Nguồn cung đủ, giá thịt heo vẫn tăng

.

Do ảnh hưởng của “cuộc khủng hoảng” thừa vào thời điểm tháng 9-2017, từ đầu năm đến nay, giá thịt heo trên cả nước và Đà Nẵng không ngừng tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch tả heo ở một số nước châu Phi, trong 3 tháng qua, sản lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu giảm, làm giá thịt heo tươi sống trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng.

Giá thịt heo tăng từ đầu năm 2018 đến nay làm người bán và người tiêu dùng đều gặp khó khăn.   Ảnh: KHÁNH HÒA
Giá thịt heo tăng từ đầu năm 2018 đến nay làm người bán và người tiêu dùng đều gặp khó khăn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Dạo quanh các chợ tại Đà Nẵng, giá thịt heo mông, vai được bán từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, sườn heo từ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, giá thịt heo hiện nay tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 8-2018.

“Giá thịt heo tăng từ đầu năm 2018 đến nay vẫn chưa giảm. Khách đến mua thì phải thuyết phục khách thông cảm. Do giá thịt heo tăng và có nhiều hộ bán thịt trên vỉa hè các tuyến đường bên ngoài chợ nên các hộ bán thịt heo bên trong chợ bán chậm”, một tiểu thương ở chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diệu (trú đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê) cho hay: “Từ cuối năm 2017 đến nay, giá thịt sườn heo từ 100.000 đồng/kg tăng lên 140.000 đồng/kg. Người dân không biết vì sao tăng giá mạnh và tăng giá với chu kỳ lâu như vậy. Nếu vẫn không giảm thì lo rằng đến dịp Tết, giá thịt heo sẽ tăng cao ngất ngưởng”.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, mỗi ngày, khoảng 1.500 con heo được giết mổ ở các lò mổ tập trung của thành phố, trong đó có đến 80% là được nhập ở các tỉnh về, riêng Bình Định chiếm 40%, tỉnh Quảng Nam và hệ thống trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (tại huyện Hòa Vang và ở các tỉnh) chiếm 20%, còn lại các cơ sở chăn nuôi của huyện Hòa Vang cung cấp 20%.

Lý giải nguyên nhân thịt heo tăng giá mạnh từ đầu năm 2018 đến nay, ông Cao Xuân Thái nói: “Năm ngoái do nguồn cung nhiều nên giá heo hơi xuống thấp, có thời điểm xuống còn 18.000 đồng/kg, các cơ quan chức năng chỉ đạo giảm đàn heo nái.

Đồng thời, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng giảm mạnh đàn heo vì thua lỗ. Vì thế, đến đầu năm nay, nguồn cung ít nên giá heo hơi tăng lên có lúc tới 55.000 đồng/kg. Dù giá thịt heo tăng, nhưng nhờ nguồn hàng nhập về từ các tỉnh ổn định nên sức mua vẫn bình thường”.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố khẳng định: “Nguồn thịt heo trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm ổn định, đủ cung cấp cho nhu cầu trên thị trường. Hiện nay, có một công ty chăn nuôi luôn duy trì ổn định nguồn thịt heo với khoảng 35.000 con heo nuôi tại chuồng.

Chính vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dù giá thịt heo tăng, nhưng tại Đà Nẵng sẽ không xảy ra tình trạng tăng đột biến giá cũng như khan hiếm nguồn hàng thịt heo”.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không mua thịt heo không có dấu kiểm dịch, bày bán trên vỉa hè.   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không mua thịt heo không có dấu kiểm dịch, bày bán trên vỉa hè. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Là doanh nghiệp cung cấp số lượng lớn thịt heo cho thị trường, ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh phân tích, nguyên nhân giá thịt heo tăng trong thời gian gần đây là do nguồn thịt heo đông lạnh từ nước ngoài nhập về Đà Nẵng giảm do ảnh hưởng bởi dịch tả heo ở một số nước châu Phi, dẫn đến thiếu nguồn hàng thịt heo cung cấp cho thị trường.

Trước thông tin dịch tả heo đã xuất hiện tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, ông Cao Xuân Thái cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc ngăn chặn bệnh dịch tả xâm nhiễm vào thành phố Đà Nẵng, cơ quan thú y đang giám sát chặt chẽ việc nhập heo còn sống về thành phố để giết mổ, đặc biệt là tại hai trạm kiểm dịch động vật ở phía bắc và phía nam thành phố; tăng cường kiểm soát chặt chẽ thịt heo đông lạnh nhập về ngay tại kho hàng của các siêu thị, trước khi thịt heo được đưa ra lưu thông trên thị trường (trong siêu thị có 2 loại thịt heo, thịt heo đông lạnh nhập từ nước ngoài về và thịt tươi được nhập từ các lò mổ trên địa bàn thành phố).

Cơ quan chức năng cũng kiểm soát chặt chẽ các hàng quà tặng có liên quan đến thịt heo hoặc các hàng hóa xách tay từ khách du lịch đưa từ nước ngoài vào thành phố. Sở NN&PTNT đã cấp 1,2 tấn thuốc Bencocid để triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, điểm buôn bán thịt heo, các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố và 20.000 liều vắc - xin dịch tả heo cho các địa phương, cơ sở tiêm phòng cho đàn heo…

“Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua thịt heo bày bán trên vỉa hè, lề đường mà không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi chế biến phải nấu chín thịt heo để ăn, bảo đảm cho sức khỏe”, ông Cao Xuân Thái nói.

Các đơn vị cung cấp thực phẩm, thường xuyên tham gia công tác dự trữ hàng hóa (trong đó có thịt heo), bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Đắc Vinh, Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Đại Siêu thị Big C Hải Phòng tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Lotte Mart Đà Nẵng, Công ty CP DV TM TH Vincommerce - Tập đoàn Vingroup Chi nhánh Đà Nẵng cùng hệ thống chuỗi cửa hàng Vinmart+ và hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
 
UBND thành phố vừa có văn bản số 7472/UBND-SNN ngày 28-9-2018, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động giám sát dịch bệnh động vật tại cảng biển, sân bay, đường bộ nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào thành phố.
 
Theo đó, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y cấp thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm để thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh ở lợn; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm khống chế ổ dịch hiệu quả.
 
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào thành phố.
 
Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép. 
 
Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2017 đến tháng 8-2018, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa châu Á và châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy gần 500.000 con.
 
Riêng tại Trung Quốc, từ tháng 8-2018 đến nay ghi nhận 14 ổ dịch với hơn 38.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Đây là căn bệnh hiện không có vắc-xin và khái niệm chữa trị, có khả năng gây tử vong 100% trên lợn.  
PHAN CHUNG

HOÀNG HIỆP – KHÁNH HÒA 

;
.
.
.
.
.
.