính dân dã, cộng đồng để làm phong phú sản phẩm du lịch của Đà Nẵng là rất cần thiết. Có thể đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng dành cho thị trường khách này tại thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) với các sản phẩm như: tour tham quan và đi bộ dài ngày hái rau rừng, tour đi bộ, tắm suối, tour học bắn nỏ, ném lao…
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Bến Thành Tourist, Chi nhánh Đà Nẵng:
Ứng dụng 4.0 để thu hút khách
Thành phố cần quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh khách sạn… trực tiếp tham gia xúc tiến tại nước ngoài, gặp gỡ các đối tác để trao đổi, thảo luận, từ đó tìm kiếm thị trường khách. Những hoạt động này nên được tổ chức thường xuyên bằng kinh phí xã hội hóa.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động kinh doanh; cải tiến sản phẩm của mình, giới thiệu được với khách thông qua công nghệ 4.0 để thu hút khách. Điều đó nhằm giới thiệu những cái mới nhất của sản phẩm dịch vụ, theo dõi thị hiếu và có những thay đổi để tiếp cận khách hàng.
THU HÀ (ghi)